Theo WHO 2025, hiện có tới 25 căn bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc-xin, nhưng tỷ lệ tiêm chủng ở người lớn vẫn ở mức thấp trên toàn thế giới.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet cho thấy rằng các nỗ lực tiêm chủng toàn cầu đã cứu sống khoảng 154 triệu người – tương đương với 6 sinh mạng mỗi phút trong suốt năm thập kỷ qua. Với mỗi mạng sống được cứu thông qua tiêm chủng, trung bình có thêm 66 năm sống khỏe mạnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chỉ một số ít quốc gia khuyến nghị tiêm chủng đầy đủ cho mọi lứa tuổi.
Nhân Tuần lễ Tiêm chủng Thế giới diễn ra từ ngày 24/4 đến ngày 30/4, cùng nhìn lại bức tranh nhân khẩu học, chúng ta nhận thấy sự thay đổi đáng kể trên thế giới, với dân số già hóa là xu hướng chủ đạo.
Theo số liệu từ WHO 2022, dân số toàn cầu từ 60 tuổi trở lên đang tăng nhanh – từ 1 tỷ người vào năm 2020, ước tính sẽ chạm mốc 1,4 tỷ người vào năm 2036.

Già hóa dân số khiến chúng ta phải đối mặt với một thách thức lớn về sức khỏe cộng đồng khi người lớn tuổi dễ mắc các bệnh mãn tính và các bệnh có thể phòng ngừa. Đáng chú ý, theo WHO 2025, hiện đã có biện pháp bảo vệ chống lại 25 bệnh truyền nhiễm nhưng tỷ lệ tiêm chủng ở người lớn vẫn ở mức thấp trên toàn thế giới.
Để giải quyết thách thức này, cần nâng cao niềm tin và nhận thức về tầm quan trọng của việc giữ cho con người và cộng đồng khỏe mạnh với các biện pháp bảo vệ như tiêm chủng cho người lớn. Trong đó, phải có sự thay đổi mô hình từ các can thiệp chăm sóc sức khỏe chủ yếu tập trung vào điều trị sang các can thiệp phòng ngừa, tận dụng công nghệ và cải tiến mới, đồng thời đưa tiêm chủng vào như một công cụ hữu hiệu.
BS. Phạm Thị Mỹ Liên, Chủ tịch GSK Việt Nam chia sẻ: "Việc đầu tư vào tiêm chủng cho người lớn là rất quan trọng để giúp ngăn chặn bệnh tật và cải thiện kết quả cho mọi người, xã hội, hệ thống y tế và nền kinh tế. Nhân Tuần lễ Tiêm chủng Thế giới 2025, chúng tôi cùng với các đối tác chiến lược tiếp tục nỗ lực chuyển đổi từ "chăm sóc bệnh nhân" sang "chăm sóc sức khỏe chủ động" thông qua các hoạt động tạo điều kiện tiếp cận và xây dựng lòng tin vào giá trị của việc tiêm chủng cho người lớn, thiết lập phòng ngừa là tiêu chuẩn chăm sóc".
Với những tiến bộ trong khoa học và công nghệ, chúng ta có tiềm năng ngăn ngừa và thay đổi quá trình bệnh tật tốt hơn và nhanh hơn, giúp cải thiện kết quả cho con người, hệ thống y tế và nền kinh tế, đồng thời giải quyết những thách thức lớn hơn như tình trạng kháng thuốc kháng sinh, biến đổi khí hậu và dân số già hóa.
Đặc biệt, tiêm chủng cho người lớn, trung bình có thể mang lại lợi ích gấp 19 lần chi phí dành cho y tế và các lợi ích kinh tế xã hội rộng hơn - cho phép người lớn tuổi duy trì sự năng động và khỏe mạnh hơn. Cùng nhau, chúng ta có cơ hội tái định nghĩa về sức khỏe và chăm sóc sức khỏe - không chỉ là điều trị bệnh tật mà còn đầu tư vào việc giữ gìn sức khỏe cho mọi người, góp phần hướng đến tương lai khỏe mạnh và thịnh vượng hơn.
Phương Vy