Đâu là nguyên nhân? Với góc nhìn của doanh nghiệp, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP về nội dung này.
Phóng viên: Thưa ông, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020, TPHCM tiếp tục đứng vị trí thứ 14, không cải thiện so với năm 2019. Ông nghĩ sao về kết quả này?
Ông PHẠM NGỌC HƯNG: Trước hết, tôi rất băn khoăn về cách lấy mẫu để đánh giá. Cách lấy mẫu của VCCI rất tốt nhưng nếu áp dụng tại TPHCM có thể chưa phù hợp, khi số lượng doan hnghiệp (DN) tại một số quận của TP nhiều gấp 2-3 so với một tỉnh. Đặc thù của TPHCM có mật độ DN dày đặc với khoảng 400.000 DN và hơn 10 triệu dân đang sinh sống thì cách lấy mẫu phải khác so với các tỉnh, thành khác. Chẳng hạn, khi chọn DN để khảo sát, chúng ta cần chọn bao nhiêu phần trăm số DN trong nước, bao nhiêu DN FDI, các thành phần ngành nghề… để có đánh giá và phản ánh đầy đủ về TPHCM, cũng như đảm bảo tính khách quan của PCI. Tại TPHCM, nếu việc lấy mẫu được thực hiện từ các DN đã làm ăn lâu năm họ sẽ có cách nhìn khác về TP, còn DN mới lập nghiệp sẽ gặp khó khăn hơn.
Do đó, nếu lấy mẫu theo tính chất cào bằng mà không có sự phân loại, sẽ khó mang đến kết quả đánh giá một cách chính xác. Nói cách khác, với mỗi tỉnh thành khác nhau, cần có tiêu chí lấy mẫu khác nhau.
PCI từ vị trí thứ 8 (năm 2016) xuống thứ 14 (năm 2020), giảm 6 bậc sẽ tác động như thế nào đến vị thế của TPHCM ở hiện tại cũng như trong tương lai?
PCI tụt hạng không chỉ làm cho lãnh đạo TPHCM trăn trở mà cộng đồng DN tại TP cũng lo lắng về môi trường kinh doanh, làm ảnh hưởng chung đến tâm lý của các nhà đầu tư. Trên thực tế, khi các nhà đầu tư, nhất là DN có vốn đầu tư nước ngoài, trước khi vào Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, sẽ tham khảo PCI để cân nhắc. Do vậy, dù muốn hay không PCI chính là thước đo quan trọng về chất lượng điều hành kinh tế, thúc đẩy DN phát triển của một địa phương.
Là đầu tàu kinh tế của cả nước, bản thân TP đã có nhiều nỗ lực để cải thiện PCI nhưng tại sao TPHCM vẫn khó tăng hạng?
Theo tôi, có 2 vấn đề cốt lõi để chúng ta có thể tăng hạng trong PCI, đó là DN đang mong muốn điều gì và Nhà nước có đáp ứng đầy đủ hay chưa. Nếu Nhà nước đáp ứng đầy đủ, sẽ có kết quả tốt hơn, bằng không sẽ có những câu trả lời tiêu cực.
Đi vào cụ thể, trong kết quả chi tiết 10 chỉ số thành phần PCI, trong năm 2020 của TPHCM, có khá nhiều tiêu chí được cải thiện theo hướng tốt hơn như chi phí thời gian, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, tính năng động của chính quyền, tiếp cận đất đai. Tuy vậy, cũng còn không ít tiêu chí không được cải thiện, thậm chí bị tụt giảm so với năm 2019 như tính minh bạch, dịch vụ hỗ trợ DN, gia nhập thị trường…
Dẫn một ví dụ, Hiệp hội Doanh nghiệp TP tổ chức Chương trình Cà phê doanh nhân hàng tuần/hàng tháng để tạo nơi gặp gỡ giữa doanh nhân và các nhà lãnh đạo. Mục đích để lãnh đạo lắng nghe và chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của DN. Tuy nhiên, mỗi lần tổ chức, chỉ có vài ba lãnh đạo của các quận ghé tới, rất ít khi lãnh đạo cấp cao hoặc đại diện các sở, ngành của TP tham gia. Trong khi đó, cũng mô hình này hiệp hội chuyển giao cho tỉnh Đồng Tháp thì kết quả đạt được trên cả sự mong đợi của các DN. Nhờ có sự lắng nghe, trao đổi tích cực giữa DN với các lãnh đạo cao nhất của tỉnh như bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh đến các sở, ngành nên nhiều vướng mắc đã được tháo gỡ nhanh chóng.
Đã vậy, Cà phê doanh nhân của TPHCM chủ yếu gặp để nói những vấn đề vĩ mô, còn tại Đồng Tháp họ đi thẳng vào các vấn đề đang làm khó DN. Đây cũng là nơi lãnh đạo có thể lắng nghe phản biện của DN về các chính sách đưa ra đã phù hợp hay chưa. Hiện nay, có nhiều chính sách TP đưa ra nhưng không lấy ý kiến đóng góp của DN nên khi ban hành họ rất mù mờ. Điều này đã ảnh hưởng đến tính minh bạch của môi trường kinh doanh.
Tôi mong muốn, với mỗi lần tổ chức Cà phê doanh nhân, lãnh đạo TPHCM chỉ cần dành 30 - 60 phút đến để gặp gỡ, động viên và lắng nghe đội ngũ doanh nhân xem họ đang cần gì thì chắc chắn môi trường kinh doanh sẽ có cải thiện.
Năm 2021, TPHCM chọn chủ đề là năm cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh. Ông kỳ vọng gì vào năm chủ đề này?
Nhiều DN vẫn phản ánh thời gian để giải quyết hồ sơ bị kéo dài. Có nhiều hồ sơ chuyển từ nơi này sang nơi khác tốn hết 2 năm, thậm chí có DN chỉ cần chứng nhận tài sản trên đất cũng mất gần 1 năm…
Trong cải cách thủ tục hành chính, TP có nhiều quyết tâm thực hiện số hóa và có một số tiến bộ trong hoạt động của thuế, hải quan và thủ tục cấp phép đầu tư. Nhưng khi đọc kết quả của nhiều địa phương khác như Quảng Ninh, Đồng Tháp thì thấy rằng họ tiến bộ rất nhanh. Do đó, TPHCM cần có quyết tâm mạnh mẽ hơn. Theo tôi, vấn đề cốt lõi để chuyển mệnh lệnh xuống thực tế vẫn là yếu tố con người, ở đây là người thực thi công vụ.
Để làm được việc này, chúng ta đã có quy trình chuẩn rồi nhưng cần xem có thể rút gọn được nữa hay không và đưa trách nhiệm của người đứng đầu vào. Nếu hồ sơ giải quyết không đúng hạn, bộ máy làm việc không chạy nhanh hơn, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm ra sao? Lâu nay chúng ta gần như chưa xử lý và chưa làm mạnh vấn đề này.
Trước đây, Hiệp hội Doanh nghiệp TP đề xuất tổ chức cuộc khảo sát, đánh giá về cảm nhận của doanh nghiệp về các bộ máy quản lý nhà nước trên địa bàn TPHCM. Hình thức cũng giống như PCI nhưng là đánh giá về các sở, ngành và văn phòng UBND của TP. Việc này Quảng Ninh đã làm. Tuy nhiên, đến nay chúng ta vẫn chưa làm được.
Cải cách thực chất hơn
Theo ông, vấn đề cấp bách đặt ra cho TPHCM là gì? Để cải thiện năng lực cạnh tranh, TP nên bắt đầu từ đâu?
Qua đánh giá PCI lần này, TPHCM cũng đã nhìn thấy được những điểm yếu của mình để khắc phục. Tuy nhiên, nếu chỉ có lãnh đạo TP chuyển đổi thì chưa đủ mà cần cả bộ máy, trong đó vai trò của các sở, ban ngành phải đóng vai trò quyết định, vì đây là nơi tiếp xúc thường xuyên giữa DN với chính quyền. Mặt khác, cần đổi mới về cách thức quản lý kinh tế, lãnh đạo TP nên gần gũi DN hơn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bộ máy nhà nước.
Thực tế cho thấy, tại nhiều DN lớn, có thương hiệu của TPHCM như Biti’s, nệm Vạn Thành… đã và đang tiến đến giai đoạn chuyển đổi lãnh đạo sang thế hệ thứ 2. Thế hệ thứ 2 có cách nhìn về thời cuộc rất khác, rất nhanh nhạy và có trình độ quản lý DN tiến bộ hơn. Trong khi đó, bộ máy quản lý nhà nước vẫn chưa có nhiều cải thiện.
TP nên lắng nghe nhiều hơn ý kiến đóng góp từ các tổ chức bên ngoài nhà nước vì họ có cái nhìn khách quan hơn. Tôi đã từng được nghe, hoặc tham dự báo cáo nhiều đề tài nghiên cứu từ các sở hoặc các viện của TP, nhưng cùng một đề tài đó giao cho một tổ chức bên ngoài thì họ đưa ra nhiều vấn đề rất khác, rất mới dù hơi khó nghe. Tôi cũng mong muốn kinh phí nghiên cứu khoa học được phân bổ cả cho các tổ chức phi chính phủ để chúng ta có nhiều đề tài, cách nhìn đa chiều hơn.
Trong cải cách hành chính, cần nghiên cứu yếu ở điểm nào, quy định về thời gian hoàn thành thủ tục cấp phép cho DN đã tốt chưa. Tại nhiều tỉnh thành, quy định có 4 ngày hoàn thành thủ tục cấp phép, trong khi TPHCM cần tới 6 ngày, khoảng cách 2 ngày này là tại sao? Cần rà soát lại xem đang vướng gì, phải cải cách gì, chứ hô hào cải cách chung chung sẽ không mang lại hiệu quả.
Để cải thiện tính minh bạch, cần làm cho người dân hiểu và biết, đồng thời gắn trách nhiệm giải trình vấn đề với người thực thi công vụ thì mới có hiệu quả. Những khiếu nại của người dân hoặc vấn đề người dân chưa hiểu thì họ cần được giải đáp một cách thỏa đáng. Khi đưa ra các chính sách và thực thi chính sách cũng cần rõ ràng. Theo tôi, tính minh bạch nằm ở những điều rất nhỏ, chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được.
Bên cạnh đó, cần đánh giá vào thực chất giải quyết công việc của các cán bộ công chức. Ví dụ, một hồ sơ đưa lên, cần giải quyết theo quy trình trong thời gian bao lâu, nếu trong một quý hoặc một năm, cán bộ vi phạm quy trình này thì buộc phải thay. Điều quan trọng, phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu, phải xử lý thật nghiêm những người không hoàn thành công việc.
|