Nửa đêm, khách vẫn mang tiền đi đặt cọc mua đất

01/10/2024 16:30

Tâm lý sợ giá đất leo thang theo bảng giá đất mới sắp ban hành đã khiến cả bên bán và bên mua tranh thủ gặp nhau để “chốt cọc”.

Chia sẻ về thương vụ cọc lô đất nửa đêm mới đây do mình bán, anh P, môi giới lâu năm tại khu Đông Tp.HCM cho hay, anh dẫn khách đi xem lô đất buổi chiều muộn thì đến tối (gần 22h giờ), khách muốn đi cọc liền, không thương lượng về giá.

“Bình thường, trước khi diễn ra cọc, bên mua sẽ nhờ môi giới thương lượng bớt giá với bên bán. Riêng với lô này, khách đã biết về việc chủ nhà không giảm thêm vì giá đưa ra đã khá tốt so với giá thị trường chung. Vì thế, dù còn lăn tăn về hướng đất nhưng người mua đã quyết định cọc lúc nửa đêm, chỉ sau một lần xuống xem đất”, anh P cho hay.

Gần đây, anh Q, một môi giới lâu năm tại thị trường Nhơn Trạch (Đồng Nai) cũng có vài giao dịch thực hiện lúc nửa đêm. Theo anh Q, có trường hợp bên bán và bên mua vì bận công việc nên chỉ hẹn gặp nhau vào buổi tối để cọc. Trường hợp khác thì nhà đầu tư ưng lô đất nên tranh thủ cọc liền tay ngay sau khi đi xem. Vì thế, khi chủ đất hẹn đến nhà vào buổi tối muộn, khách không ngần ngại. Đây là trường hợp bên mua sợ lô đất ưng ý vào tay người khác nên tranh thủ mọi thời điểm.

“Không ít trường hợp xem căn nhà/lô đất lần đầu đã đưa ra quyết định, thậm chí không thương lượng bớt giá, chốt với giá bên bán đưa ra. Họ là những nhà đầu tư có tiền và kinh nghiệm, nắm rõ giá cả các khu vực cũng như tiềm năng tăng giá của tài sản trong tương lai. Do đó, có khi chỉ cần môi giới có nguồn hàng là nhóm đầu tư này có thể chuyển cọc luôn, không kể thời điểm buổi sáng hay đêm khuya”, anh Q cho hay.

Nửa đêm, khách vẫn mang tiền đi đặt cọc mua đất- Ảnh 1.

Tâm lý tranh thủ mua bất động sản đã xuất hiện trên thị trường địa ốc phía Nam. Ảnh: Tiểu Bảo

Ghi nhận cho thấy, sau thông tin Tp.HCM sắp ban hành bảng giá đất mới vào giữa tháng 10, đã phần nào tác động đến tâm lý nhà đầu tư. Nhiều người tranh thủ mua nhà đất để hưởng giá tốt. Theo đó, một số lô đất trước thuộc hàng “ế” thì nay đã có giao dịch trở lại. Chủ đất cũng tranh thủ thời điểm này để ra hàng, thu dòng tiền vốn đã bị chôn từ khá lâu.

Gần đây, thị trường bất động sản phía Nam đã xuất hiện nhiều hơn các giao dịch so với thời điểm tháng 8/2024, do thủ tục về nộp thuế đã được khơi thông. Môi giới cũng vào nhịp bán hàng. Nhà đầu tư có sẵn dòng tiền vẫn tiếp tục gom sản phẩm giá tốt, có sổ, hạ tầng đẹp. Thị trường đất nền Tp.HCM dự báo có nhiều chuyển biến tích cực từ cuối năm nay, tuy nhiên khó diễn ra tình trạng nóng sốt. Riêng đất nền tỉnh lân cận sẽ có sự "nóng" lên cục bộ ở một số khu vực. Đa số rơi vào các địa phương đang được đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ, gần các dự án quy mô lớn.