Bình Chánh là huyện ngoại thành của TP. Hồ Chí Minh được biết đến với nhiều điểm tham quan gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển. Trong đó, có nhiều di tích được công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố, di tích kiến trúc nghệ thuật như: Đình Tân Túc (thị trấn Tân Túc), Khu di tích dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc Mậu thân 1968 (xã Vĩnh Lộc A), Khu di tích Láng Le – Bàu Cò (xã Tân Nhựt); Nhà cổ tri huyện Phạm Văn Huynh (xã An Phú Tây), Đình Bình Trường (xã Bình Chánh)… Chùa Phật Cô Đơn (xã Lê Minh Xuân). Bên cạnh đó, Bình Chánh còn nổi tiếng với các làng nghề truyền thống lâu năm như làng mai vàng Bình Lợi, làng đan đệm Tân Túc, làng dệt chiếu Nam Đa Phước, làng rượu An Phú Tây… Trong đó làng nhang tại xã Lê Minh Xuân, từ lâu được biết đến với nghề làm nhang tuổi đời hàng trăn năm, nức tiếng gần xa.
Hàng ngàn que nhang được “tắm nắng” trước sân như tấm thảm vàng trải dưới gió xuân
Có dịp chạy dọc theo con đường Mai Bá Hương vào những ngày nắng đẹp, dễ dàng bắt gặp những kệ bằng tre nằm hai bên đường, hay những khoảng sân trống trước nhà được người dân tận dụng để làm nơi phơi nhang. Từng “thảm nhang” được trải đều tăm tắp trên giàn, dưới ánh nắng mặt trời sắc vàng đỏ như thêm rực rỡ và tỏa hương thơm, níu chân du khách đến chơi. Đặc biệt vào những ngày cuối năm không khí sản xuất ở đây tất bật hơn hẳn, người dân hăng say làm việc để kịp cho chuyến giao hàng cuối năm.
Từ khi có máy phóng nhang năng suất lao động tăng, tạo thu nhập cho người dân
Theo các bậc cao niên, nghề làm nhang xã Lê Minh Xuân sản xuất quanh năm, nhưng nhộn nhịp nhất vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, các dịp rằm tháng Giêng, tháng 7. Để làm ra một cây nhang thành phẩm đòi hỏi phải trải qua nhiều công đoạn, trong đó khâu trộn bột được coi là quan trọng nhất, bột phải mịn và độ ẩm phải đạt yêu cầu, thì cây nhang mới đẹp và bóng. Nếu trộn không đúng cách nhang dễ vỡ, không thơm, cháy không đều hoặc cháy không hết. Vì vậy, mỗi người sẽ có “bí kíp” với từng công thức tinh chế, nhào trộn riêng.
Nét đẹp lao động của người làm nhang
Ngày nay mỗi hộ làm nhang đều trang bị cho mình bộ ba các loại máy trộn bột, máy lừa tăm, máy phóng phục vụ cho sản xuất. Với sự hỗ trợ của máy móc không chỉ giúp cây nhang thành phẩm đều và đẹp, mà còn giảm đi phần nào công sức lao động, tăng năng suất, thu nhập cho người dân. Theo các hộ dân chạy gia công nhang cho các cơ sở mỗi ngày sản xuất ra khoảng 100 thiên (tương đương 100.000 cây nhang), đem về thu nhập 400 nghìn/ngày.
Từng bó chân nhang xõa ra như đóa hoa nở rộ
Công đoạn phơi nhang tưởng chừng dễ dàng nhưng lắm gian truân, phụ thuộc vào thời tiết, hôm nào nắng đẹp chỉ một buổi là nhang đã khô, giữ được màu vàng óng và bảo quản được lâu. Còn gặp mưa nhang dễ bị mốc xuống màu, phải rã bột làm lại. Vì vậy để có được mẻ nhang chất lượng, đòi hỏi người dân phải canh chừng kỹ lưỡng, cho nên người phơi nhang phải luôn “trông trời, trông đất, trông mây, trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm”, để kịp thời ứng phó.
Nhang được cân và bó cẩn thận trước khi giao cho cơ sở để phân phối ra thị trường
Bó nhang là công đoạn kết thúc quy trình, nhang được bó lại thành từng thiên và giao cho chủ cơ sở trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Từ đây, nhang sẽ theo chân thương lái có mặt khắp mỗi gia đình Việt.
Với nghề làm nhang, quanh năm người dân “bán mặt cho ‘nhang’ bán lưng cho trời”, đôi tay lúc nào cũng nhuộm đỏ bởi màu nhang và nước da cũng rám nắng theo thời gian. Vất vả là vậy, nhưng với người dân cái nghề “sợi nối tâm linh” này là một phần cuộc sống, là nét đẹp lao động về những con người cần lao, vừa làm kinh tế, vừa góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy làng nghề truyền thống.