Nhiều trạm bê tông sử dụng đất trái quy định
Những năm gần đây, Tp.Biên Hòa là một trong những khu vực có nhiều diễn biến phức tạp về trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Trong đó, địa bàn phường Phước Tân, Tp.Biên Hòa là một phường có nhiều điểm nóng liên quan đến trật tự xây dựng.
Điển hình gần đây như phát hiện có 700 căn nhà xây dựng trái phép liên quan đến việc giải tỏa mặt bằng để thực hiện dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu; phát hiện sai phạm tại Cụm công nghiệp “chui” phường Phước Tân có diện tích khoảng 72ha trên đất trồng rừng; dự án Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài bị phát hiện có nhiều sai phạm về đất đai, xây dựng…
Qua tìm hiểu, PV Người Đưa Tin ghi nhận tại phường Phước Tân có hàng loạt trạm bê tông đang hoạt động trên đất rừng, đất nông nghiệp với diện tích và công suất khác nhau. Việc các trạm bê tông tự ý điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất là trái với quy định của pháp luật. Song song đó, trong quá trình hoạt động làm ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, cũng như đời sống của người dân.
Theo thông tin ghi nhận từ người dân tại khu phố Tân Cang, trước đây xung quanh khu vực này là đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất, không hiểu tại sao các trạm bê tông này xây dựng được.
Từ khi các trạm xây dựng lên thì làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc canh tác, chăn nuôi. Bởi tiếng ồn, bụi bặm khi trộn bê tông và các xe chở bê tông, xe chở vật liệu… ra vào liên tục, làm ảnh hưởng đến khu vực lân cận và khu dân cư sinh sống.
Ghi nhận của PV cho thấy, trạm bê tông đang hoạt tại thửa đất số 83, tờ bản đồ số 32, có mục đích sử dụng đất là đất rừng sản xuất với diện tích 43.101m2. Phía trước trạm bê tông này không để tên, nhưng các xe bồn chở bê tông ra vào đều mang tên Thế Giới Nhà.
Trạm bê tông Công ty TNHH BTNN ANCO đang hoạt động tại thửa đất số 45, tờ bản đồ số 45, có mục đích sử dụng đất là đất rừng sản xuất với diện tích khoảng 9.378m2.
Trạm bê tông Công ty TNHH xây dựng cầu đường Tấn Lộc chi nhánh Biên Hòa – Đồng Nai hoạt động tại thửa đất số 93, tờ bản đồ số 45, có mục đích sử dụng đất là đất trồng cây hàng năm khác với diện tích 8.756m2.
Trạm bê tông Asphalt SIC hoạt động tại thửa đất số 33 và 34, tờ bản đồ số 44, có mục đích sử dụng đất là đất trồng cây hàng năm khác với tổng diện tích khoảng 20.617m2.
Vì lợi ích, phớt lờ quy định pháp luật
Đối với hành vi tự ý chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, căn cứ theo Điều 10 Nghị định 91/2019/NĐ-CP tự ý chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép bị xử phạt với mức tiền như sau từ 3 đến 250 triệu đồng.
Đối với trường hợp tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp: Điều 11 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trông lúa, không phải là đất rừng phòng hộ, không phải là đất rừng đặt dụng, không phải là đất rừng sản xuất vào mục đich khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thì bị xử phạt từ 3 – 200 triệu đồng.
Căn cứ theo Điều 14 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP, trường hợp các cơ sở, dự án hoạt động không có giấy phép môi trường thì sẽ bị phạt tiền từ 30 – 220 triệu đồng và bị đình chỉ hoạt động nguồn phát thải 03 – 06 tháng thậm chí còn có thể bị di dời dự án, cơ sở đến địa điểm khác.
Mặc dù, đã có những quy định cụ thể liên quan đến việc hoạt động cũng như xây dựng. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì mà các trạm này vẫn ung dung hoạt động trong thời gian dài như vậy.
Cũng phải nói thêm, trong quá trình ghi nhận của PV, việc hoạt động trái phép của các trạm bê tông diễn ra liên tục. Hàng ngày có đến hàng trăm lượt xe ra vào, mang đến lợi nhuận không nhỏ cho các doanh nghiệp. Việc hoạt động này không những làm ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, đời sống của người dân mà còn gây thất thoát nguồn ngân sách của Nhà nước, tạo tiền đề xấu cho các doanh nghiệp.
Liên quan đến vụ việc, PV đã liên hệ phản ánh đến Chủ tịch UBND phường Phước Tân là ông Lê Kim Hường, về trạm bê tông đang đổ, xả thải trái phép. Tuy nhiên, ông Hường trả lời với PV rằng: “Em cứ đưa lên đi em? Anh đang bận họp...”. Sau đó, vị này tắt máy.
Câu trả lời của vị Chủ tịch này, khiến dư luận không thể không đặt ra câu hỏi liệu có sự “buông lỏng, thiếu trách nhiệm” trong công tác quản lý tại địa phương hay còn lý do nào khác? Tại sao Chủ tịch UBND phường Phước Tân lại không tiếp nhận thông tin phản ánh sai phạm của trạm bê tông thuộc địa bàn mình quản lý?
Để có thông tin đa chiều hơn, PV đã liên hệ với UBND phường Phước Tân để làm việc. Sau nhiều ngày vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ phía địa phương, PV tiếp tục liên hệ với Chủ tịch UBND phường Phước Tân để trao đổi về nội dung làm việc đã đăng ký trước đó về các trạm bê tông đang hoạt động trên địa bàn và nhận được câu trả lời: “Tôi đang bận họp, có gì để lại thông tin”. Sau đó, vị này tắt máy.
PV Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin.
Đoàn Vũ