
Nhật Bản đã mất vị thế là quốc gia "chủ nợ" (net creditor nation) lớn nhất thế giới lần đầu tiên sau 34 năm, mặc dù đã công bố lượng tài sản ở nước ngoài (net external assets) kỷ lục.
Theo dữ liệu do Bộ Tài chính công bố hôm 26/5 tại Tokyo, tài sản ròng ở nước ngoài của Nhật Bản đạt 533,05 nghìn tỷ yen (3,7 nghìn tỷ USD) vào cuối năm 2024, tăng khoảng 13% so với năm 2023.
Mặc dù con số này đánh dấu mức tài sản cao nhất mọi thời đại nhưng Nhật Bản đã bị Đức vượt qua với tổng tài sản ròng bên ngoài quốc gia lên đến 569,7 nghìn tỷ yen. Trung Quốc vẫn đứng ở vị trí thứ 3 với tài sản ròng là 516,3 nghìn tỷ yen.
Sự gia tăng tài sản ở nước ngoài của Đức phản ánh thặng dư đáng kể của nước này, đạt 248,7 tỷ euro (283,2 tỷ USD) vào năm 2024, phần lớn nhờ vào hoạt động thương mại mạnh mẽ.
Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, thặng dư thương mại của nước này đạt 29,4 nghìn tỷ yen, tương đương khoảng 180 tỷ euro. Năm ngoái, tỷ giá euro-yen tăng khoảng 5%, góp phần giúp Đức gia tăng tài sản ở nước ngoài theo giá trị đồng yen. Đối với Nhật Bản, đồng yen yếu đã góp phần làm tăng cả tài sản và nợ phải trả nước ngoài nhưng tài sản vẫn tăng với tốc độ nhanh hơn, một phần do đầu tư kinh doanh mở rộng ra nước ngoài.
Theo Bộ này, các công ty Nhật Bản vẫn duy trì nhu cầu mạnh mẽ về đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm 2024, đặc biệt là ở Mỹ và Anh. Bộ cho biết các lĩnh vực như tài chính, bảo hiểm và bán lẻ đã thu hút được nguồn vốn đáng kể từ các nhà đầu tư Nhật Bản.
Với chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện tại, một số công ty của Nhật Bản có thể được khuyến khích di dời sản xuất hoặc chuyển tài sản sang Mỹ để giảm thiểu rủi ro liên quan đến thương mại.
Trong kinh tế học, quốc gia chủ nợ (net creditor nation) là nước có tổng tài sản ròng đối với nước ngoài (net external assets) lớn hơn 0. Tức là, tài sản mà nước đó nắm giữ ở nước ngoài (FDI, chứng khoán, trái phiếu, dự trữ ngoại hối...) lớn hơn số nợ hoặc nghĩa vụ tài chính mà người nước ngoài nắm giữ tại nước đó.
Tài sản ở nước ngoài không chỉ là khoản cho vay hay trái phiếu chính phủ các nước khác, mà bao gồm:
Đầu tư trực tiếp (FDI)
Đầu tư gián tiếp (mua cổ phiếu, trái phiếu)
Dự trữ ngoại hối
Tiền gửi ngân hàng
Cho vay thương mại