Tập đoàn lớn Trung Quốc khảo sát tuyến đường sắt tại Việt Nam suốt 5 năm: Dự án 100.000 tỷ đồng tái khởi động?

02/11/2023 21:00

Bắt đầu từ năm 2015, suốt 5 năm, một tập đoàn lớn của Trung Quốc đã nhiều lần nghiên cứu, khảo sát để lập dự án quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.

Thủ tướng hoan nghênh Trung Quốc hợp tác phát triển đường sắt

Nhiều năm nay, các doanh nghiệp của Việt Nam, Trung Quốc đã tích cực hợp tác vận chuyển hàng hóa trên tuyến hành lang kết nối từ thành phố Trùng Khánh của Trung Quốc, đi qua Việt Nam và một số nước ASEAN, và từ Việt Nam đi đến Trung Á, châu Âu.

Trong buổi chia sẻ với Tiền Phong vào ngày 13/10, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam cũng khẳng định Trung Quốc coi kết nối đường bộ, đường sắt, trong đó có kết nối với “Hai hành lang, một vành đai” của Việt Nam là một ưu tiên hợp tác.

Tập đoàn lớn Trung Quốc khảo sát tuyến đường sắt tại Việt Nam suốt 5 năm: Dự án 100.000 tỷ đồng tái khởi động? - Ảnh 1.

Thủ tướng trao đổi cùng Bí thư Quảng Tây Lưu Ninh trong chuyến công tác tại Trung Quốc hồi tháng 9 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trước đó, ngày 16/9, trong chương trình công tác tại Quảng Tây, Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Trần Vân, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc (CREC); và ông Vương Tiểu Quân, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng điện lực Trung Quốc (PowerChina).

Tại buổi làm việc, Thủ tướng cho biết, Việt Nam xác định phát triển kết cấu hạ tầng là một trong các đột phá chiến lược, trong đó có hạ tầng giao thông, bao gồm đường sắt. Thủ tướng và Chủ tịch CREC đã trao đổi về khả năng nghiên cứu các phương án xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng khoảng 388 km.

Hoan nghênh khả năng CREC tham gia nghiên cứu dự án này, Thủ tướng đã đề nghị ngay sau cuộc tiếp, các cơ quan Việt Nam như Bộ GTVT, Bộ KH-ĐT, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và CREC trao đổi cụ thể về khả năng triển khai dự án trong thiết kế, thu xếp nguồn vốn, thi công, quản lý… theo hình thức phù hợp nhất, có lợi nhất cho hai bên.

Dự án này sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác trong hai hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng và vành đai kinh tế vịnh Bắc bộ, tăng cường hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

Tuần cuối tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Thiên Tân.

Trong thời gian 4 ngày của chuyến thăm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; hội đàm với Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Cường; lần lượt có các cuộc gặp với Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Triệu Lạc Tế, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Hội nghị Chính trị hiệp thương nhân dân Trung Quốc Vương Hộ Ninh.

Sau chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng, hai bên đã đạt nhiều nhận thức chung quan trọng, nhất trí nhiều biện pháp cụ thể về thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước trong thời gian tới.

Việt Nam và Trung Quốc cũng nhất trí nâng cao chất lượng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, đẩy mạnh kết nối giao thông, nhất là trong lĩnh vực đường sắt, đường bộ, hạ tầng cửa khẩu...

5 năm nghiên cứu, lập dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng

Để đạt được những tín hiệu tích cực như hiện nay, các cán bộ của tập đoàn lớn Trung Quốc đã khởi động quá trình nghiên cứu, khảo sát, lên kế hoạch cụ thể từ hơn 8 năm trước, năm 2015. Trải qua rất nhiều buổi họp với các lãnh đạo nhiều đơn vị, “Dự án quy hoạch đường sắt tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng” đã được gọi tên.

