Môi trường làm việc áp lực, chế độ đãi ngộ thấp
Ngày 29/10, tại hội trường 2/9 Tp.Pleiku (tỉnh Gia Lai) tổ chức hội nghị tiếp xúc và đối thoại giữa Thường trực HĐND tỉnh với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Gia Lai là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất Tây Nguyên với gần 650.00ha. Tuy nhiên hiện nay, tỉnh Gia Lai đang đối mặt với thách thức lớn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Chính vì, làm việc trong môi trường vất vả, lương thấp khiến nhiều nhân viên bảo vệ rừng xin nghỉ việc.
Ông Nguyễn Thái Lai, cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai chia sẻ, hầu hết các đơn vị giữ rừng tại địa phương đều thiếu biên chế làm việc. Thiếu hụt nguồn nhân lực làm công tác bảo vệ rừng, dẫn đến lực lượng bảo vệ rừng hiện nay phải làm việc gấp nhiều lần so với quy định.
"Hiện, Chi cục Kiểm lâm còn thiếu 39 biên chế công chức so với số biên chế công chức được giao. Không chỉ kiểm lâm, các ban quản lý rừng cũng trong tình trạng tương tự. 22 ban quản lý rừng của tỉnh Gia Lai hiện có gần 500 cán bộ, viên chức, thiếu hơn 200 người so với định mức", ông Lai nói.
Đề xuất đưa vào danh mục nghề nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Chín, Trưởng ban Rừng phòng hộ Hà Ra (huyện Mang Yang) đề xuất, cần xác định quản lý bảo vệ rừng là nghề có tính đặc thù nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm.
Theo ông Chín, những người thực hiện nhiệm vụ gặp rất nhiều khó khăn, vất vả, không có ngày nghỉ hằng tuần, lễ, Tết trọn vẹn.
Các nhân viên phải thường trực 24/24h, luôn phải đối mặt với hiểm nguy, tai nạn lao động có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Ngoài ra, họ thường xuyên phải làm việc ngoài trời, tiếp xúc với côn trùng và vi sinh vật gây bệnh. Mỗi khi chữa cháy hay ngăn chặn các đám cháy có nguy cơ cháy lan vào rừng, họ phải chịu đựng hơi nóng của lửa và khí độc.
Nhiều khi, họ phải đối mặt với lâm tặc manh động, dễ bị các đối tượng hành hung, gây thương tích và làm thiệt hại tài sản của cá nhân và gia đình, nhưng chế độ đãi ngộ chưa có.
Ông Ngô Văn Thắng, Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, cho biết, việc tuyển dụng và giữ chân cán bộ có trình độ gặp nhiều khó khăn.
"Chúng tôi tuyển cán bộ có trình độ, chuyên môn rất khó. Qua thời gian 5 năm đến 10 năm thì hơn 10 cán bộ có trình độ đại học bỏ việc. Chúng tôi phải tuyển các hợp đồng ngắn hạn tham gia, tuy nhiên những người này không có tính gắn bó lâu dài và không đủ chuyên môn để thực hiện yêu cầu nhiệm vụ".
Sau khi nghe ý kiến của các đơn vị bảo vệ rừng, ông Hồ Văn Niên, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai nhấn mạnh, ngoài việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai cần sớm tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Trung ương xem xét, điều chỉnh chế độ đãi ngộ, cải thiện môi trường làm việc đối với lực lượng bảo vệ rừng để góp phần giữ diện tích rừng hiện có của địa phương.
"Nếu như có thể căn cứ các quy định hiện hành, ban hành các quy định đặc thù riêng, thì ngành nông nghiệp đề xuất UBND tỉnh nghiên cứu, thẩm định.
Tuy nhiên, các chính sách đặc thù cũng phải đảm bảo đúng theo các quy định và phù hợp với những vấn đề thực tiễn của địa phương. Có như thế mới tăng cường được công tác quản lý bảo vệ rừng", ông Niên nói.
Trao đổi thêm với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Trường Hải, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Ia Grai (huyện Ia Grai), cho biết: "Hiện nay, công tác quản lý bảo vệ rừng của đơn vị gặp nhiều khó khăn, bởi diện tích được giao quản lý rộng nhưng thiếu hụt nhân lực. Môi trường làm việc rất vất vả, nhiều tổ, chốt bảo vệ rừng đóng chốt giữa rừng sâu. