Bài chòi - Điểm nhấn đặc sắc hút khách du lịch ở Hội An
Đơn cử như ở Hội An (Quảng Nam), nghệ thuật Bài chòi (được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2017) được xác định là một phần quan trọng trong đời sống tinh thần, vừa là sản phẩn du lịch độc đáo, là nét văn hóa nghệ thuật đặc trưng của phố cổ.
Từ xa xưa, cũng như một số địa phương ở tỉnh Quảng Nam và các tỉnh miền Trung, người dân tại thành phố Hội An đã được tiếp cận với nghệ thuật Bài chòi mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Sau năm 1975, hòa bình lập lại, Đoàn Ca kịch Quảng Nam - Đà Nẵng ra đời, thường xuyên tổ chức biểu diễn phục vụ nhân dân tại các địa phương trong tỉnh. Ngành văn hóa phát động phong trào sáng tác lời mới cho các làn điệu dân ca Bài chòi và phong trào này đã thực sự tạo nên thị hiếu sâu rộng trong công chúng về nhu cầu thưởng thức nghệ thuật.
Từ sau tái lập tỉnh, đặc biệt từ năm 1999 khi Đô thị cổ Hội An trở thành Di sản văn hóa thế giới, du lịch Hội An ngày càng có điều kiện phát triển mạnh mẽ. Ngành văn hóa Hội An đã đưa nghệ thuật Bài chòi thành một nội dung diễn xướng vào đêm 14 hằng tháng trong chương trình "Đêm phố cổ". Trong khung cảnh phố xưa lung linh ánh đèn lồng, Bài chòi Hội An thăng hoa khiến khán giả vô cùng thích thú.
Bài chòi được ngành văn hóa Hội An đưa vào ô vé tham quan, trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn với du khách xa gần, đặc biệt là khách ngoại quốc.
Các lớp học hát dân ca, hô - hát Bài chòi được mở trong Khu phố cổ (hằng đêm) dạy cho các em thiếu nhi và du khách. Đặc biệt, nghệ thuật và trò chơi Bài chòi còn phục vụ 2 suất/ngày (lúc 10h, 15h) tại Nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền và phục vụ hằng đêm dưới hình thức "nghệ thuật đường phố" tại "Phố đêm" trong Khu phố cổ, thu hút đông đảo khách du lịch tham gia. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực du lịch cũng tổ chức các hội Bài chòi dân gian để phục vụ du khách tham quan. Nghệ thuật Bài chòi cũng "mang chuông đi đánh xứ người" tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và quốc tế.
Nghệ thuật Bài chòi cũng trở thành sản phẩm "văn hóa ngoại giao"; phục vụ các hội nghị cấp cao quốc gia cũng như quốc tế như Hội nghị APEC 2006, Hội thi Hợp xướng quốc tế, giao lưu Hoa hậu Hoàn vũ (2010), giao lưu Hoa hậu Trái đất (2011), giao lưu Thiếu nhi quốc tế (2019)... Bài chòi đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân phố Hội và cả du khách tham quan. Đó là minh chứng sinh động cho sức sống và sự lan tỏa của loại hình nghệ thuật dân gian này.
Để nghệ thuật Bài chòi tồn tại và phát triển, thu hút được công chúng, thành phố Hội An chú trọng công tác tôn vinh, quảng bá và giới thiệu rộng rãi đến khách du lịch trong và ngoài nước. Thành phố đã phát hành 01 CD và 01 DVD dân ca, Bài chòi "Khúc tự tình Hội An" với gần 30.000 bản; đã có hàng trăm bản tin, bài báo, phóng sự, tài liệu báo chí - truyền hình giới thiệu, quảng bá sâu rộng, hiệu quả dân ca và trò chơi Bài chòi của Hội An quảng bá. Đơn cử, truy cập vào trang mạng tìm kiếm Google với từ khóa "Bài chòi Hội An" sẽ có hàng loạt kết quả bài viết, hình ảnh, video… với hàng triệu lượt người truy cập.