Vào ngày 11/8/2015, Công ty HH Tập đoàn Viện thiết kế khảo sát số 5 đường sắt Trung Quốc (Viện 5) đã thu thập các tài liệu liên quan về dự án quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng. Chỉ 8 ngày sau, ngày 19/8/2015, “Phương án thực hiện nghiên cứu khả thi của viện trợ cho Dự án quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng” đã được hoàn thành.

Vào năm 2016, Viện 5 đã cử đoàn chuyên gia phụ trách kinh doanh và kỹ thuật để tiến hành kiểm tra hiện trường Dự án quy hoạch đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng trong suốt 1 tháng (từ 19/4/2016 đến 18/5/2016).

Tập đoàn lớn Trung Quốc khảo sát tuyến đường sắt tại Việt Nam suốt 5 năm: Dự án 100.000 tỷ đồng tái khởi động? - Ảnh 2.

Hiện nay khổ đường 1.000mm của Việt Nam gần như là nước cuối cùng còn dùng (Ảnh: Báo Giao thông)

Khoảng thời gian này, nhóm khảo sát đã đến vào hiện trường, tiến hành điều tra tỉ mỉ hiện trạng công trình và cơ sở vật chất của đường sắt hiện nay, điều kiện cải tạo nâng cấp v.v… Đồng thời, đoàn công tác có các cuộc họp để trao đổi với các bộ phận ga, tuyến, tìm hiểu cách thức vận hành, quản lý, bảo dưỡng và các vấn đề còn tồn tại của tuyến đường sắt hiện nay. Trong suốt quá trình khảo sát. 

Các chuyên gia Trung Quốc cũng đã trao đổi trực tiếp cùng đại diện Bộ GTVT Việt Nam, Cục đường sắt Việt Nam, tìm hiểu nhu cầu và mong muốn của phía Việt Nam. Sau 1 tháng trao đổi, ngày 18/5/2016, đại diện  Phòng tham tán kinh tế thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cùng đại diện Cục đường sắt Việt Nam đã ký kết “Biên bản làm việc nghiên cứu tính khả thi viện trợ của Dự án quy hoạch tuyến đường sắt tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng”.

Tháng 6/2017, Viện 5 tham gia và trúng đấu thầu “Dự án quy hoạch đường sắt tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng”. Ngay sau đó, tập đoàn đường sắt Trung Quốc đã soạn thảo kế hoạch tiến độ thực hiện dự án và danh sách thu thập tài liệu cơ sở. Hai bên đã đạt được thống nhất về các điều khoản chủ yếu của thỏa thuận thực hiện Dự án

Đến tháng 10/2017, Viện 5 đã mở văn phòng chỉ đạo Dự án tại Việt Nam, cử cán bộ thường trú để lên kế hoạch, xin ý kiến Cục Đường sắt Việt Nam và các đơn vị liên quan về hướng của tuyến đường sắt, vị trí các ga. 

Vài tháng sau, ngày 30/1/2018, Viện 5 đã hoàn thành “Báo cáo đầu kỳ Dự án quy hoạch đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng Việt Nam” và gửi tới Cục Đường sắt Việt Nam.

Trong năm 2018, Tập đoàn Viện thiết kế khảo sát số 5 đường sắt Trung Quốc đã có nhiều buổi họp bàn, tiếp xúc hội đàm cùng Cục Đường sắt Việt Nam, Bộ GTVT Việt Nam và các đơn vị khác để sửa đổi và hoàn thiện dự án. 

Ngày 01/3/2019, sau khi nghe báo cáo giữa kỳ dự án, trong suốt 2 tháng, Thứ Trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã đi các tỉnh thu thập được ý kiến về dự án. 

Từ tháng 4 đến tháng 11/2019, phía Trung Quốc đã cử nhiều lượt cán bộ và chuyên gia lần lượt làm việc với các địa phương dọc tuyến về hướng tuyến và vị trí ga. Đến nay, hướng tuyến và vị trí ga cơ bản đã nhận được sự nhất trí của các địa phương liên quan. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu năm 2020, dự án tạm dừng.

Sang năm 2023, hai bên đang triển khai các thủ tục để hoàn thiện hồ sơ, bàn giao và tiếp nhận kết quả nghiên cứu của dự án.

