Đề xuất TPHCM được tự quyết số lượng cán bộ, công chức phường, xã, thị trấn

24/05/2023 21:00

Chính phủ vừa có báo cáo mới nhất gửi Quốc hội về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Với nhóm chính sách một, Chính phủ đưa ra bảy nhóm cơ chế chính sách được kế thừa từ Nghị quyết số 54 . Trong đó, thành phố được điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí chưa được quy định trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; ngân sách thành phố được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí nêu trên.

TPHCM cũng được quyết định dự toán, phân bổ ngân sách phù hợp với các định hướng cơ cấu lại ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh vực quan trọng theo quy định của Quốc hội và Chính phủ.

Đề xuất TPHCM được tự quyết số lượng cán bộ, công chức phường, xã, thị trấn - Ảnh 1.

Chính phủ đề xuất 27 chính sách mới, đột phá, có tác động lan tỏa cho TPHCM (Ảnh minh hoạ)

Cùng với đó, TPHCM được sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách thành phố để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách và chi thu nhập tăng thêm.

Cũng theo dự thảo mới nhất, TPHCM được áp dụng tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp…

Với nhóm chính sách hai, Chính phủ đề xuất cho phép TPHCM được chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Phân cấp thành phố phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật.

TPHCM được quy định về các chính sách thu hút và giữ chân nguồn nhân lực cho khoa học công nghệ…

Về nhóm ba, Chính phủ đề xuất TPHCM xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn của thành phố để áp dụng tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Quy định nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi hoặc bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc nhà ở, được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi.

Tiếp tục đề xuất lập Sở An toàn thực phẩm

Với nhóm bốn về các cơ chế, chính sách mới, đột phá, có tác động lan tỏa, Chính phủ đưa ra 27 chính sách.

Trong đó, trường hợp TPHCM dự kiến có nguồn thu ngân sách để bố trí tăng chi đầu tư phát triển trong kế hoạch đầu tư công trung hạn thì thành phố được thực hiện trước việc phân bổ nguồn thu này cho các dự án mới, bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn, làm cơ sở bố trí vốn hằng năm và báo cáo Quốc hội vào năm cuối kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Bên cạnh đó, TPHCM được áp dụng thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD): sử dụng ngân sách địa phương để triển khai dự án đầu tư công độc lập để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

TPHCM được mở rộng lĩnh vực áp dụng đầu tư theo phương thức PPP đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa và được chủ động quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của các dự án PPP này.

Thành phố được áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án công trình đường bộ hiện hữu với các điều kiện thực hiện bảo đảm lợi ích của người dân; Được thực hiện dự án đầu tư theo hợp đồng BT thanh toán bằng tiền từ ngân sách thành phố.

Dự thảo nghị quyết cũng cho phép thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon; tín chỉ các-bon được giao dịch với các nhà đầu tư trong nước, quốc tế; nguồn thu từ giao dịch tín chỉ các-bon là nguồn thu ngân sách thành phố hưởng 100%.

Cùng với đó, TPHCM được thành lập Sở An toàn thực phẩm trên cơ sở chuyển chức năng quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm; thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn thành phố từ các sở liên quan cho Sở An toàn thực phẩm.

Quy định số lượng cấp phó của UBND TPHCM và UBND phường, xã, thị trấn, tăng cường tính chủ động và bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của thành phố.

TPHCM được quyết định cơ cấu số lượng cán bộ, công chức tại các phường, xã, thị trấn; quyết định số lượng, chức danh, chế độ chính sách của người hoạt động không chuyên trách tại các phường, xã, thị trấn, bảo đảm tinh gọn tổ chức bộ máy.

Dự thảo nghị quyết của Quốc hội quy định thống nhất về hiệu lực thi hành sau khi nghị quyết được Quốc hội thông qua và được thực hiện trong 5 năm.