Thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng gây ra nhiều tác hại khó lường

25/07/2020 00:03

Ngày 23/7, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức hội thảo “Cung cấp thông tin báo chí về thuốc lá điện tử (TLĐT) và thuốc lá nung nóng (TLNN)” tại TP HCM.

Nội dung trọng tâm của hội thảo xoay quanh các chuyên đề về: Định hướng truyền thông, tóm tắt lịch sử, hiện trạng hiện nay và các hình thức quảng cáo, tiếp cận giới trẻ của TTĐT và TLNN. Đặc biệt là nhiều nhận xét và kết luận của các chuyên gia của ngành về tác hại của những sản phẩm thuốc lá thế hệ mới tới sức khoẻ của người sử dụng và sức khoẻ cộng đồng. Điều này không còn là “hồi chuông cảnh tỉnh” nữa mà đã tới mức” báo động đỏ” cho tác hại khôn lường của nó ẩn sau hình ảnh “thời thượng” – trào lưu mới của giới trẻ ngày nay.

Tại Việt Nam,  tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở thanh thiếu niên cũng bắt đầu tăng cao lên đến 2,6% cho nhóm học sinh tuổi từ 13 tới 17 tính từ năm 2011 – đến 2018 (theo điều tra giám sát học sinh thực hiện tại Việt Nam năm 2019 của WHO). Nếu không được kiểm soát, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử sẽ tăng rất nhanh, đặc biệt là ở độ tuổi thanh thiếu niên chứ không chỉ ở độ tuổi trưởng thành (như các công ty thuốc lá vẫn truyền thông). Điều này sẽ tạo ra một số lượng người hút mới chứ không giúp giảm đi số người hút cũ, nó sẽ gây ra bệnh dịch kép tại những nước mà tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu còn rất cao như Việt Nam.

 

Bà Trần Thị Nhị Thuỷ- Vụ Trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông Tin và Truyền Thông. (Ảnh: Minh Hải)

Tác hại của khói thuốc lá ảnh hưởng tới sức khỏe con người đã được các ngành y học – khoa học chứng minh: Hút thuốc lá sẽ dẫn tới ung thư phổi. Thuốc lá còn là chất gây nghiện đối với những người nghiện nicotine, một gói thuốc lá như một kho cung cấp  nicotine hàng ngày… Điếu thuốc là một đơn vị phân phối nicotine, nó gây ra các bệnh về tim mạch và hô hấp, gây ngộ độc khi sử dụng nicotine quá liều đối với người sử dụng.  Bên cạch đó, việc hút thuốc lá thụ động cũng gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của bà mẹ và thai nhi trong thai kỳ, dễ dẫn đến sinh non và thậm chí bị thai lưu.

Bà Phan Thị Hải – PGĐ Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y Tế. (Ảnh: Minh Hải)

Đa phần các sản phẩm thuốc lá đun nóng và điện tử có mặt trên thị trường được nhiều công ty quảng cáo là giảm hại, giúp cai nghiện thuốc lá truyền thống, không ảnh hưởng tới sức khoẻ người xung quanh. Thế nhưng trên thực tế, tổ chức y tế thế giới– WHO nghiên cứu và chỉ ra rằng chưa có bằng chứng cho thấy thuốc lá điện tử giúp cai thuốc lá truyền thống. Ngược lại, theo khảo sát của WHO, những người trẻ tuổi từ 14 tới 30 đã từng dùng thuốc lá điện tử, tỉ lệ chuyển qua hút thuốc lá truyền thống cao hơn 3,6 lần so với những người chưa từng sử dụng. Trong hầu hết các trường hợp thuốc lá điện tử vẫn được sử dụng đồng thời cùng với thuốc lá truyền thống. Ngoài ra các sản phẩm thuốc lá mới luôn có sự thu hút và tiếp tục tăng số người sử dụng nicotine.

