Tại Diễn đàn đổi mới sáng tạo mở và sáng chế phục vụ phát triển ngành y dược, công nghệ sinh học Việt Nam do trường Đại học Y Hà Nội phối hợp với Hội Sáng chế Việt Nam tổ chức ngày 18/12, ông Trần Huy Thịnh, Trưởng phòng Quản lý khoa học công nghệ, Trường Đại học Y Hà Nội cho rằng, để tận dụng tối đa những cơ hội về của ngành y dược và công nghệ sinh học Việt Nam, việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo hộ sở hữu trí tuệ và thương mại các sáng chế là vô cùng quan trọng.
Sáng chế trong nước hiệu quả, chi phí phù hợp
Chia sẻ tại Diễn đàn về sáng chế Phức hệ nano SCP có tác dụng diệt khuẩn trong môi trường tại các cơ sở y tế, TS Trần Thị Ngọc Dung, Trưởng phòng Công nghệ thân môi trường, Viện Công nghệ môi trường, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam cho biết, sản phẩm này có thể diệt được nhiều loại vi khuẩn khác nhau và virus gây bệnh, phổ diệt khuẩn rộng, thời gian diệt khuẩn và an toàn cho người dùng cũng như môi trường với chi phí hợp lý. Sản phẩm này đã được ứng dụng vào thực tế nhưng chưa được phổ rộng.
Hiện nay, các chất diệt khuẩn sử dụng trong nước chủ yếu là nhập khẩu, các doanh nghiệp trong nước cũng chưa chú ý nhiều đến loại sản phẩm này.
"Đây thực sự là thị trường rất lớn, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng về các chất diệt khuẩn trong nước tăng rất nhanh, từ 5-10%", bà Trần Thị Ngọc Dung cho biết.
Một sáng chế khác cũng từ phức hệ Nano bạc, sử dụng trong chăm sóc, điều trị vết thương cho bệnh nhân cao tuổi, bệnh nhân tiểu đường bị các vết thương loét, đó là dung dịch rửa vết thương và đắp vết thương, đặc biệt là các vết thương hoại tử khó lành do vi khuẩn khó diệt, do vi khuẩn kháng kháng sinh hoặc do cơ thể bệnh nhân không đáp ứng với thuốc hiện tại.
Bộ sáng chế này sử dụng nano và một số thành phần khống chế các vi sinh vật của vết thương phát triển, đồng thời thúc đẩy quá trình liền vết thương nhanh, hiệu quả điều trị tốt.
"Trong quá trình thử nghiệm sử dụng bộ sản phẩm này, gần như 100% bệnh nhân cao tuổi được chăm sóc hiệu quả các vết thương loét, không ghi nhận phản ứng phụ", Trần Thị Ngọc Dung chia sẻ.
Hiện nay, chi phí của sản phẩm này tương đương giá của 20 băng gạc nano điều trị vết thương đang sử dụng trên thị trường. Các băng gạc này đang nhập khẩu 100%, một băng gạc rẻ nhất cũng có giá 300.000-400.000 đồng/gạc.
Cần kết nối nhà khoa học và doanh nghiệp
Để thương mại hoá các sản phẩm nghiên cứu và sản phẩm trí tuệ như này, TS Ngọc cho rằng, không hề đơn giản và nếu không được đưa vào thực tế thì những nghiên cứu này vô cùng lãng phí, trong khi chúng ta hoàn toàn có thể tạo nhiều sản phẩm tốt để hỗ trợ các cơ sở y tế cũng như trong điều trị bệnh nhân.
"Vì vậy, chúng tôi rất cần sự kết nối giữa các nhà nghiên cứu với doanh nghiệp để những sản phẩm này thuận lợi đến với các cơ sở y tế cũng người bệnh", TS Ngọc Dung bày tỏ mong muốn.
Ông Vũ Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Sáng chế Việt Nam cũng nhấn mạnh, việc phối hợp giữa các nhà khoa học, các đơn vị nghiên cứu với doanh nghiệp là rất quan trọng. Thông qua các sáng chế trong nước, chúng ta tiết kiệm được rất nhiều chi phí từ sản xuất đến nhân lực. Đặc biệt, người bệnh, cơ sở y tế được tiếp cận với những sáng chế nhanh hơn, hiệu quả hơn và chi phí hợp lý hơn.
Về phía trường Đại học Y Hà Nội, PGS.TS Kim Bảo Giang, Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, hiện nay, song hành với quá trình đào tạo, Trường Đại học Y Hà Nội cũng tập trung cho công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, so với những nỗ lực trong lĩnh vực đào tạo thì công tác nghiên cứu sáng chế của Nhà trường vẫn còn khiêm tốn.
Nhận thức được nhu cầu quan trọng này trong bối cảnh hiện nay và với sứ mệnh nghiên cứu đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả nước, PGS.TS Kim Bảo Giang cho rằng, Nhà trường cần phải đầu tư nhiều hơn đối với công tác đổi sáng tạo cũng như phát triển các sáng chế trong nghiên cứu y học, để thúc đẩy tốt hơn việc ứng dụng khoa học công nghệ trong đào tạo và chăm sóc sức khoẻ người dân.
Hiền Minh