Tín hiệu mới tại 'siêu dự án' 16 tỷ USD lớn nhất Việt Nam: Xin giảm hơn 3.700 tỷ đồng, lùi tiến độ đến 2024

04/11/2023 12:01

Do quá trình thu hồi đất xây sân bay Long Thành gặp khó khăn vì dịch bệnh, vướng mắc thủ tục nên Chính phủ đã kiến nghị kéo dài dự án.

Sáng 26/10, tiếp tục kỳ họp thứ 6, trước khi tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Quốc hội nghe Tờ trình và thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình về việc điều chỉnh một số nội dung về dự án Sân bay Long Thành.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, tổng mức đầu tư để giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư dự án được Quốc hội thông qua trước đó là 22.938 tỷ đồng. Diện tích đất thu hồi là 5.399,35 ha. Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tiến hành một lần và hoàn thành trước năm 2021.

Về thay đổi, theo tờ trình của Chính phủ, sẽ giảm tổng mức đầu tư dự án sân bay Long Thành từ 22.938 tỷ đồng xuống 19.207 tỷ đồng (giảm 3.731 tỷ đồng).

Tín hiệu mới tại siêu dự án 16 tỷ USD lớn nhất Việt Nam: Xin giảm hơn 3.700 tỷ đồng, lùi tiến độ đến 2024 - Ảnh 1.

Phối cảnh nhà ga hành khách thuộc sân bay Long Thành. Ảnh: ACV

Giảm diện tích đất thu hồi từ 5.399,35 ha xuống 5.317,35 ha (giảm 82 ha). Trong đó, diện tích đất của dự án Sân bay Long Thành là 5.000 ha; diện tích đất khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn là 284,7 ha (tăng 2,35 ha); tăng diện tích đất tái lập hạ tầng ngoài ranh giới Cảng hàng không 32,65 ha.

Bổ sung bố trí tái định cư các hộ dân thuộc 02 tuyến giao thông kết nối T1, T2 vào Khu dân cư, tái định cư Lộc An - Bình Sơn không làm tăng tổng mức đầu tư, không tăng diện tích đất thu hồi của Dự án.

Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội xem xét, thông qua kéo dài thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2024. Kéo dài thời gian giải ngân đối với số vốn thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và số vốn thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đến hết ngày 31/12/2024 để tiếp tục bố trí vốn thực hiện, hoàn thành Dự án.

Kiến nghị đưa vào Nghị quyết Quốc hội: "Cho phép kéo dài thời gian thực hiện Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành và giải ngân số vốn 2.510,372 tỷ đồng đến hết năm 2024".

Nguyên nhân kéo dài thời gian dự án?

Lý giải cho đề xuất nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết năm 2020, 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khu vực huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai nhiều lần phải giãn cách xã hội. Việc phối hợp với người dân để đo đạc, kiểm đếm, lên phương án bồi thường đất gặp nhiều khó khăn, bị kéo dài. Bên cạnh đó, khối lượng công việc lớn, nhiều hộ dân bị vướng mắc giấy tờ, đất đai; giá cả, vật tư tăng cao, đứt gãy; thiếu hụt nhân lực... liên quan đến chế độ, chính sách xã hội nên phải cẩn trọng, tỉ mỉ.

Tín hiệu mới tại siêu dự án 16 tỷ USD lớn nhất Việt Nam: Xin giảm hơn 3.700 tỷ đồng, lùi tiến độ đến 2024 - Ảnh 2.

Phối cảnh nhà ga sân bay Long Thành. (Ảnh: ACV)

Ngoài dự án này, UBND tỉnh Đồng Nai cũng phải tập trung nhân lực triển khai hàng loạt các dự án trọng điểm quốc gia trên địa bàn tỉnh như đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và phục vụ các đoàn kiểm tra, giám sát. Do đó, lực lượng thực hiện thu hồi đất cho sân bay Long Thành bị thiếu hụt.

Dự án sân bay quốc tế Long Thành được xây dựng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai chính thức được Quốc hội thông qua vào năm 2015. Đây được coi là một siêu dự án của quốc gia, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2025.

Mục tiêu dự án là xây dựng sân bay quốc tế quan trọng của quốc gia, được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những trung tâm trung chuyển vận tải hàng không hiện đại hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á.

Công suất khi hoàn thành dự kiến đạt 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm, được chia làm 3 giai đoạn. Toàn bộ vốn đầu tư dự án khoảng 336.630 tỷ đồng (khoảng 16, 03 tỷ USD). Trong đó, giai đoạn một đầu tư 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD) với 1 đường cất/hạ cánh, nhà ga hành khách quy mô 25 triệu khách/năm; đưa vào khai thác cuối năm 2025.

Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách Nhà nước, vốn cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước của ngành hàng không, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP) và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật.

Xem thêm:

Tin liên quan

Tuyến đường sắt ở Việt Nam chạy tốc độ 25km/h đã "dừng cuộc chơi" - bao giờ có tàu tốc độ cao thay thế?