'Gậy ông đập lưng ông': Hạ giá trần dầu Nga xuống 15%, châu Âu sắp phải đi đường vòng mua dầu Nga với giá đắt đỏ?

25/07/2025 20:30

Theo các chuyên gia, các biện pháp mới có thể khiến EU phải trả giá cao hơn cho nhiên liệu nhập khẩu trong khi chưa mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc làm giảm nguồn thu từ dầu mỏ của Nga.

'Gậy ông đập lưng ông': Hạ giá trần dầu Nga xuống 15%, châu Âu sắp phải đi đường vòng mua dầu Nga với giá đắt đỏ?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Gói trừng phạt thứ 18 của Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào lĩnh vực năng lượng của Nga vừa được thông qua với kỳ vọng buộc Moscow chấm dứt xung đột với Ukraine. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các biện pháp mới có thể khiến EU phải trả giá cao hơn cho nhiên liệu nhập khẩu trong khi chưa mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc làm giảm nguồn thu từ dầu mỏ của Nga.

Tâm điểm của gói trừng phạt mới là việc hạ mức giá trần đối với dầu thô của Nga, cụ thể là dầu Ural – loại dầu phổ biến nhất của nước này. Giá trần mới được thiết lập thấp hơn 15% so với giá thị trường, tức khoảng 53 USD/thùng trong bối cảnh giá dầu Ural đang giao dịch ở mức hơn 63 USD. Mục tiêu ban đầu của cơ chế áp giá trần là duy trì nguồn cung cho thị trường thế giới, đồng thời hạn chế doanh thu của chính phủ Nga. Tuy nhiên, phần lớn các nhà xuất khẩu Nga không sử dụng các dịch vụ tàu và bảo hiểm của phương Tây, thay vào đó họ dựa vào các đội tàu trong nước, đội tàu "ngầm" hoặc tàu từ các quốc gia đối tác như Trung Quốc, Ấn Độ. Điều này khiến tác động thực tế của giá trần trở nên hạn chế.

Bên cạnh đó, EU đang nhắm tới các sản phẩm tinh chế từ dầu Nga – vốn tiếp tục chảy vào châu Âu thông qua bên trung gian. Sau khi cấm nhập khẩu trực tiếp dầu từ Nga, nhiều nhà máy lọc dầu tại Ấn Độ đã tận dụng cơ hội mua dầu Nga giá rẻ, chế biến và xuất khẩu sang châu Âu. Theo dữ liệu từ Kpler, năm 2023, khoảng 16% lượng nhiên liệu nhập khẩu của EU, bao gồm dầu diesel và nhiên liệu phản lực, đến từ Ấn Độ – quốc gia mà 34% nguồn dầu nhập khẩu là từ Nga.

Gói trừng phạt mới của EU sẽ cấm các nhà máy lọc dầu Ấn Độ bán nhiên liệu được sản xuất từ dầu Nga cho thị trường châu Âu. Điều này đồng nghĩa với việc EU buộc phải tìm nguồn cung thay thế, chủ yếu từ Trung Đông, trong bối cảnh giá có thể cao hơn và nguồn cung không ổn định. Dù gói trừng phạt vẫn có cơ chế miễn trừ cho một số quốc gia xuất khẩu ròng dầu, nhưng tổng thể, châu Âu sẽ phải trả giá cao hơn để đảm bảo an ninh năng lượng từ các nhà cung cấp được lựa chọn.

Ngoài những tác động kinh tế, chính sách trừng phạt này cũng có thể làm tổn hại đến mối quan hệ chiến lược của EU với các đối tác tiềm năng bao gồm Ấn Độ - đối tác thương mại lớn thứ hai của EU. Trong khi mục tiêu ban đầu của các gói trừng phạt là giảm thu nhập dầu mỏ của Nga mà không gây gián đoạn thị trường, thực tế lại cho thấy hiệu ứng ngược: giá dầu tăng, nguồn cung dịch chuyển, còn EU phải chấp nhận mức chi phí cao hơn để duy trì chính sách trừng phạt.