Sau khi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2017, nghệ thuật Bài chòi được ngành văn hóa - du lịch Quảng Nam và thành phố Hội An quan tâm xây dựng các kế hoạch, đề án bảo tồn và phát huy giá trị, cử diễn viên tham gia biểu diễn - giao lưu, quảng bá Bài chòi với nhiều địa phương trong khu vực và toàn quốc, đem nghệ thuật Bài chòi ra thế giới. Cử nghệ nhân của Trung tâm Văn hóa tham gia các lớp truyền dạy thực hành Di sản nghệ thuật Bài chòi cho lực lượng nghệ nhân, nhạc công ở các câu lạc bộ/đội Bài chòi các xã, phường, thị trấn, lực lượng giáo viên thanh nhạc, giáo viên, học sinh tại các trường THCS, tiểu học, mẫu giáo tại 12 huyện, thị xã, thành phố vùng đồng bằng…
UBND thành phố Hội An luôn chú trọng chế độ đãi ngộ, đảm bảo có hoạt động trình diễn thường xuyên cũng như ổn định lao động thời kỳ hậu diễn viên để các anh chị em nghệ nhân, diễn viên có niềm tin, yên tâm, hết lòng cống hiến phát triển nghề nghiệp.
Có thể nói, với sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền thành phố Hội An, nghệ thuật Bài chòi sẽ tiếp tục bám rễ và sống bền bỉ trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, đóng góp cho sự phát triển du lịch - hoạt động kinh tế mũi nhọn của thành phố và tỉnh Quảng Nam.
Khai thác giá trị văn hóa đặc sắc của Ví, Giặm để phát triển du lịch cộng đồng
Từ khi dân ca Ví, Giặm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, công tác bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ đã được UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao quan tâm đẩy mạnh. Trong đó nhiệm vụ xây dựng, phát triển hệ thống câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm và truyền dạy dân ca Ví, Giặm trên địa bàn tỉnh Nghệ An được xác định là việc làm thiết thực, tiên quyết cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm trên địa bàn tỉnh. Các câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm là mô hình sinh hoạt tập thể, hướng tới việc lưu giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc; đồng thời nuôi dưỡng, ươm mầm những tài năng cho nghệ thuật truyền thống.
Năm 2021, Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 29/2021/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 của HĐND tỉnh Nghệ An, quy định chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân, câu lạc bộ trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể và nghệ sĩ đang làm việc tại Trung tâm nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An. Nghị quyết ra đời là một chính sách quan trọng, tạo động lực thúc đẩy các nghệ sĩ, nghệ nhân hăng hái tích cực, có trách nhiệm trong việc truyền dạy thực hành biểu diễn, hát dân ca, phát triển mạng lưới câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm trên toàn tỉnh; khuyến khích các nghệ sĩ, nghệ nhân tích cực tham gia các cuộc thi, liên hoan, các hoạt động giao lưu, quảng bá di sản văn hóa của địa phương trên địa bàn toàn tỉnh, toàn quốc và quốc tế.
Để phát triển hệ thống câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm ở các địa phương, Sở Văn hóa và Thể thao đã chỉ đạo Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh cử cán bộ chuyên môn trực tiếp về từng địa phương để tiếp cận và tổ chức xây dựng các câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm; tìm gặp những người cao tuổi để sưu tầm, ghi âm, ghi hình lại các làn điệu, cũng như định hướng trong việc truyền dạy, tuyên truyền, quảng bá, thắp lửa tình yêu dân ca Ví, Giặm trong mỗi người dân.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã thành lập được gần 140 CLB dân ca Ví, Giặm tại 21 huyện, thị xã, với gần 3.000 hội viên, 42 nghệ nhân dân gian, 52 nghệ nhân ưu tú, 1 nghệ nhân nhân dân. Đặc biệt, tại các huyện miền núi như Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Châu, Quế Phong, Kỳ Sơn, ngoài các đặc trưng văn hóa của dân tộc Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu,... các địa phương này cũng thành lập các CLB dân ca Ví, Giặm. Đây là tiền đề để gìn giữ, bảo tồn đồng thời khai thác được các giá trị văn hóa đặc sắc của mỗi địa phương trong phát triển du lịch cộng đồng.
Độc đáo "Cồng chiêng cuối tuần – Thưởng thức và Trải nghiệm"
Gần 20 năm qua, tỉnh Gia Lai đã có nhiều cố gắng trong việc góp phần giữ vững cam kết với UNESCO trong việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên bằng nhiều hành động cụ thể. Tuy vậy, nhìn từ góc độ bảo tồn và phát huy giá trị, có thể thấy, cồng chiêng đã và đang đi qua những bước thăng trầm. Điều dễ nhận thấy nhất là sinh hoạt truyền thống liên quan đến cồng chiêng ở cơ sở ngày càng thưa vắng, biến đổi. Các cộng đồng người Bahnar, Jrai dù vẫn sở hữu nhiều cồng chiêng nhưng cơ hội cũng như sự tự nguyện sử dụng loại nhạc cụ này trong các sinh hoạt liên quan không còn được như trước. Mô hình "Cồng chiêng cuối tuần – Thưởng thức và Trải nghiệm" (CCCT) ra đời trong bối cảnh ấy.
Bên cạnh mục đích bảo tồn, quảng bá văn hóa địa phương, những người thực hiện chương trình này cũng xác định rõ: Khi chưa thể mời du khách về làng xem cồng chiêng, cách tốt nhất là mang cồng chiêng về phố tổ chức sinh hoạt định kỳ.
CCCT được Sở VHTT&DL tỉnh Gia Lai tổ chức lần đầu tiên vào dịp 30/4 – 01/5/2022, tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, TP. Pleiku. Đây là hoạt động luân phiên giữa các đoàn nghệ nhân của hai dân tộc Bahnar và Jrai sinh sống trên địa bàn tỉnh Gia Lai, với sự tham gia của khoảng 40 nghệ nhân vào mỗi đêm diễn, diễn ra vào mỗi tối thứ 7 hàng tuần trong khung giờ từ 19h đến 21h. Chương trình mỗi đêm gồm: Trình tấu cồng chiêng kết hợp múa truyền thống (suang), hát dân ca, dân vũ, trình diễn nhạc cụ làm từ tre nứa, phục dựng 50 trích đoạn các nghi lê, lễ hội truyền thống. Ngoài ra, khách tham gia có thể giao lưu chụp ảnh cùng các nghệ nhân, tìm hiểu về văn hoá truyền thống; tham gia trải nghiệm về múa hay đánh chiêng, cùng thưởng thức rượu ghè, gà nướng do các đoàn nghệ nhân chuẩn bị.
Cồng chiêng, nhạc cụ, trang phục, đạo cụ được các nghệ nhân sử dụng trong chương trình CCCT đều là dạng nguyên bản, đúng với truyền thống, cơ bản không có yếu tố hiện đại, cách tân. Hoạt động diễn ra trong một không gian tự nhiên thoáng đãng trên thảm cỏ xanh, dưới những tán cây, không sân khấu hóa, không có sự can thiệp của bàn tay đạo diễn. Các đoàn nghệ nhân tham gia với tâm thế tự do, thoải mái thể hiện nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc mình. Để sinh hoạt luôn đổi mới và hấp dẫn người xem, bộ phận tổ chức đã đặt ra nguyên tắc: Mỗi đội không biểu diễn quá một lần trong tháng và xây dựng chương trình theo hướng đa dạng, tăng cường tương tác với khán giả.
Mỗi đêm diễn ra, CCCT thu hút hàng nghìn lượt du khách và người dân tham dự, nhiều người đã nắm tay nhau nối rộng vòng suang (múa) cùng các nghệ nhân Bahnar, Jrai. Không chỉ có du khách trong và ngoài nước, rất nhiều học sinh các cấp cũng đã xem chương trình là một điểm đến thú vị, sự bổ sung cần thiết cho chương trình giáo dục địa phương mà các em phải học ở trường. Hàng nghìn lượt người xem đã truyền tải hình ảnh đất nước, con người Gia Lai, trong đó có văn hóa cồng chiêng ra khắp đất nước và thế giới.
Có thể nói, CCCT đã và đang đi những bước đầu tiên trong một hành trình dài của nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá, kết hợp với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
UBND tỉnh Gia Lai cũng vừa phê duyệt Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2023 – 2025. Đề án đã xác định rõ mục tiêu hướng tới bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của di sản Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh Gia Lai, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, xu thế hội nhập quốc tế và gắn với phát triển du lịch địa phương. Qua đó quảng bá rộng rãi về Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai đến bạn bè trong và ngoài nước.
Diệp Anh