Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, bài kiểm tra khảo sát có điểm dưới mức trung bình (dưới 5 điểm) có 148.003 bài, chiếm gần 32% tổng số bài thi. Trong đó môn Toán có điểm bài thi dưới trung bình cao nhất (51,69%), trong khi môn Ngữ văn là 34,03%.
Đợt khảo sát diễn ra từ ngày 21 đến 23/3, với sự tham gia của hơn 118.000 học sinh lớp 12 của các trường THPT và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Học sinh làm hai bài kiểm tra bắt buộc là Toán, Ngữ văn và hai bài kiểm tra các môn tự chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ định hướng công nghiệp, Công nghệ định hướng nông nghiệp, tiếng Anh. Đề thi do Sở ra chung cho học sinh toàn thành phố.
Theo nhận định của Sở, kết quả khảo sát chất lượng sụt giảm rõ rệt so với năm trước có khả năng do có sự thay đổi về chương trình giáo dục (học sinh lớp 12 năm nay học chương trình giáo dục phổ thông 2018).

Ảnh minh họa.
Đánh giá chung về kết quả kiểm tra khảo sát chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng phổ điểm cho thấy kỳ khảo sát phân hóa rõ, đặc biệt ở nhóm 3-9 điểm, phản ánh rõ mức độ học sinh khá giỏi, trung bình, yếu.
Cũng theo kết quả Sở GD&ĐT Hà Nội công bố, Toán là môn thi có điểm dưới trung bình cao nhất với 51,69%. Tiếp đó là môn Địa lý (51,42%), Sinh học (50,41%).
Tỉ lệ điểm dưới trung bình ở môn Tiếng Anh là 31,32%.
Theo Vietnamnet trước đó, trong ba ngày (21-23/3) học sinh làm 2 bài kiểm tra bắt buộc gồm Toán, Ngữ Văn và 2 môn tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ định hướng công nghiệp, Công nghệ định hướng nông nghiệp, tiếng Anh. Học sinh làm bài theo đề chung do Sở GD&ĐT Hà Nội biên soạn.
Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, cấu trúc đề kiểm tra khảo sát đối với học sinh lớp 12 thực hiện theo quy định về cấu trúc định dạng đề thi kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 do Bộ GD&ĐT ban hành.
Kỳ thi nhằm kiểm tra mức độ nắm vững kiến thức của học sinh, đo lường chất lượng dạy và học, đồng thời tạo điều kiện để học sinh điều chỉnh phương pháp ôn tập trước kỳ thi quan trọng.
Qua kết quả khảo sát, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các đơn vị, nhà trường thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Sở về tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh. Các trường cần tập trung rà soát, phân loại trình độ học sinh để xây dựng phương án ôn tập, bồi dưỡng phù hợp với kế hoạch giáo dục của đơn vị. Trong đó, cần chú ý đảm bảo độ phủ kiến thức các chủ đề ôn tập ở từng môn học theo đúng hướng dẫn.
Bên cạnh đó, tổ, nhóm chuyên môn cần chú trọng hướng dẫn học sinh rèn luyện kỹ năng giải quyết các câu hỏi dạng Đúng - Sai theo từng chủ đề trong chương trình lớp 12. Giáo viên cũng cần nâng cao chất lượng công tác biên soạn câu hỏi, đảm bảo mức độ tư duy được tăng dần.
Theo Đại Biểu Nhân Dân, một số giáo viên tại Hà Nội cho biết, phổ điểm từ khảo sát chất lượng học sinh khối 11 và 12 đã phản ánh rõ sự phân hóa trình độ, qua đó làm rõ kết quả làm bài của các nhóm học sinh khá, giỏi, trung bình và yếu.
Nhìn chung, bên cạnh số học sinh có học lực tốt, đều các môn, vẫn còn một bộ phận học sinh yếu, có nguy cơ trượt tốt nghiệp, cần được quan tâm hỗ trợ ôn tập nhiều hơn.
Từ kết quả này, Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ đạo các nhà trường phải tăng cường hỗ trợ học sinh ôn tập để đảm bảo cho học sinh nắm vững yêu cầu cần đạt của chương trình trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Năm 2025, Hà Nội dự kiến có khoảng 120.000 học sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, số thí sinh tự do vào khoảng 5.000, bao gồm nhiều chiến sĩ công an, quân đội vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự.
Trúc Chi (t/h)