Các kết quả nghiên cứu của quy hoạch này có thể được xem xét khả năng kết nối giữa các ga trên tuyến cũ khổ 1000 mm có định hướng kết nối như ga Việt Trì, Hương Canh, Xuân Giao A với ga trên tuyến mới khổ tiêu chuẩn.

Tốc độ 160 km/h của tuyến đường sắt là hợp lý?

Theo quyết định 1769/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ hoàn thành đầu tư toàn tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng với quy mô đường đôi, khổ đường 1435mm, điện khí hóa.

Theo quy hoạch đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng dài khoảng 388 km, đoạn kết nối đường sắt Hà Khẩu (Trung Quốc) với Lào Cai (Việt Nam) dài 5,6 km; xây dựng theo hướng đông qua 8 tỉnh, thành phố gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng; điểm kết thúc tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng). 

Trên tuyến có 73 cây cầu lớn với tổng chiều dài hơn 130km, 25 hầm dài 25km, 38 nhà ga, trong đó xây mới 29 nhà ga.

Dự báo năng lực vận tải trong dài hạn của tuyến là 10 triệu tấn hàng hóa/năm và khai thác 15 đôi tàu/ngày. 

Tốc độ thiết kế tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng là 160 km/h, loại hình dẫn kéo điện lực, sử dụng trạm đóng tự động để đảm bảo an toàn.

Dự kiến tổng mức đầu tư (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) ước tính khoảng 100.000 tỷ đồng. Diện tích sử dụng đất toàn dự án khoảng 1.654 ha.

Tập đoàn lớn Trung Quốc khảo sát tuyến đường sắt tại Việt Nam suốt 5 năm: Dự án 100.000 tỷ đồng tái khởi động? - Ảnh 4.

Theo ông Trần Ngọc Thành, nguyên Vụ trưởng Vụ Vận, tải quy cách khổ đường và tốc độ thiết kế theo đề xuất là hợp lý (Ảnh minh họa: Southeastasiainfra)

Nêu quan điểm trên VOV hồi cuối tháng 9/2023, ông Trần Ngọc Thành, nguyên Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) “hoàn toàn ủng hộ và mong mỏi đầu tư càng sớm càng tốt”. Theo ông Thành quy cách khổ đường và tốc độ thiết kế theo đề xuất là hợp lý. Cụ thể, khổ đường 1.435 mm sẽ giúp nâng tải trọng và đây cũng là tiêu chuẩn quốc tế đang áp dụng, hiện nay khổ đường 1.00mm của Việt Nam gần như là nước cuối cùng còn dùng.

Vì thế việc đầu tư đầu máy, toa xe theo chuẩn khổ đường 1.435mm theo thông lệ quốc tế thì giá thành sẽ rất hợp lý. Đồng thời tuyến đường sắt 1.435mm chỉ cần đường đôi và chạy tốc độ 160km/giờ là đã đủ để phát triển kinh tế, phù hợp với địa hình, cung độ (tức là khoảng cách) giữa các vùng kinh tế.

Ngoài ra, tuyến này còn kết nối toàn bộ hệ thống cảng biển, giao lưu hàng hóa của nước ta với Trung Quốc – trục này từ xưa đến nay vẫn đang phát triển tốt.

Đặc biệt còn kết nối với thế giới thông qua Trung Quốc mà không phải chuyển tàu, hiện nay chúng đang triển khai hoạt động liên vận quốc tế nhưng khi tàu tới Đồng Đăng lại phải chuyển sang khổ đường 1.435mm rồi sau đó mới đi xuyên qua Trung Quốc, và sau đó đi Nga, đi Châu Âu sẽ thêm 1 lần xếp dỡ vừa tốn thời gian vừa tăng thêm chi phí.

Xem thêm:

Tin liên quan

Dự kiến rót 240.000 tỷ đồng cho đường sắt: Tuyến đường sắt cao tốc nào ở Việt Nam được gọi tên sớm?