Quang cảnh buổi hội thảo (Ảnh: Minh Hải)

Sự nguy hiểm đến từ sản phẩm thuốc lá mới còn là các thiết bị có thể bị hỏng lỗi gây nổ ảnh hưởng làm tổn thất tài sản và những chấn thương nghiêm trọng vùng mặt cho người sử dụng. TLNN cũng chứa rất nhiều độc tố giống như khói thuốc lá, vì dù ở nhiệt độ thấp hơn nhưng vẫn tạo ra hóa chất tương tự như khói thuốc. Thành phần độc tố đó bao gồm: glycerin, propylene glycol và hương liệu (có hơn chục nghìn loại hương liệu). Propylene glycol (mặc dù được coi là an toàn trong thực phẩm nhưng không phải để hít) có thể tạo thành propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi. Glycerin/Glycerin gốc thực vật: khi được đun nóng và hóa hơi, tạo thành acrolein, gây kích ứng đường hô hấp trên và làm tăng mảng bám trong mạch máu cũng như tạo huyết khối, tăng nguy cơ tim mạch nhồi máu cơ tim và đột quỵ… được xếp vào những nhóm gây ung thư nghiêm trọng. Dù các hóa chất này ở nồng độ thấp hơn nhưng chúng cũng không giảm nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng mà còn gây tác hại cho người xung quanh do hút thuốc thụ động. Nồng độ một số hóa chất thấp hơn thuốc lá thông thường nhưng nồng độ khác lại cao hơn nên về vấn đề đảm bảo sức khỏe trong thời gian dài của sản phẩm thuốc lá mới còn chưa được kiểm chứng.

Ông Đào Thế Sơn- Liên minh Quốc tế phòng chống lao và bệnh phổi (Ảnh: Minh Hải)

Đặc biệt và nguy hiểm hơn đó là tình trạng tội phạm ma túy trộn các loại ma túy vào các sản phẩm thuốc lá điện tử và hướng vào cho đối tượng học sinh, sinh viên sử dụng. Tình trạng này đang diễn ra mà chưa có được sự quản lý chặt chẽ.

Bà Lê Thị Thu – Tổ chức HealthBridge Canada ( Ảnh: Minh Hải)

Nếu như trước kia, người sử dụng thuốc lá truyền thống còn e dè, tránh cho người thân không bị ảnh hưởng bởi tình trạng khói thuốc thụ động. Thì ngày nay, do tin vào lời quảng cáo rằng thuốc lá thế hệ mới không nguy hại, họ vô tư hút trong phòng kín, mà không lo ảnh hưởng đến người xung quanh. Chị Nguyễn Thị D, nhà ở Q.3 cho biết: Trước kia, khi sử dụng thuốc lá truyền thống, chồng chị thường ra ngoài trời để hút. Từ ngày Vape thâm nhập thị trường Việt Nam, chồng chị chuyển sang Vape và vô tư hút trong nhà vì được hướng dẫn rằng không độc hại. Mùi thơm của vape khiến chị D tò mò hút thử, hương vị ngọt nơi đầu môi và thú vui được đồng điệu cùng chồng khiến chị D trở thành bạn đồng đẳng với chồng… Một thời gian sau, chị hút  cả thuốc lá truyền thống và hiện nay có triệu chứng nghiện thuốc lá …

Do chưa đủ bằng chứng xác minh về nguy cơ tác hại tuyệt đối hay tương đối khi sử dụng sản phẩm này. Nhưng theo quyết định của Hội nghị các Bên lần thứ 8, Công ước khung về kiểm soát thuốc lá khuyến cáo:

  • Phải bắt đầu ngăn chặn sử dụng các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.
  • Bảo vệ mọi người khỏi bị phơi nhiễm với khói thuốc lá thế hệ mới theo điều 8 của công ước khung của WHO FCTC.
  • Áp dụng các biện pháp cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ  các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, theo điều 13 Công ước khung quản lý bao gồm hạn chế hoặc cấm khi việc sản xuất và nhập khẩu phân phối trưng bày bán hàng và sử dụng các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.

Bằng chứng cho thấy từ nhiều nước trên thế giới đặc biệt là khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Campuchia, Singapore, Brunei, sản phẩm thuốc lá mới thậm chí được quản lý chặt chẽ nhưng đều mang lại tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng. Tại Việt Nam, thị trường các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới ở chưa lớn, chủ yếu là buôn bán trôi nổi. Do đó, các biện pháp ngăn chặn, không cho phép thí điểm lưu hành sản phẩm này sẽ khả thi trước khi chúng được sử dụng rộng rãi.

Tại Thái Lan quy định về bảo vệ người tiêu dùng năm 2015, sử dụng thuốc lá điện tử trở thành vấn nạn ở thanh thiếu niên Thái Lan. Các sản phẩm thuốc lá mới được sử dụng rộng rãi ở thanh thiếu niên đã đem theo nhiều vấn đề về tác hại của thuốc lá điện tử. Do đó, chính quyền sở tại đã cấm để bảo vệ sức khỏe của thanh thiếu niên.

Tại Singapore đã có luật từ năm 2011, tất cả các sản phẩm thuốc lá mới sẽ quản lý theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ 15/12/2015 tới 30/07/2016 cấm thuốc lá không khói và bất kỳ chất nào mà có thành phần thuốc lá hoặc nicotine được sử dụng với thiết bị dẫn truyền nicotine tạo hơi thường được gọi chung là thuốc lá điện tử; Giai đoạn 2 từ 01/08/2016 đến nay cấm tất cả các sản phẩm thuốc lá mới nổi đang tồn tại trên thị trường: thuốc hít qua đường mũi và thuốc hít qua đường miệng.

Tại Campuchia, tỷ lệ sử dụng và tiêu thụ gia tăng ở giới trẻ. Shisha và thuốc lá điện tử chứa một lượng lớn nicotine gây hại tổn hại nghiêm trọng cho sức khỏe. Người dùng có thể trộn lẫn các loại thuốc gây nghiện vào sản phẩm này nên khó kiểm soát nếu cho phép các sản phẩm này lưu thông trên thị trường. Năm 2014 Chính phủ sở tại đã ban hành thông tư cấm tiêu thụ và bán, nhập khẩu shisha và thuốc lá điện tử trên toàn lãnh thổ.

Năm 2005, Brunei cũng đã thông qua luật cấm bán, đề nghị bán và nhập khẩu thuốc lá điện tử.

Tại Việt Nam, tình hình sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc nung nóng tính tới năm 2015, tỷ lệ người đã từng hút thuốc lá điện tử là 1,1% và 0,2% hiện đang sử dụng thực tế đã cho thấy việc sử dụng thuốc lá điện tử ở Việt Nam có xu hướng gia tăng đặc biệt ở thành phố lớn nơi có mức sống khá và đa phần là giới trẻ.

Sản phẩm TLĐT và TLNN  là sản phẩm độc hại, ngành công nghiệp thuốc lá đã sử dụng các chiêu bài quảng cáo tiếp cận nhằm vào giới trẻ. Năm 2019 (theo thống kê phân tích Femion 2019) có 135.625 tin bài có đăng nội dung liên quan tới TLĐT, có 99.180 bài quảng cáo, review, hướng dẫn sử dụng, buôn bán về TLĐT với tỷ lệ 99% xuất hiện trên Facebook. Do đó,  phụ huynh và nhà trường, thầy cô giáo phải hướng dẫn, nhắc nhở các em nhận diện được bản chất bệnh tật, gây tử vong của các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới. Các cơ quan bộ, ngành chức năng cần nhanh chóng vào cuộc  để kiểm soát tốt các hoạt động quảng cáo buôn bán của các sản phẩm này, nhất là khi nhóm sản phẩm này chưa có giấy phép lưu hành trên thị trường. Tất cả các ban ngành liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ để đạt được sự thống nhất giúp kiểm soát tối đa việc sử dụng, kinh doanh, buôn bán sản phẩm thuốc lá mới trên thị trường. Đa phần việc mua bán TLĐT và TLNN hiện nay là tự phát.

Tại Khoản 3, Điều 4 Luật Phòng chống tác hại thuốc lá nêu rõ: “Hoạt động sản xuất kinh doanh thuốc lá phải phù hợp với mục tiêu từng bước giảm nguồn cung cấp thuốc lá, phù hợp với việc giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá”.

Mục tiêu chung Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020: “Giảm nhu cầu sử dụng và kiểm soát để từng bước giảm mức cung cấp các sản phẩm thuốc lá tiêu thụ tại thị trường Việt Nam nhằm giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá gây ra”.

Do đó, việc cho phép lưu hành TLĐT và TLNN không chỉ làm gia tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá mà còn thúc đẩy cả người không hút thuốc lá và người đang sử dụng thuốc lá thông thường đều sử dụng TLĐT. Ngoài ra, thuốc lá là sản phẩm gây nghiện. Thế giới đã mất nhiều thập kỷ chỉ để chống lại các tác hại của thuốc lá thông thường, tuy nhiên, kết quả chưa được như mong đợi. Vì vậy, nếu cho phép các sản phẩm mới này lưu hành thì Việt Nam sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề hơn.

Minh Hải

Nguồn