Làng chổi đót Chiêm Sơn tất bật vào vụ sản xuất Tết

14/11/2024 16:12

VOV.VN - Những tháng cuối năm, không khí lao động ở làng nghề chổi đót Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam tất bật hơn. Những năm gần đây, nhờ đầu ra sản phẩm ổn định nên người dân ở làng nghề đầu tư phát triển sản xuất. Chổi đót Chiêm Sơn đang được xây dựng thành sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Nam, kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ.

Làng nghề chổi đót Chiêm Sơn ở xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên sản xuất quanh năm. Những tháng cuối năm, việc sản xuất của bà con càng thêm nhộn nhịp. Mỗi người một công đoạn từ quấn dây, bó đót đến hoàn thiện sản phẩm. Ông Nguyễn Nhất Tuấn, chủ cơ sở sản xuất chổi đót Nhất Tuấn ở xã Duy Trinh cho biết, đang vào mùa chính nên sản lượng tăng gấp đôi so với ngày thường. Mỗi ngày, cơ sở này sản xuất gần 1.500 cây chổi đót các loại. Chổi đót được làm nhiều mẫu mã như chổi bện mây truyền thống, chổi quấn dây thép, dây cước, cán nhựa...

Theo ông Nguyễn Nhất Tuấn, trước đây, ông lấy nguyên liệu từ các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam, hiện nay nguồn nguyên liệu khan hiếm, phải nhập từ các nước Lào, Thái Lan: “Hiện lao động đang khẩn trương làm để phục vụ thị trường Tết. Mỗi năm mình nhập nguyên liệu 40 tấn đến 50 tấn nguyên liệu. Chúng tôi giải quyết cho nhiều lao động ở vùng núi đi hái đót và lao động tại địa phương, người già, người khuyết tật làm chổi đót. Lao động chính thu nhập khoảng 300.000 đồng/ngày. Năm nào dịp cuối năm, dịp tết cũng bán được nhiều hàng. Tết năm ngoái bán 40 ngàn cây chổi đót, không có hàng để bán. Hiện nay chúng tôi tăng cường làm thêm có nhiều sản phẩm cung cấp ra thị trường”.

Làng chổi đót Chiêm Sơn tất bật vào vụ sản xuất Tết- Ảnh 1.

Không khí nhộn nhịp ở làng chổi đót Chiêm Sơn

Chổi đót Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam được tiêu thụ chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc và xuất khẩu ra nước ngoài. Giá mỗi cây chổi đót từ 35.000 đồng đến 90.000 đồng. Hiện nay, cơ sở sản xuất chổi đót Nhất Tuấn của ông Nguyễn Nhất Tuấn tạo việc làm cho 40 lao động, chủ yếu là người già, trẻ em hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật ở trong làng với mức thu nhập ổn định.

Chị Phan Thị Xuân, ở xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên làm việc tại cơ sở chổi đót Nhất Tuấn cho biết: “Tôi làm việc ở đây 20 năm rồi, đồng lương cũng ổn định để trang trải trong gia đình. Một ngày tôi làm được 250.00 đồng, có công việc làm cả năm. Cơ sở chổi đót Nhất Tuấn cũng tạo điều kiện cho nhiều phụ nữ, người già hoàn cảnh khó khăn đến làm việc”.

Làng chổi đót Chiêm Sơn tất bật vào vụ sản xuất Tết- Ảnh 2.

Nhờ làm chốt đót, người dân ở huyện Duy Xuyên có thu nhập ổn định

Tại xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên hiện có 250 hộ dân tham gia sản xuất chổi đót, hơn 350 lao động địa phương có việc làm thường xuyên. Mỗi năm, làng nghề này cung cấp cho thị trường hơn 3 triệu sản phẩm chổi đốt các loại, doanh thu khoảng 55 tỷ đồng. Nhờ làm chổi đót mà nhiều gia đình có thu nhập ổn định, đời sống khá hơn. Ông Đặng Hữu Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết: người dân sản xuất chổi đót theo quy mô hộ gia đình.

“Để hỗ trợ phát triển các làng nghề truyền thống, những năm qua, huyện Duy Xuyên luôn đồng hành, lồng ghép từ các Chương trình để hỗ trợ người dân, chủ cơ sở sản xuất. Đặc biệt làng nghề chổi đót Chiêm Sơn ở xã Duy Trinh, huyện đã hỗ trợ thúc đẩy thị trường đầu ra, hỗ trợ xúc tiến thương mại, giao thương quảng bá các sản phẩm. Các sản phẩm của làng nghề trưng bày và tiêu thụ khá mạnh. Huyện Duy Xuyên tiếp tục đồng hành cùng các chủ cơ sở, quảng bá thương hiệu, đưa các sản phẩm chổi đót từ các Hội chợ triển lãm ở các nơi. Từ đó tạo cơ sở để gắn với phát triển du lịch nông thôn ở địa bàn huyện Duy Xuyên".

Làng chổi đót Chiêm Sơn tất bật vào vụ sản xuất Tết- Ảnh 3.

Sản phẩm chổi đót Chiêm Sơn được tiêu thụ ở các tỉnh miền Bắc và xuất khẩu ra nước ngoài

Năm 2016, UBND tỉnh Quảng Nam công bố quyết định công nhận Làng nghề vấn chổi đót Chiêm Sơn. Đây là nghề thủ công truyền thống của người dân địa phương mang lại thu nhập cao. Ông Nguyễn Út, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam cho biết: Ngành Nông nghiệp tỉnh Quảng Nam và Hội Nông dân tỉnh này luôn đồng hành, hỗ trợ người dân kết nối với các đơn vị bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ vốn vay giúp nông dân mở rộng quy mô sản xuất.

Làng chổi đót Chiêm Sơn tất bật vào vụ sản xuất Tết- Ảnh 4.

Thị trường chổi đót tiêu thụ tăng cao dịp cuối năm

“Thời gian qua, chúng tôi phối hợp với các đơn vị đã tạo nhiều lớp dạy nghề tại địa phương. Hàng năm phối hợp với các huyện để tổ chức nhiều lớp dạy nghề cho nông dân. Hội Nông dân là cầu nối rất quan trọng giúp nông dân kết nối với các ngân hàng để vay vốn đầu tư phát triển sản xuất. Chúng tôi thường hỗ trợ đầu tư nhân rộng để người dân có thể tham quan học tập về áp dụng cho gia đình mình, nhiều hội viên nông dân giàu lên và đã đóng góp cho Quảng Nam nhiều sản phẩm OCOP".