Phương án học 2 buổi/ngày đối với học sinh cấp 2 và cấp 3: Phụ huynh có phải đóng tiền?

09/04/2025 20:30

Bộ GD&ĐT khuyến khích các nhà trường mở cửa cả ngày cho học sinh đến trường tham gia các hoạt động học tập, trải nghiệm và hướng tới tổ chức dạy 2 buổi/ngày ở cấp trung học, tương tự như đã làm ở tiểu học.

Hiểu về dạy học 2 buổi/ngày

Bộ GD&ĐT định hướng nội dung dạy 2 buổi/ngày ở những trường có đủ điều kiện gồm:

Nội dung buổi sáng: Tổ chức dạy học các môn học/hoạt động giáo dục có trong chương trình với cách sắp xếp thời khóa biểu khoa học, phù hợp tâm sinh lý học sinh, tránh quá tải, giảm áp lực học tập cho học sinh để nâng cao giờ học chính khóa.

Tổ chức các hoạt động giáo dục tăng cường dưới hình thức chuyên đề theo môn học hoặc tích hợp liên môn tạo cơ hội học sinh trải nghiệm kiến thức môn học và hình thành phẩm chất năng lực. Nội dung này do giáo viên nhà trường thực hiện theo chức năng nhiệm vụ.

Nội dung buổi chiều: Tổ chức cho học sinh học tập và tham gia các hoạt động theo nhu cầu người học (học sinh đăng ký tự nguyện) ở buổi chiều với hình thức linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng và đa dạng hình thức triển khai và đối tượng tham gia như: tổ chức phụ đạo cho học sinh chưa đạt, bồi dưỡng học sinh giỏi và học sinh cuối cấp (theo Thông tư 29); các hoạt động học tăng cường tiếng Anh (với người nước ngoài, theo các chuẩn quốc tế...) để thực hiện chủ trương từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2; học tăng cường hình thành năng lực số, kỹ năng công dân số (AI, tin học chuẩn quốc tế...); các kỹ năng sống cần thiết như hướng nghiệp, an toàn giao thông, kỹ năng sinh tồn..., theo Tuổi Trẻ.

Phương án học 2 buổi/ngày đối với học sinh cấp 2 và cấp 3: Phụ huynh có phải đóng tiền?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Trước đó, trong buổi làm việc tại Tp.HCM, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông, Bộ GD&ĐT thông tin, sắp tới bậc THCS - THPT cũng phải thực hiện dạy 2 buổi/ngày để hướng đến việc phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Việc dạy kiến thức cho học sinh chỉ là một phần của chương trình, nhiệm vụ của nhà trường phải tạo môi trường để học sinh phát triển được năng lực theo yêu cầu của từng môn học.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông Thái Văn Tài thông tin, có 5 nội dung bắt buộc nhà trường phải đưa vào nội dung giáo dục của nhà trường khi tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

Cụ thể: Giáo dục hình thành kỹ năng số cho học sinh; Giáo dục STEM; Giáo dục hướng nghiệp; Luật An toàn giao thông; Chuyên đề, hoạt động giáo dục hình thành năng lực cho học sinh.

Vụ trưởng chia sẻ, Thông tư 29 quy định về dạy thêm học thêm được Bộ GD&ĐT ban hành giúp giảm áp lực học hàn lâm về kiến thức cho học sinh, dành thời gian biến kiến thức thành năng lực và bổ sung các yêu cầu thực tiễn đặt ra nhưng không có trong chương trình Giáo dục Phổ thông 2018. Những nội dung này phải được thể hiện khi tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

Ủng hộ nỗ lực Bộ GD&ĐT đang hướng đến trong việc đảm bảo điều kiện học tập, phát huy năng lực, phẩm chất của học sinh ngay sau Thông tư 29 về dạy thêm học thêm nhưng nhiều quản lý trường học ở Tp.HCM băn khoăn việc bắt buộc dạy 2 buổi/ngày ở bậc THCS - THPT "có tâm nhưng khó thực hiện"

Theo Tiền Phong ngay sau khi có thông tin này, dư luận có nhiều luồng ý kiến. Hiện nay, một số địa phương đã thực hiện dạy học 2 buổi/ngày với cấp THCS. Ông Phạm Văn Thư, Trưởng phòng Giáo dục huyện Mèo Vạc, Hà Giang cho hay, gần như 100% trường THCS của huyện đã triển khai dạy 2 buổi/ngày (Vì đều là trường dân tộc bán trú/nội trú). Học sinh ở trường từ Thứ 2 đến Thứ 6. Nhưng do thiếu giáo viên nên các trường triển khai gặp khó khăn, giáo viên quá tải.

