Người thầm lặng bảo vệ "lá phổi" ở VQG Vũ Quang - Kỳ 1: Giữ lấy màu xanh giữa đại ngàn Trường Sơn

17/04/2025 17:30

Đó là những người giữ rừng, miệt mài với cuộc tuần tra đầy gian khổ, chốt chặn vị trí trọng yếu, thầm lặng bảo vệ "lá phổi xanh" giữa đại ngàn vùng biên giới.

NHỮNG "NGƯỜI HÙNG" THẦM LẶNG

Phía bạt ngàn màu xanh của những cánh rừng ở VQG Vũ Quang, có dấu chân lặng lẽ của lực lượng kiểm lâm viên. Mỗi chuyến đi của các anh là bao gian khó, hiểm nguy. Hành trình ấy cứ tuần tự lặp lại, chỉ với mục đích duy nhất là không một cây gỗ quý nào phải đổ xuống vì bàn tay của lâm tặc.

Thầm lặng giữ rừng

Vườn Quốc gia (VQG) Vũ Quang - Vườn Di sản ASEAN với diện tích hơn 57.000ha trải dài trên địa bàn 3 huyện Hương Sơn – Vũ Quang – Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Nằm dưới chân dãy núi Trường Sơn hùng vĩ, VQG Vũ Quang được mệnh danh "viên ngọc xanh" giữa đại ngàn, là "ngôi nhà thứ hai" của các loài động vật hoang dã.

Một ngày đầu Hạ, cái dưới thời tiết oi bức, chúng tôi có dịp theo chân các cán bộ kiểm lâm vào tận rừng sâu của VQG Vũ Quang. Nơi đây không hổ danh là một trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất của Việt Nam. Vườn nằm trong vùng sinh thái có mức độ ưu tiên toàn cầu, được xác định là cực kỳ quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học cho cả khu vực thuộc dãy Trường Sơn.

Người thầm lặng bảo vệ "lá phổi" ở VQG Vũ Quang - Kỳ 1: Giữ lấy màu xanh giữa đại ngàn Trường Sơn- Ảnh 1.

Những người thầm lặng vượt suối trên đường tuần tra tại VQG Vũ Quang.

VQG Vũ Quang với nhiều loại cây gỗ rất đặc biệt. Đã thống kê được 465 loài thực vật bậc cao với nhiều loài quý hiếm như: lát hoa, lim, trầm hương, sến, dỗi... và nhiều cây dược liệu quý.

Chừng hơn chục năm về trước, những cánh rừng nơi đây trở thành một trong những địa bàn "nóng" về nạn phá rừng. Với sự quyết tâm của toàn tỉnh Hà Tĩnh, đặc biệt là sự nỗ lực của lực lượng kiểm lâm, quyết tâm bảo vệ rừng, VQG Vũ Quang nay đã được "thay da đổi thịt". 10 năm trở lại đây, VQG này đã không còn tình trạng vi phạm lâm luật.

Với những thành quả đạt được, VQG Vũ Quang đã được công nhận là Vườn Di sản ASEAN vào năm 2018, đánh dấu sự công nhận quốc tế về giá trị bảo tồn.

Người thầm lặng bảo vệ "lá phổi" ở VQG Vũ Quang - Kỳ 1: Giữ lấy màu xanh giữa đại ngàn Trường Sơn- Ảnh 2.

Những cây lim hàng trăm năm tuổi, có đường kính gốc lớn đang được bảo vệ nghiêm ngặt ở VQG Vũ Quang.

Không ngại gian khó, hiểm nguy, nhiều kiểm lâm viên đã âm thầm đem lại sự bình yên cho các cánh rừng nguyên sinh. Nhận nhiệm vụ nơi rừng thiêng nước độc này, ngành kiểm lâm Hà Tĩnh gần như chỉ bố trí cán bộ, nhân viên trẻ, có sức khỏe đi rừng.

Theo chân các cán bộ kiểm lâm, phải mất nửa ngày băng rừng mới đến khu vực có nhiều loại gỗ quý như: pơ mu, lim. Ngoài đường tuần tra chỉ vừa một người đi, xung quanh hầu như không có vết dấu của con người. Chúng tôi băng qua những đoạn suối trong vắt nước ngập đến thắt lưng, luồn theo con đường mòn lau lách rậm rịt. Dốc nối dốc, con đường tuần tra len lỏi xuyên qua những ngọn núi.

Rừng thiêng nước độc, dù là những người dân bản địa dày dạn kinh nghiệm đi rừng, nhưng không một ai dám chắc có thể tránh hết mọi ẩn họa. Lẩn khuất sau màu xanh trập trùng của những cánh rừng bạt ngàn phía tây Hà Tĩnh, là biết bao dấu chân lặng thầm trong hành trình tuần tra chỉ để đổi lấy màu xanh ấy.

