EU liên tiếp phát cảnh báo về nông sản, thực phẩm Việt Nam

24/02/2025 20:30

Từ đầu năm đến nay, Việt Nam nhận 16 cảnh báo từ Liên minh châu Âu (EU) về các loại thực phẩm. Những cảnh báo này có thể khiến Việt Nam rơi vào nguy cơ mất thị trường xuất khẩu tỷ USD nếu không có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

Ngày 24/2, Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai cấp bách quy định an toàn thực phẩm của thị trường EU.

Nguy cơ thiệt hại lớn cho xuất khẩu

Tại hội nghị, ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam - thông tin, năm 2024 EU phát đi 5.268 cảnh báo mối nguy đối với nông sản thực phẩm toàn cầu, trong đó, Việt Nam có 114 cảnh báo chiếm 2,2% số cảnh báo từ EU và tăng gần gấp đôi năm 2023.

2 tháng đầu năm nay, EU phát đi 624 cảnh báo, trong đó Việt Nam có 16 cảnh báo, chiếm 2,6%. So sánh với 1 quốc gia vùng lãnh thổ có điều kiện tương tự xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang EU như Thái Lan, Indonesia, Malaysia… thì con số 16 này tương đối cao.

“Đáng chú ý, 2 tháng đầu năm, trong số 624 cảnh báo có 8 cảnh báo với thực phẩm mới, trong đó 4 cảnh báo liên quan đến sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, chiếm 50%”, ông Ngô Xuân Nam thông tin.

Phân theo mối nguy cảnh báo nông sản, thực phẩm của Việt Nam xuất khẩu vào EU, dư lượng hóa chất (thuốc trừ sâu và thuốc thú y) vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Năm 2024, trong 114 cảnh báo thì cảnh báo dư lượng hóa chất là 61 cảnh báo (chiếm 53,5%).

2 tháng đầu năm, cảnh báo về dư lượng hóa chất có dấu hiệu giảm xuống, chỉ chiếm 31,3% trong tổng số 16 cảnh báo với Việt Nam, tuy nhiên có dấu hiệu gia tăng đối với phụ gia thực phẩm (chiếm 12,5%) và thực phẩm mới (chiếm 25%). Nguyên nhân do các doanh nghiệp chưa nắm vững được những quy định về thực phẩm mới của thị trường EU.

Nông sản, thực phẩm khi bị vi phạm tùy theo mức độ có thể bị tiêu hủy, thu hồi sản phẩm, thông báo cho nhà xuất khẩu hoặc các hình thức khác. Nếu bị tiêu hủy, thu hồi sản phẩm sẽ gây thiệt hại rất lớn cho nhà xuất khẩu.

EU liên tiếp phát cảnh báo về nông sản, thực phẩm Việt Nam- Ảnh 1.

Quang cảnh hội nghị.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho biết, vừa qua có hiện tượng “đánh cắp” chứng nhận GlobalGAP để xuất khẩu. Điều này rất nguy hiểm, nếu sản phẩm xuất khẩu không đạt sẽ ảnh hưởng đến uy tín ngành hàng, uy tín quốc gia; sản phẩm dễ bị nâng tần suất kiểm soát. Do đó, các doanh nghiệp có chứng nhận cần thận trọng, kiểm soát chặt chẽ chứng nhận của mình.

Cấp bách triển khai nhiều biện pháp

Theo đại diện Văn phòng SPS Việt Nam, các quy định của EU thường được thay đổi và cập nhật liên tục, đặc biệt tính từ đầu năm đã có những cảnh báo từ EU liên quan đến thực phẩm mới. EU không quy định về khối lượng hàng nên đôi khi hàng hóa chỉ vài kilogram cũng bị kiểm tra và cảnh báo nếu vi phạm. Với nhóm hàng đã bị EU cảnh báo ở mức độ cao, nếu chúng ta không có giải pháp kịp thời, cải thiện, thậm chí EU sẽ không cho nhập vào thị trường này.

Để xuất khẩu nông sản được thuận lợi, tránh bị thu hồi hoặc tiêu hủy các sản phẩm, Văn phòng SPS Việt Nam khuyến nghị các doanh nghiệp nên cập nhật thay đổi các quy định của EU thường xuyên. Trước khi xuất khẩu, doanh nghiệp cần có văn bản hỏi Văn phòng SPS Việt Nam để phối hợp với Tổng cục Y tế và An toàn thực phẩm của EU (DG-SANTE) hướng dẫn cụ thể vì các quy định này rất phức tạp và cần tuân thủ theo quy trình cụ thể.

Thời gian tới, Văn phòng SPS Việt Nam sẽ tăng cường cập nhật thông tin và phổ biến các tiêu chuẩn mới của EU đến người sản xuất (nông dân, HTX, doanh nghiệp) thực hiện đáp ứng đầy đủ các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh của thị trường EU...

EU liên tiếp phát cảnh báo về nông sản, thực phẩm Việt Nam- Ảnh 2.

Các sản phẩm tổng hợp nhập khẩu vào thị trường châu Âu đang phải đáp ứng nhiều quy định về an toàn thực phẩm cũng như truy xuất nguồn gốc. Ảnh: POAO.

Cơ quan này sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu, các khâu sản xuất, các cơ sở sơ chế, chế biến, đóng gói, vận chuyển nhằm đảm bảo đáp ứng quy định về các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật. Siết chặt việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh và hóa chất trong sản xuất nông sản, thủy sản; tăng cường kiểm soát tại cửa khẩu, cải thiện quy trình kiểm nghiệm hàng hóa trước khi xuất khẩu, giảm rủi ro bị trả hàng do vi phạm quy định EU; tăng cường truy xuất nguồn gốc và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng.

Văn phòng SPS Việt Nam sẽ tăng cường làm việc với các cơ quan chuyên môn của EU về việc hướng dẫn tuân thủ các quy định mới của thị trường EU, làm rõ việc truy xuất một số doanh nghiệp vi phạm nhưng chưa đầy đủ thông tin. Thông báo kết quả truy xuất nguồn gốc với EU để minh bạch thông tin quản lý an toàn thực phẩm.