Người nông dân biến vùng đất hoang đầy sỏi đá, khô cằn thành "đất vàng", thu lời 4 tỷ đồng/năm

18/09/2024 13:00

Trong năm 2023, vườn cây đã thu về 6,8 tỷ đồng, trừ tất cả các chi phí, người nông dân này lãi 4 tỷ đồng.

Huyện Ngọc Hồi là huyện miền núi, biên giới nằm ở phía Bắc tỉnh Kon Tum. Ngọc Hồi nằm ở ngã ba Đông Dương, điểm kết nối hành lang kinh tế Đông Tây từ Đông Bắc Thái Lan, Campuchia và các tỉnh Nam Lào với khu vực kinh tế miền Trung.

Địa hình nơi đây chủ yếu là đồi núi cao và trung bình. Đây là vùng đất khô cằn, sỏi đá, người dân chủ yếu là trồng cây lương thực, trồng rừng phòng hộ, trồng cây công nghiệp như: cao su, cà phê và phát triển chăn nuôi gia súc như bò, lợn, dê... Kéo theo đó là thu nhập bình quân đầu người của cư dân nơi đây khá thấp so với mặt bằng chung. Theo thông tin cập nhật đến năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của huyện Ngọc Hồi ước đạt 47 triệu đồng/người/năm, thấp hơn khá nhiều so với mặt bằng chung của cư dân Việt Nam.

Tuy nhiên, ở mảnh đất "chó ăn đá, gà ăn sỏi" như này, cũng có những gia đình vươn lên làm giàu, trở thành tỷ phú, như người nông dân Trần Văn Đại. Hàng chục năm qua, ông đã không ngừng cải tạo khu đồi cằn cỗi, vùng đất chết 10ha thành vườn cây sầu riêng tươi tốt, biến mảnh đất hoang thành mảnh đất "đẻ ra vàng".

Ông Đại quê ở Hà Tĩnh. Tuy nhiên, vì cuộc sống mưu sinh, ông đã đi nhiều nơi nhưng mảnh đất Tây Nguyên là ông gắn bó lâu dài nhất. Năm 1999, khi ông còn làm việc tại Đăk Lăk, ông đã ghé thăm người dân tại huyện Ngọc Hồi và nhận ra tiềm năng phát triển kinh tế của vùng đất này. Do đó, ông quyết định mua và dành sức lực để làm thay đổi diện mạo một khu đất đầy sỏi đá và khô cằn rộng 10ha ở thôn Hòa Bình, xã Đăk Kan.

Trải qua 10 năm liên tục, từ 1999 - 2009, ông Đại đã tập trung thời gian tại Ngọc Hồi để đầu tư cải thiện khu đất hoang sơ, xây dựng cơ sở hạ tầng như đường sá, hệ thống điện, và ao nước.

Người nông dân biến vùng đất hoang đầy sỏi đá, khô cằn thành "đất vàng", thu lời 4 tỷ đồng/năm- Ảnh 1.

Ông Trần Văn Đại bên vườn sầu riêng 10ha xanh tốt của mình. Ảnh: QĐ

Sau khi xây dựng xong hạ tầng, ông bắt tay vào việc trồng 5ha cao su, 5ha cà phê và hồ tiêu. Khi vườn đã đi vào hoạt động và mang lại thu nhập ổn định, vào năm 2009, ông quyết định bán nhà và tài sản tại Đăk Lăk, chuyển đến mua đất và xây nhà mới tại Tổ dân phố 3, thị trấn Plei Kần, hướng tới việc phát triển lâu dài trên vùng đất mới.

Chia sẻ trên Báo Kon Tum điện tử, ông Đại cho biết, năm 2013, ông quyết tâm học hỏi “bí quyết” trồng sầu riêng chất lượng cao. Hai cha con ông đi vào “thủ phủ trái cây” miền Tây Nam bộ như Bến Tre, An Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long để học hỏi nhà vườn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sầu riêng, đặc biệt là các giống cây sầu riêng chất lượng cao được nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia. Ngoài ra, ông cũng tự mày mò học hỏi trên sách báo, tạp chí, trên internet và các mạng xã hội.

Năm 2013 ông phá bỏ 1ha cà phê kém hiệu quả để trồng 100 cây sầu riêng. Năm 2016, ông thu bói lứa đầu tiên hơn 1 tạ, bán trên 30.000 đồng/kg. Thời điểm đó, giá cà phê và cao su sụt giảm nên ông quyết định phủ toàn 10ha đất trồng cây sầu riêng; trong đó, có trồng xen kẽ một số ít cây ăn quả khác như bơ, nhãn. Ông chọn các loại giống sầu riêng Ri6 (miền Tây Nam bộ), giống Monthong và Dona (Thái Lan), giống Musang King (Malaysia) để trồng.

Cây sầu riêng là cây ăn quả nhiệt đới ưa khí hậu nóng, độ ẩm không khí cao. Để vườn thông thoáng, cây khoẻ mạnh, dễ chăm sóc và ít bị bệnh thối trái, cây sầu riêng cần phải trồng thưa. Nếu trồng thuần 125 cây – 156 cây/ha, còn trồng như ông Đại, trồng xen thì tốt nhất là từ 70 cây – 100 cây/ha.

Phân bón sử dụng cho cây sầu riêng là các loại phân xanh, phân chuồng, phân vi sinh; sử dụng các chế phẩm sinh học để diệt trừ sâu bọ gây hại. Quả sầu riêng bói thu từ năm thứ 4 và từ năm thứ 7 trở đi cho thu hoạch ổn định.

Mỗi năm, doanh thu từ vườn sầu riêng của ông Đại dao động từ 1 - 3 tỷ đồng. Đặc biệt, trong năm 2023, ông thu hoạch được 80 tấn sâu riêng, với giá bán mức trung bình là 65.000 đồng/kg, tổng thu nhập đạt 6,8 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí đầu tư và nhân công, ông lãi ròng hơn 4 tỷ đồng.

Không chỉ tạo dựng cuộc sống khá giả cho gia đình mình, ông Trần Văn Đại còn chú trọng đến việc tạo việc làm cho người lao động ở địa phương. Trang trại của ông tạo cơ hội làm việc ổn định cho khoảng 4-5 người và thuê thêm 15-20 người làm theo mùa với thù lao từ 250.000 - 400.000 đồng/người/ngày.