Dù giảm cà phê về lượng nhưng nhờ giá xuất khẩu cao nên kim ngạch tăng tới 56% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, giá xuất khẩu cà phê trung bình trong kỳ đạt hơn 5.700 USD/tấn. Liên minh châu Âu tiếp tục là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu và ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội.
Trong thời gian tới, xuất khẩu cà phê của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ được dự báo sẽ gặp bất lợi khi cạnh tranh với cà phê Brazil do chính sách thuế. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành, xuất khẩu cà phê cả năm 2025 vẫn có thể đạt mốc 7 tỷ USD.
Canh tác theo yêu cầu thị trường
Châu Âu - thị trường cà phê lớn nhất của Việt Nam đang ngày một khắt khe về chất lượng và nguồn gốc xuất xứ, đòi hỏi xu thế tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng phải theo hướng thân thiện với môi trường.
Việc chủ động, sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao để kiểm soát chất lượng nông sản từ vùng nguyên liệu, đến sơ chế, chế biến sản phẩm đang được áp dụng mạnh mẽ ở Tây Nguyên.
Nhiều hô dân trồng cà phê tại Tây Nguyên đang chấp nhận mất nhiều thời gian để cải tạo lại đất, nuôi cỏ, trồng cây che bóng, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh để cây cà phê phát triển tự nhiên, bền vững. Kiên trì chờ cà phê chín đỏ đồng loạt mới thu hoạch. Chấp nhận sống "chậm", bỏ ra công sức lớn, song nhiều nông dân lại thu được những giá trị vô cùng lớn khi sản xuất cà phê đặc sản.
Quá trình theo đuổi đam mê khởi nghiệp từ nông nghiệp, nhiều nông dân cũng đã kết nối đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng chuyên canh cà phê cùng nhau tham gia chuỗi sản xuất sạch. Nhờ đó, tại tỉnh Gia Lai đã có trên 50.000 ha, trong số 100.000 ha cà phê đạt chứng nhận chất lượng trong nước, cũng như quốc tế.
Tây Nguyên là vùng trồng trọng điểm cà phê với 650.00 ha, chiếm hơn 90% về diện tích và sản lượng của cả nước. Từ hạt cà phê trên vườn rẫy, đến sản phẩm chế biến, hầu hết nông dân đều đang hướng đến phát triển cà phê chất lượng cao, để nâng tầm giá trị thương hiệu nông sản quốc gia.