Giữ lấy màu xanh

Được biết, mỗi tháng, các kiểm lâm viên phải vào rừng đi tuần tra 2 – 3 lần, mỗi lần phải mất 5 đến 6 ngày mới trở về. Ở VQG Vũ Quang, địa hình phức tạp, chia cắt hiểm trở, đặc biệt mùa mưa lũ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Người thầm lặng bảo vệ "lá phổi" ở VQG Vũ Quang - Kỳ 1: Giữ lấy màu xanh giữa đại ngàn Trường Sơn- Ảnh 3.

Các kiểm lâm viên VQG Vũ Quang kiểm tra cây pơ mu cổ thụ gần 1.000 năm tuổi.

Nghỉ chân bên bờ suối, anh Nguyễn Ngọc Tâm, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Sao La, chỉ tay về phía đỉnh đồi, những tán lim, pơ mu vươn cao, dày đặc khắp một vùng. Cảm giác, khoảng cách chỉ chừng một cái với tay, nhưng để đến được khu rừng gỗ quý là cả một hành trình gian nan. Chúng tôi bám lấy từng nhánh cây, đoạn dây leo, ngược dốc.

Hiếm hoi lắm mới thấy sợi nắng xuyên qua tán lá dày trên đỉnh đầu. Gốc pơ mu đầu tiên mà chúng tôi chạm mặt, nằm ở lưng chừng đồi, thẳng đứng, gốc to đến 5 người ôm, có tuổi đời từ 800-1.000 năm tuổi. Từng mảnh vỏ cây sần sùi ôm lấy gốc.

"Chỉ cần chặt hạ một cây gỗ ở đây đã đủ bị khởi tố. Bởi đây đều là những loại gỗ quý hiếm, thuộc nhóm 2A nằm trong danh sách được bảo vệ nghiêm ngặt. Loài cây này thường mọc dày, nằm lưng chừng các sườn núi dốc. Vậy nên, nếu lơ là, chỉ cần một tuần, lâm tặc có thể chặt trụi cả vạt lim này", anh Nguyễn Ngọc Tâm chia sẻ.

Những gốc gỗ quý ở rừng này đều được đánh số, là cơ sở cho việc kiểm đếm, quản lý hiện trạng. Cứ thế, những cuộc tuần tra nối tiếp, theo số hiệu kiểm đếm của từng gốc.

Người thầm lặng bảo vệ "lá phổi" ở VQG Vũ Quang - Kỳ 1: Giữ lấy màu xanh giữa đại ngàn Trường Sơn- Ảnh 4.

Lực lượng kiểm lâm VQG Vũ Quang phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh tuần tra ở vùng lõi.

Để đến được cánh rừng xa nhất, có những chuyến đi, cán bộ trạm phải ngủ lại trong rừng suốt cả tuần. Hành trình ấy cứ tuần tự lặp lại, chỉ với mục đích duy nhất, là không một cây gỗ quý nào phải đổ xuống vì bàn tay của lâm tặc.

Là người có thâm niên bảo vệ VQG Vũ Quang, anh Trần Anh Tuấn, Trạm trưởng trạm kiểm lâm Khe Chè, chia sẻ: "Cơ sở vật chất của trạm thiếu thốn trăm bề nhưng đơn vị động viên cán bộ, nhân viên vượt khó để hoàn thành công việc. Kiểm lâm tuần tra, ăn ngủ trong rừng như chuyện thường ngày".

Người thầm lặng bảo vệ "lá phổi" ở VQG Vũ Quang - Kỳ 1: Giữ lấy màu xanh giữa đại ngàn Trường Sơn- Ảnh 5.

Màu xanh giữa đại ngàn hùng vĩ được đổi lấy bằng chính giọt mồ hôi và tình yêu của những người giữ rừng.

Vất vả nhưng mọi người đều thương yêu nhau như người thân. Trạm kiểm lâm chỉ là nơi chỉ huy lực lượng, chứ hằng ngày anh em phải chia địa bàn ra tuần tra, truy quét. Có nhiều tiểu khu, muốn tiếp cận hiện trường, kiểm lâm viên phải cuốc bộ cả ngày trong rừng.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Danh Kỳ, Giám đốc VQG Vũ Quang, cho biết: "Để đảm bảo được an toàn cho Vườn, chúng tôi luôn động viên anh em phải tập trung cao độ cho việc bảo vệ từng cây gỗ. Bất kể ngày đêm, cả đường sông lẫn đường rừng, mọi sự xâm nhập đều phải được phát hiện, nắm bắt kịp thời. Ngay cả dịp lễ tết, anh em vẫn chia ca túc trực, đảm bảo giữ an toàn tuyệt đối. Màu xanh vẫn được gìn giữ từng ngày bằng chính giọt mồ hôi và tình yêu của anh em cán bộ kiểm lâm".

Mời độc giả đón đọc Kỳ 2: Những cuộc giải cứu thầm lặng vào lúc 15h00 ngày 18/04/2025.

Thiện Quyền