Hà Nội phát triển 4 khu công nghệ cao chuyên nghiên cứu các sản phẩm đặc thù: Quy mô lớn nhất hơn 1.500 ha gọi tên khu công nghệ cao Hòa Lạc

02/01/2025 17:06

Hà Nội phát triển 4 khu công nghệ cao, trong đó khu công nghệ cao Hòa Lạc (huyện Quốc Oai và Thạch Thất) có quy mô lớn nhất với 1.586 ha, dự trữ quỹ đất khoảng 300-500 ha tại khu vực huyện Quốc Oai - Thạch Thất phục vụ nhu cầu phát triển, mở rộng Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1668/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Theo đó, về định hướng phát triển công nghiệp, TP. Hà Nội sẽ phát triển 27 khu công nghiệp, trong đó phát triển 4 khu công nghệ cao và 23 khu công nghiệp.

Cụ thể, 4 khu công nghệ cao gồm: khu công nghệ cao Hòa Lạc (huyện Quốc Oai và Thạch Thất) với quy mô 1.586 ha, dự trữ quỹ đất khoảng 300-500 ha tại khu vực huyện Quốc Oai - Thạch Thất phục vụ nhu cầu phát triển, mở rộng Khu công nghệ cao Hòa Lạc; Khu công nghệ cao sinh học (quận Bắc Từ Liêm) với quy mô khoảng 199 ha; Khu công viên công nghệ thông tin Hà Nội (quận Long Biên) với quy mô khoảng 36 ha; Khu công nghệ thông tin tập trung công viên công nghệ phần mềm Hà Nội (quận Long Biên) với quy mô khoảng 32 ha.

Theo định hướng xây dựng phát triển một số khu công nghiệp theo mô hình Khu công nghệ cao. Triển khai đầu tư một số khu vực thí điểm, chuyên nghiên cứu phát triển các sản phẩm đặc thù phục vụ công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp. Mô hình phát triển, cơ cấu chức năng, chiều cao xây dựng và mật độ xây dựng sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn triển khai đầu tư theo yêu cầu của công nghệ.

Bên cạnh đó, theo Quy hoạch, Hà Nội phát triển 23 khu công nghiệp gồm 8 khu công nghiệp đang hoạt động, 2 khu công nghiệp đang trong triển khai, 13 khu công nghiệp quy hoạch mới với tổng diện tích khoảng 5.800 ha, dự trữ quỹ đất khoảng 800 ha tại khu vực huyện Thường Tín, Phú Xuyên và Sóc Sơn phụ vụ nhu cầu phát triển công nghiệp.

Theo Quy hoạch, phát triển cụm công nghiệp, làng nghề theo hướng cụm công nghiệp xanh, hạ tầng hiện đại, thông minh, ứng dụng công nghệ cao, gắn với khu vực có điều kiện hạ tầng thuận lợi. Chuyển đổi và di dời các khu cụm, làng nghề sản xuất gây ô nhiễm.

Kiểm soát chặt các cụm công nghiệp, làng nghề nằm trong vùng hành lang xanh, đảm bảo tiêu chí phát triển mới được hình thành như: phải đảm bảo phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất được phân bổ; ngoài ra phải đáp ứng các yêu cầu khác về nhu cầu, đất đai, vệ sinh môi trường...; đối với việc hình thành các cụm công nghiệp sau giai đoạn 2030 cần được xem xét rà soát, đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường, tỷ lệ lấp đầy theo quy định.