Đáng chú ý, tính đến hiện tại, gần 20 tỉnh, thành trên cả nước đã triển khai hoặc đang thí điểm cho học sinh học 5 ngày/tuần và nghỉ học thứ 7. Sở dĩ việc này chưa thể áp dụng rộng rãi do liên quan đến các yếu tố như cơ sở vật chất, phòng học, đội ngũ giáo viên. Hà Nội khó khăn nhất là thiếu trường, lớp. Gần như các trường THPT của Hà Nội chưa thể triển khai 2 buổi/ngày (vì thiếu phòng học), nhiều trường THCS từ nội thành đến ngoại thành chỉ đủ điều kiện dạy 1 buổi/ngày. Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, Hoàn Kiếm (Hà Nội) chia sẻ, nhà trường có 54 lớp/3 khối (10,11,12) nhưng chỉ có hơn 20 phòng học. Muốn triển khai học 2 buổi/ngày phải đáp ứng đủ 1 phòng học/lớp. Như vậy, số phòng học trường cần gấp đôi hiện tại.

Trường dạy 2 buổi/ngày, có phải đóng tiền?

Chủ trương dạy học 2 buổi/ngày ở cấp trung học đang được Bộ GD&ĐT tích cực triển khai. Vấn đề thu phí ở buổi học thứ hai là một trong những mối quan tâm hàng đầu của phụ huynh.

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này với Sức khỏe & Đời sống ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết, Chương trình GDPT 2018 đặt trọng tâm vào phát triển năng lực và phẩm chất của người học thông qua không chỉ kiến thức mà còn các hoạt động thực hành, trải nghiệm đa dạng.

Việc khuyến khích các trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, tương tự như mô hình đã triển khai ở cấp tiểu học, là một giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu này. Bộ GD&ĐT dự kiến ban hành hướng dẫn cụ thể về việc dạy 2 buổi/ngày vào đầu tháng 5. Hướng dẫn này sẽ quy định rõ những nội dung được phép triển khai trong buổi học thứ hai và các khoản thu phí liên quan.

Ngoài ra, các trường được khuyến khích tổ chức các hoạt động giáo dục phong phú, các chủ đề học tập gắn liền với thực tế cuộc sống, có thể do giáo viên nhà trường hoặc các đơn vị ngoài trường thực hiện. Các nội dung gợi ý bao gồm: phát triển năng lực số, giáo dục STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học), hướng nghiệp, khám phá bản thân và tăng cường tiếng Anh với người nước ngoài.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho biết, việc tổ chức dạy 2 buổi/ngày không mang tính bắt buộc mà tùy thuộc vào điều kiện của từng trường. Tuy nhiên, nếu buổi thứ hai được sử dụng để giãn thời lượng dạy học chính khóa, thì 100% học sinh phải tham gia và nhà trường tuyệt đối không được thu bất kỳ khoản phí nào. Nơi nào đã thu phí trong trường hợp này đều là sai và cần được chấn chỉnh ngay.

Thêm một địa phương đề xuất dạy học 5 ngày/tuầnThêm một địa phương đề xuất dạy học 5 ngày/tuầnĐỌC NGAY

Đối với các nội dung và hoạt động nằm ngoài chương trình chính khóa, nhằm mục đích tăng cường năng lực, kỹ năng và tạo thêm trải nghiệm cho học sinh thì việc tổ chức sẽ dựa trên tinh thần tự nguyện đăng ký của học sinh.

Trong trường hợp này, nhà trường được phép thu tiền theo quy định tại Nghị định 24/2021 của Chính phủ và các quyết định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh về mức thu cụ thể. Tuy nhiên, việc thu phí này không được ép buộc đối với tất cả học sinh. Việc tổ chức dạy học, hoạt động theo nhu cầu, trên nguyên tắc tự nguyện.

Ngoài ra, một số địa phương có nguồn lực có thể trích ngân sách để chi trả cho các nội dung dạy học ở buổi thứ hai nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức, kỹ năng đáp ứng xu thế phát triển của xã hội hoặc phù hợp với chiến lược phát triển của địa phương. Trong trường hợp này, học sinh sẽ không phải đóng góp bất kỳ khoản phí nào cho các nội dung học tập này.

Trúc Chi (t/h)