Người Việt đổ xô bán hàng online xuyên biên giới: Doanh thu dự tính chạm mốc 300.000 tỷ đồng vào 2027, số nhà bán hàng trên Amazon tăng 80%

07/06/2023 21:00

Tốc độ tăng trưởng TMĐT xuyên biên giới tăng gấp 2 lần so với TMĐT nói chung.

Người Việt đổ xô bán hàng online xuyên biên giới: Doanh thu dự tính chạm mốc 300.000 tỷ đồng vào 2027, số nhà bán hàng trên Amazon tăng 80% - Ảnh 1.

Theo nghiên cứu mới nhất của Access Partnership, được công bố tại Hội nghị Thương mại Điện Tử Xuyên Biên Giới do Amazon Global Selling tổ chức , doanh thu xuất khẩu thương mại điện tử của Việt Nam đạt 80,7 nghìn tỷ đồng vào năm 2022. Con số này có thể đạt đến 256,1 nghìn tỷ đồng (tương đương 11,1 tỷ USD) vào năm 2026 và gần chạm mốc 300 nghìn tỷ đồng vào năm 2027 nếu như các doanh nghiệp trong nước được hỗ trợ đầy đủ và đẩy nhanh tốc độ áp dụng thương mại điện tử để xuất khẩu sản phẩm và dịch vụ.

Nghiên cứu được thực hiện bằng khảo sát với 300 doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) tại Việt Nam cho thấy, 86% các doanh nghiệp được khảo sát cho rằng họ sẽ không thể thực hiện hoạt động xuất khẩu nếu không có thương mại điện tử. Bên cạnh đó, các MSMEs địa phương cũng đang hướng tới việc mở rộng thị trường đến các quốc gia khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản và nhiều nước châu Âu trong vòng 5 năm tới.

Người Việt đổ xô bán hàng online xuyên biên giới: Doanh thu dự tính chạm mốc 300.000 tỷ đồng vào 2027, số nhà bán hàng trên Amazon tăng 80% - Ảnh 2.

Trong khi đó, tính riêng nền tảng Amazon, giá trị xuất khẩu hàng hoá của các doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng 45% vào năm 2022, với 10 triệu sản phẩm được bán trên nền tảng TMĐT xuyên biên giới này. 

Ông Gijae Seong - Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam chia sẻ: "Giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp bán hàng Việt Nam trên Amazon đã tăng 45% trong năm 2022. Nhiều doanh nghiệp Việt đã sẵn sàng xuất khẩu trực tuyến nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu và làm sao để mở rộng quy mô. Chúng tôi hiểu được những câu hỏi mà doanh nghiệp đang gặp phải và chính vì vậy, chúng tôi nỗ lực hợp tác với các cơ quan chính phủ và các nhà cung cấp dịch vụ để tổ chức sự kiện này nhằm khích lệ, hỗ trợ và trao quyền cho các doanh nghiệp xuất khẩu online. Amazon Global Selling cam kết góp phần nâng cao sự phát triển của các doanh nghiệp tại Việt Nam bằng cách trang bị cho họ hành trang để tiếp nhận những thay đổi và vươn lên tầm cao mới trong môi trường kinh doanh toàn cầu hiện nay."

Không chỉ tăng trưởng về doanh thu, năm 2022 cũng ghi nhận số lượng nhà bán hàng Việt Nam trên Amazon tăng trưởng tới 80% so với năm trước đó.

Tuy nhiên, theo CEO Amazon Global Selling Việt Nam, dù Amazon phát triển tại Việt Nam từ 3 năm trước, thị trường xuất khẩu xuyên biên giới - hay nói ngắn gọn là xuất khẩu online vẫn còn khá mới mẻ, sơ khai tại Việt Nam. Dư địa phát triển của ngành cũng còn rất lớn. Tính toán cho thấy trên thế giới, tốc độ tăng trưởng TMĐT xuyên biên giới tăng gấp 2 lần so với TMĐT nói chung.

Hiện tại, một số ngành hàng, sản phẩm Việt Nam đang được ưa chuộng trên Amazon bao gồm sản phẩm phục vụ nhà cửa, nội thất, thực phẩm, thủ công mỹ nghệ. 

Người Việt đổ xô bán hàng online xuyên biên giới: Doanh thu dự tính chạm mốc 300.000 tỷ đồng vào 2027, số nhà bán hàng trên Amazon tăng 80% - Ảnh 3.

Ông Gijae Seong - Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam

Theo lãnh đạo Amazon Global Selling, một trong những vấn đề và cũng là động lực của các doanh nghiệp Việt Nam khi gia nhập TMĐT xuyên biên giới là xây dựng và phát triển thương hiệu toàn cầu. Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam bắt buộc phải xây dựng thương hiệu, danh tiếng thay vì chỉ cạnh tranh bằng giá cả. Một tín hiệu tích cực là số lượng thương hiệu Việt Nam đăng ký thương hiệu trên Amazon đã tăng 7 lần trong 3 năm qua.

Ngoài ra, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam cho biết thị trường Đông Nam Á và Đài Loan là 2 khu vực xuất khẩu hàng đầu. Đồng thời, doanh nghiệp muốn tiếp cận các thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản, EU trong 5 năm tới. Trong đó, 58% các doanh nghiệp xác định Mỹ là thị trường hàng đầu