Quyết tâm vượt mục tiêu tăng trưởng năm 2021

30/12/2020 21:14

Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 khoảng 6%, lạm phát khoảng 4%, cùng 10 chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác. Những chỉ tiêu này được xây dựng trên cơ sở đã tính toán, cân đối các nguồn lực gắn với bối cảnh dự báo cho năm 2021, nhất là tình hình Covid-19 trong nước và thế giới.

Chuyển nguy thành cơ

Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương để triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 đã diễn ra trong hai ngày 28-29/12 với sự tham dự của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Hội nghị này không chỉ tổng kết năm 2020 mà cho cả nhiệm kỳ vừa qua (2016-2020) và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, trọng tâm là năm 2021.

quyet tam vuot muc tieu tang truong nam 2021
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tới dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nhớ lại 5 năm trước, khi Chính phủ bắt tay vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, nền kinh tế đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn cả trong và ngoài nước. Nhưng hôm nay, “nhìn lại cả chặng đường đã qua, tôi vui mừng được chia sẻ rằng đất nước ta thực sự tốt đẹp hơn bao giờ. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng cao, mọi người dân được hưởng thành quả phát triển, biên cương, bờ cõi được giữ vững, niềm tin được củng cố, niềm tự hào với bè bạn năm châu được nhân lên”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh: “Riêng năm 2020, dưới tác động của Covid-19, trong khi nhiều nước trong khu vực và trên thế giới rơi vào suy thoái, Việt Nam chúng ta là quốc gia hiếm hoi duy trì được tăng trưởng dương. Đến thời điểm này có thể khẳng định chúng ta đã đạt được “mục tiêu kép” trong phòng chống dịch Covid-19 và duy trì tăng trưởng kinh tế”.

Nói về các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 khoảng 6%, lạm phát khoảng 4%, cùng 10 chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác. Những chỉ tiêu này được xây dựng trên cơ sở đã tính toán, cân đối các nguồn lực gắn với bối cảnh dự báo cho năm 2021, nhất là tình hình Covid-19 trong nước và thế giới. “Mặc dù để đạt được mục tiêu này là rất thách thức, nhưng với quyết tâm chính trị cao, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu trong điều hành GDP 2021 thêm ít nhất 0,5 điểm phần trăm, lên mức 6,5% và đặt quyết tâm cao hơn cho các chỉ tiêu kinh tế-xã hội khác”, Thủ tướng khẳng định.

Tới dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, mặc dù không hoàn thành được một số chỉ tiêu đề ra từ đầu năm, chủ yếu do nguyên nhân khách quan, nhưng năm 2020 vẫn được xem là năm thành công hơn năm 2019 và là năm thành công nhất trong 5 năm vừa qua với những kết quả, thành tích đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng trong việc nêu cao lòng yêu nước, tình đoàn kết, niềm tự hào dân tộc, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước nhấn mạnh, năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Vì vậy, Chính phủ, chính quyền các địa phương và toàn hệ thống chính trị cần chủ động, tích cực quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện thật tốt ngay từ đầu năm Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ bằng những chương trình, kế hoạch công tác cụ thể, phù hợp với thực tế, có tính khả thi cao với tinh thần chung là phải chủ động, tích cực hơn; năng động, sáng tạo hơn để đạt được kết quả tổng thể cao hơn các năm trước và nhiệm kỳ trước. Đặc biệt, cần tuyệt đối không được chủ quan, thoả mãn với những kết quả, thành tích đã đạt được vì mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ đề ra cho năm 2021 và nhiệm kỳ tới là rất cao, trong khi đất nước ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn…

Văn bản qua, giấy tờ lại là mất cơ hội

Quyết tâm được thể hiện rõ khi ngay tại hội nghị này, Chính phủ đã trình bày các dự thảo Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 đề cập chi tiết các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và công việc cần triển khai ngay từ đầu năm 2021. Đồng thời, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần cụ thể hoá bằng các chương trình hành động để tổ chức thực hiện. Trong đó, với phương châm hành động của năm 2021 là: “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, quyết liệt hành động, khát vọng phát triển”, dự thảo Nghị quyết 01 đề ra 8 trọng tâm chỉ đạo điều hành, 12 chỉ tiêu chủ yếu theo Nghị quyết của Quốc hội và mục tiêu phấn đấu của Chính phủ, 96 chỉ tiêu cụ thể cho các ngành, lĩnh vực; 11 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu và 185 nhiệm vụ cụ thể, đặc biệt là nhấn mạnh đến việc cần tiếp tục thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Cùng với đó, dự thảo Nghị quyết 02 (về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021) khẳng định tiếp tục thực hiện đồng bộ tất cả các mục tiêu giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 02/CP năm 2019 và 2020, đồng thời đặt trọng tâm vào một số nhóm chỉ tiêu, tiêu chí cụ thể (về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh 4.0 và đổi mới sáng tạo) cần tập trung cao độ để chỉ đạo thực hiện nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa nhanh tới các tiêu chí khác.

Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ cũng như các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đưa ra trong dự thảo các nghị quyết trên, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đều thể hiện rõ sự đồng tình cao và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, sẽ quyết liệt triển khai ngay trong tháng 1 tới đây khi các nghị quyết được ban hành. Bên cạnh đó, dựa trên thế mạnh, tiềm năng, cũng như các thách thức và khó khăn chính riêng có, các Tư lệnh ngành, lãnh đạo địa phương cũng đưa ra những kiến nghị cụ thể với Chính phủ và các bên liên quan để có hỗ trợ và thống nhất các biện pháp giải quyết, triển khai.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng khẳng định các ý kiến phát biểu đều rất tâm huyết, trách nhiệm, cho thấy quyết tâm, khát vọng vươn lên mạnh mẽ. Tất cả 63 địa phương đều gửi bài tham luận với 319 kiến nghị cụ thể, về nhiều vấn đề lớn của đất nước, cũng như đề xuất các chính sách đặc thù và yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành sớm có hướng dẫn thực thi. Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT phối hợp với các cơ quan khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết 01, 02 để trình Thủ tướng ký ban hành ngay từ ngày đầu năm 2021.

Đối với những vấn đề cụ thể không đưa vào các nghị quyết, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định và thông báo cho các địa phương. “Các đồng chí Bộ trưởng, Tư lệnh ngành không được im lặng với các đề nghị của các địa phương”, Thủ tướng chỉ đạo và yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải thường xuyên trao đổi trực tiếp để xử lý vấn đề phát sinh, giải quyết những vấn đề vướng mắc, bức xúc trong sản xuất kinh doanh và đời sống.

“Tiếp tục phấn đấu để Việt Nam luôn là nền kinh tế năng động, sáng tạo, phát triển nhanh nhưng ổn định, bền vững, không để xói mòn các yếu tố nền tảng vĩ mô mà chúng ta đã dày công gây dựng, nhất là trong 5 năm qua”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Đỗ Lê

Theo Thời báo Ngân hàng