Thay đổi thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu

23/07/2020 18:59

Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng cần có giải pháp để đưa sản phẩm nghiên cứu đi thương mại hóa, tạo động lực cho người nghiên cứu tiếp tục phát huy năng lực, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị. Đó là đúc kết từ hội thảo “Thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, bài học từ các nước, hiện trạng và đề xuất mô hình thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học”.

Chuyển giao công nghệ còn nhiều bất cập

Hội thảo trên do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH-CN) TPHCM (SIHUB) tổ chức, thu hút các chuyên gia trong nước và quốc tế đến chia sẻ kinh nghiệm về mô hình thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học của Hàn Quốc, Đức, Australia… và hiện trạng hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học ở Việt Nam.  

Theo bà Nguyễn Minh Huyền Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ (Đại học Quốc gia TPHCM), quá trình chuyển giao công nghệ giữa đại học - doanh nghiệp (DN) còn nhiều bất cập. Việc triển khai cơ chế bảo hộ, quản lý, khai thác tài sản trí tuệ trong các viện, trường chưa đạt yêu cầu. Hiện nhiều trường chưa thành lập bộ phận quản trị tài sản trí tuệ, hoặc có nhưng hoạt động thiếu hiệu quả; các trường thiếu những công trình, sản phẩm KH-CN có tính ứng dụng cao. Còn với việc công bố kết quả nghiên cứu, đa số các nhà khoa học lựa chọn hướng công bố bài báo hơn là lựa chọn thực hiện đăng ký sáng chế.

Tại Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM, việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm luôn gắn liền mục tiêu thương mại hóa sản phẩm

Tại Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM, việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm luôn gắn liền mục tiêu thương mại hóa sản phẩm

Th.S Nguyễn Minh Huyền Trang đưa ra dẫn chứng: Năm 2017 là năm Việt Nam có bằng độc quyền sáng chế được cấp nhiều nhất (109 bằng) nhưng chiếm chưa đến 7% số bằng được cấp trong năm. Trong khi đó, số bằng độc quyền sáng chế cấp cho các chủ thể nước ngoài là 1.636, chiếm hơn 93%. Nếu so sánh với một số nước trong khu vực ASEAN+3 thì chúng ta đứng cuối và cách biệt khá xa với Thái Lan, Malaysia. Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, năm 2017, tổng số đơn sáng chế và giải pháp hữu ích của Thái Lan, Malaysia, Việt Nam lần lượt là 3.133, 1.439 và 669. 

“Hiện vẫn còn khoảng 10% DN Việt Nam sử dụng công nghệ từ những năm 1970, 30% sử dụng công nghệ từ những năm 1980 và 50% sử dụng công nghệ từ những năm 1990”, bà Huyền Trang cho biết và nhấn mạnh, quá trình chuyển giao công nghệ giữa đại học - DN là vấn đề rất cấp thiết trong phát triển nghiên cứu khoa học.

Nhiều hướng khác để chuyển giao

Chia sẻ bài học từ các nước, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc điều hành SIHUB, cho biết hiện các nước có khá nhiều mô hình về chuyển giao và thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Đơn cử mô hình công ty đại diện của trường đại học, mô hình này có thể thay thế hoàn toàn vai trò của trung tâm chuyển giao công nghệ tại một số trường đại học và cũng có thể đảm nhận vai trò của vườn ươm công nghệ. 

Theo ông Tước, vấn đề hiện nay của các trường là luật pháp vẫn chưa cho phép các trường đại học được đầu tư tài chính. Trên thế giới, phần đầu tư tài chính mới là phần chính. Tức là, tài sản của nhà trường, của các nguồn khi đầu tư xong thì tạo ra tài sản. Tài sản đó được bàn giao cho công ty quản lý. Mô hình công ty này cũng có thể đảm nhận vai trò của vườm ươm công nghệ trong việc hỗ trợ thành lập các startup và spinoff. “Trường đại học cần hướng đến định vị vai trò nguồn thu từ nghiên cứu trong mục tiêu hoạt động, xây dựng văn hóa sáng tạo và kinh doanh KH-CN trong nhà trường. Thiết kế mô hình phù hợp cho việc chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, bổ sung chức năng DN và chức năng tài chính”, ông Huỳnh Kim Tước đề xuất.

TS Thomas Guidat, Trung tâm Quan hệ DN và chuyển giao công nghệ (Trường Đại học Việt Đức), chia sẻ, Viện Fraunhofer-Gesellschaft (Đức) thực hiện mô hình nghiên cứu ứng dụng tiện ích trực tiếp cho DN tư nhân và công cộng. So với các trường đại học và viện nghiên cứu khác, Viện Fraunhofer-Gesellschaft chủ yếu tập trung nghiên cứu theo những yêu cầu từ DN (theo hợp đồng), các dự án đầu tư từ Chính phủ, hoặc dự án đầu tư từ chính nhà trường, viện nghiên cứu. Các trường/viện tham gia hệ thống của Fraunhofer sẽ làm việc chung với nhau, nếu cùng một lĩnh vực hoặc đang nghiên cứu cùng một đề tài sẽ thúc đẩy sự phát triển của mô hình hợp tác nghiên cứu này.

Ở các nước tiên tiến, hoạt động nghiên cứu là kim chỉ nam, giảng viên, nhà khoa học lấy hoạt động nghiên cứu làm nguồn thu chủ yếu. Ngược lại, ở Việt Nam, tại các trường đại học, việc đào tạo vẫn là nhiệm vụ hàng đầu. Trong những năm gần đây, chủ trương áp dụng cơ chế tự chủ của Chính phủ đối với các trường đã thúc đẩy các cơ sở giáo dục bậc cao này tiệm cận với cơ chế thị trường. Các trường phải quan tâm đến việc tạo được các sản phẩm, dịch vụ tốt cho thị trường từ nguồn lực sẵn có. 

Bá Tân

Nguồn