Hôm nay (29/11), Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức diễn đàn "Nâng cao năng lực cộng đồng trong phòng chống thiên tai vùng ĐBSCL".
Nhiều công trình thủy lợi xuống cấpTại diễn đàn, ông Phạm Thanh Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bạc Liêu chia sẻ, địa phương vẫn tồn tại mâu thuẫn trong việc vận hành công trình cống ngăn mặn. Khi triều cường lên, cống đóng ngăn hiện tượng xâm nhập mặn, nhưng điều này vô hình trung làm hạn chế nguồn nước nuôi tôm của các hộ dân.
Thời gian qua, một số công trình phòng chống sạt lở bờ sông có chi phí giải phóng mặt bằng quá cao, ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ thi công. Nguyên nhân bởi, các công trình dạng này thường được xây dựng tại các điểm xung yếu trên sông, rất gần với khu đô thị. Do đó, ngoài nhiệm vụ phòng chống thiên tai, công trình còn phải đảm nhiệm thêm chức năng tiêu úng, thoát nước.
Ông Hải hy vọng các nhà khoa học sớm nghiên cứu, xây dựng những kết cấu công trình mới, tối ưu mà không gây tác động nhiều tới đời sống người dân, không phải di dời các hộ để giảm chi phí giải phóng mặt bằng.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau cũng cho biết, địa phương mới xử lý được khoảng 78km đường bờ biển, và còn hơn 80km khác cần xử lý gấp trong thời gian tới. Do đó, ông Tùng kiến nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ NN&PTNT nghiên cứu, xem xét và phê duyệt 1 đề án riêng cho Cà Mau về vấn đề bảo vệ đê ven biển.
Bên cạnh đó, ông Tùng kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét, tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục pháp lý liên quan đến cơ chế giao đất giao rừng ở khu vực xung yếu, giúp tỉnh chủ động phương án chống sạt lở bờ biển.
Ông Nguyễn Trường Chinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Trà Vinh vẫn chưa quên đợt xâm nhập mặn lịch sử 2015-2016. Khi ấy, tỉnh mất khoảng một nửa diện tích lúa đông xuân. "Tỉnh có khoảng 75.000ha lúa đông xuân, nhưng hồi năm 2016 mất khoảng 30.000ha", ông Chinh cho biết và đề nghị, việc triển khai các kế hoạch ứng phó với xâm nhập mặn cần được đẩy sớm hơn.
Vào mùa khô năm nay, Chi cục đã tham mưu Sở NN&PTNT để trình UBND tỉnh kế hoạch từ tháng 10. Do đó, ông đề nghị cơ quan Trung ương, các nhà khoa học phối hợp để cùng giúp Trà Vinh tháo gỡ khó khăn.
Theo báo cáo tại diễn đàn, tốc độ sạt lở, sụt lún tại ĐBSCL đang diễn ra với tốc độ ngày một nhanh hơn, thậm chí đến mức đáng báo động. Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam thống kê, trước năm 2005, mỗi năm vùng đồng bằng này được bồi đắp khoảng 100ha đất thì 15 năm trở lại đây, mỗi năm khu vực bị mất tới hơn 350ha đất.
Toàn vùng hiện có 743 điểm sạt lở, trong đó bờ sông có 686 điểm, dài 591km; bờ biển có 57 điểm, dài 203km. Số điểm sạt lở nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm có xu hướng tăng nhanh. Ngoài các nguyên nhân khách quan từ biến đổi khí hậu, thay đổi dòng chảy, nước biển dâng, các địa phương ĐBSCL còn nêu nhiều vấn đề chủ quan khác.
Cần một bức tranh tổng thể về ứng phó thiên tai toàn vùng
PGS.TS Tô Văn Thanh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho biết, cơ quan đã phối hợp với nhiều tỉnh ĐBSCL nhằm nghiên cứu xây dựng đề án chống sạt lở ven biển.
Với riêng Cà Mau, Viện đã tổ chức khảo sát và đề xuất kinh phí dự kiến để bảo vệ toàn bộ 254km đường bờ biển lên tới khoảng 31.000 tỷ đồng.cThời gian qua, Cà Mau đã chủ động huy động các nguồn lực xã hội cũng như ngân sách. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại mới có khoảng 2.000 tỷ (tương đương hơn 6% kinh phí). "Rõ ràng cần nhiều giải pháp nữa để tháo gỡ cho Cà Màu", ông Thanh nói.
Về vấn đề điều tiết nguồn nước, các tỉnh lân cận như Bạc Liêu, Kiên Giang đã kiểm soát được bằng các hệ thống thủy lợi lớn như Cái Lớn - Cái Bé… Do đó, nếu Cà Mau có thể phối hợp, giữ nước nội đồng và làm chậm mùa khô khoảng 1 tháng, vấn đề trồng trọt vụ đông xuân có thể bớt căng thẳng.
Ông Nguyễn Quốc Duy, Phó Giám đốc Ban Quản lý Đầu Tư và Xây dựng Thủy lợi 10 thì đề xuất một cách tiếp cận tổng thể. Theo ông, việc nhận diện các vấn đề thiên tai vùng ĐBSCL đã khá rõ ràng. Những năm qua, ĐBSCL đã đầu tư một số công trình ứng phó thiên tai xảy ra, song nguồn lực còn hạn chế khiến cho sự quan tâm còn "chưa thỏa đáng" để hoàn thiện bức tranh tổng thể về công tác ứng phó thiên tai của vùng.
Ông Duy điểm lại một số công trình tại hai tỉnh ảnh hưởng nặng nề nhất là Cà Mau với các công trình đê biển, kè giảm sóng hạn chế sạt lở, Bạc Liêu chuẩn bị cho các công trình xây dựng như Quốc lộ 1A, JICA4…
Hỗ trợ ĐBSCL phòng chống thiên tai cũng nhiều lần được đưa ra nghị trường Quốc hội. Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các địa phương phải có quy hoạch, rà soát, sắp xếp lại dân cư những vùng có nguy cơ bị sạt lở, ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội, những vùng nào nguy cơ cảnh báo cao thì phải thực hiện ngay việc quy hoạch, bố trí lại dân cư.
Cùng với đó, xử lý triệt để việc lấn chiếm lòng sông, bờ sông, nâng cao khả năng cảnh báo và dự báo, đưa thông tin xuống đến từng người dân vùng nguy hiểm.
Ông Đỗ Đức Dũng, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác dự báo thời tiết, dự báo nguồn nước… Đây là giải pháp có tính mềm giúp nhìn nhận vấn đề, đưa ra các biện pháp và sự chuẩn bị cụ thể hơn trước tình hình thiên tai.
Đỗ Hương