Mặc dù bệnh lý Glôcôm nguy hiểm nhưng rất ít người dân biết đến loại bệnh này, vì thế dẫn đến sự chủ quan nên tỉ lệ mắc phải căn bệnh này đang có chiều hướng gia tăng ở Việt Nam.
Bạn N.T.V. (20 tuổi, ngụ thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, bản thân cận hơn 8 độ, kèm theo loạn thị khá nặng. Thỉnh thoảng đi khám mắt để kiểm tra tình trạng sức khỏe mắt, sau khi khám mắt mới biết đến trên thế giới có thêm căn bệnh Glôcôm nguy hiểm gây mù lòa, xin khám tầm soát luôn, cũng không mất quá nhiều thời gian kiểm tra.
Theo BS Nguyễn Ngô Thúy Hằng, Trưởng Khoa Mắt - Trung tâm Y tế quận 3 (thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, bệnh lý Glôcôm là bệnh gây ảnh hưởng đến đầu thị thần kinh, biểu hiện trên lâm sàng là bệnh nhân sẽ bị mất thị trường, đi kèm theo đó là bệnh nhân bị giảm sút về thị lực.
Bệnh Glôcôm cũng là nguyên nhân gây mù lòa đứng thứ hai trên thế giới. Biểu hiện bệnh thường âm thầm, không triệu chứng, chỉ khi bệnh nhân cảm thấy đau nhức mắt, mờ mắt, đau đầu mới đến khám thì đã muộn.
Bác sĩ chia sẻ thêm, bệnh Glôcôm gặp ở mọi giới tính, tuổi tác tuy nhiên nhóm người dễ có nguy cơ mắc bệnh thường rơi vào độ tuổi trưởng thành, càng lớn tuổi tỉ lệ mắc phải rất cao.
Ngoài ra, yếu tố gia đình có người mắc bệnh Glôcôm trước đó, người bị tật về mắt như viễn thị, cận thị nặng hay người mắc các bệnh toàn thân như huyết áp cao, tụt huyết áp về đêm, co thắt mạc trong bệnh lý mạch vành, hội chứng Raynaud, rối loạn tuần hoàn não, đau nửa đầu, tăng mỡ máu, bệnh đái tháo đường, bệnh lý tuyến giáp vẫn có nguy cơ về bệnh lý Glôcôm nguy hiểm này.
Thường thì trong giai đoạn đầu, các triệu chứng xuất hiện ít và khó phát hiện. Theo thời gian bệnh có thể tiến triển nặng lên gây suy giảm thị lực nghiêm trọng, thậm chí mù lòa.
Để thông tin đến nhiều người dân biết, kiểm soát bệnh tật, Bệnh viện Mắt (thành phố Hồ Chí Minh) đã tổ chức khám tầm soát miễn phí Glôcôm tại Bệnh viện Mắt và Trung tâm Y tế quận 3.
Sau khi thông tin về chương trình tầm soát miễn phí, theo thống kê trong vòng 3 ngày, tại Trung tâm Y tế quận 3 đã có hơn 100 lượt bệnh nhân đến tham gia tầm soát bệnh Glôcôm. Đối tượng tham gia chủ yếu là người lớn tuổi, người có các bệnh về mắt.
Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh Glôcôm sẽ đem lại hiệu quả, tiên lượng tốt cho người bệnh. Các bác sĩ khuyến cáo người dân cần chủ động thăm khám sức khỏe mắt để ngăn ngừa bệnh lý về mắt.
Từ ngày 12 – 29/3/2024, Bệnh viện Mắt sẽ tổ chức đợt hoạt động tầm soát miễn phí bệnh Glôcôm trong cộng đồng cho khoảng 500 người dân. Đây là một hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động chăm sóc mắt cộng đồng của bệnh viện hàng năm hưởng ứng Tuần lễ Glaucoma thế giới (10-16/03/2024).
Triệu chứng cơ bản có thể nhận biết sớm của bệnh Glôcôm
Bệnh Glôcôm có nhiều thể bệnh và nhiều nguyên nhân khác nhau, do vậy triệu chứng biểu hiện cũng rất khác nhau tùy thể loại bệnh. Trong đó, Glôcôm chủ yếu được chia làm 2 thể bệnh chính là Glôcôm góc đóng và Glôcôm góc mở. Nguy hiểm hơn, ở giai đoạn sớm của 2 thể bệnh này, triệu chứng biểu hiện không rõ ràng và thường bị bỏ qua.
– Nhức mắt, nặng mắt thoáng qua: bệnh Glôcôm xuất hiện âm thầm, tiến triển chậm trong thời gian dài, nhiều bệnh nhân không cảm thấy đau nhức mắt, một số trường hợp đôi khi thấy mắt căng tức nhẹ thoáng qua hoặc nhức quanh hốc mắt.
– Mờ mắt thoáng qua: ở giai đoạn sớm khi tình trạng nhãn áp tăng lên có thể làm nhìn mờ như sương mù hoặc nhìn nhòe trong 1 thời gian ngắn. Sau đó, khi áp lực mắt giảm xuống, bệnh nhân nhìn rõ trở lại, triệu chứng này có thể gặp ở nhiều bệnh khác nhưng mờ mắt thoáng qua xảy ra cùng lúc với nhức mắt là dấu hiệu nghi ngờ rõ nhất của bệnh Glôcôm.
– Nhìn thấy hào quang: khi nhãn áp tăng, bệnh nhân đôi khi sẽ thấy quầng sáng xanh đỏ khi nhìn vào đèn. Tình trạng này có thể kéo dài cả buổi và lập đi lập lại trong một khoảng thời gian.
– Nhức đầu: nhức đầu là triệu chứng của rất nhiều bệnh trong đó cao huyết áp là bệnh thường hay nghĩ đến hơn là bệnh Glôcôm. Vì vậy, khi các triệu chứng nhức đầu kèm theo nhức mắt, mờ mắt thì cần phải đi khám thêm bác sĩ chuyên khoa mắt để kiểm tra có bệnh Glôcôm kèm theo hay không.
Ngoài ra, người mắc bệnh Glôcôm có thể có thêm một số triệu chứng như:
– Nhìn đèn có quầng xanh đỏ, nhìn có đom đóm bay trước mắt.
– Thích nghi sáng tối kém, khó nhìn theo vật di động.
– Nhìn khuyết góc hoặc nhìn bị che lấp một phần.
– Đau nhức hốc mắt.
– Mất dần tầm nhìn ngoại vi: người bệnh có cảm giác như nhìn qua đường hầm.
– Mắt sưng đỏ, khi lấy tay di vào phần mí mắt trên thấy cứng như hòn bi.
– Nôn hoặc buồn nôn.