Theo đó, ngành đặt ra mục tiêu chung đến năm 2025 đạt trên 80% thanh niên, học sinh, sinh viên (HSSV) ở đô thị, trên 70% thanh niên, HSSV ở nông thôn, 60% thanh niên, HSSV ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao và du lịch, hoạt động sinh hoạt cộng đồng tại nơi học tập, làm việc và cư trú; đến năm 2030 đạt trên 85%, trên 75% và 65% các chỉ tiêu tương ứng; Đến năm 2025 đạt 70% và đến năm 2030 đạt 90% trở lên hộ gia đình được cung cấp kiến thức, kỹ năng về giáo dục đời sống gia đình, thực hiện bình đẳng giới trong gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình; chăm sóc, bảo vệ, phòng, chống xâm hại trẻ em, bảo đảm quyền tham gia của trẻ em trong gia đình; phụng dưỡng và phát huy vai trò của người cao tuổi trong gia đình; Đến năm 2030 đạt 90% trở lên hộ gia đình cam kết thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.
Kế hoạch đã đưa ra 10 nhiệm vụ, giải pháp chung đối với ngành bao gồm: Đa dạng hóa nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến; Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến; Xây dựng và thực hiện hiệu quả cơ chế phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội; Đa dạng hóa nội dung và hình thức hoạt động phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở hiện có; xã hội hóa các nguồn lực để nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh của thanh niên, thiếu niên và nhi đồng đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Đổi mới hoạt động, phát huy vai trò của hệ thống bảo tàng, phòng truyền thống, thư viện trường học, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, các thiết chế, công trình văn hoá, lịch sử trong việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng; Phát huy vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc chăm sóc, giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng; Rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách hỗ trợ việc thực hiện chương trình giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng; Bảo đảm các thiết chế và điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất đáp ứng nhiệm vụ giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng; Bồi dưỡng, tuyên dương và củng cố nhân rộng mô hình hiệu quả gương điển hình tiên tiến trong giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho HSSV, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng; tổ chức các hoạt động, phong trào thi đua, cuộc thi; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến; Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Đối với các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ, các đơn vị sẽ tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật kết hợp công tác giáo dục pháp luật với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, trách nhiệm nghề nghiệp cho HSSV. Bồi dưỡng năng lực tự học, sáng tạo và tự đổi mới tri thức; làm chủ khoa học và công nghệ; có tinh thần lập nghiệp; có ý thức phục vụ nhân dân, phấn đấu trở thành công dân học tập trong nền kinh tế số, xã hội số cho HSSV. Tổ chức hiệu quả các phong trào hành động cách mạng của Đoàn, Hội trong và ngoài nhà trường để giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho HSSV.
Ngoài ra, các đơn vị sẽ tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý và giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống, văn hóa ứng xử cho HSSV; đồng thời, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, giảng viên, giáo viên, cộng tác viên phụ trách công tác giáo dục cho HSSV.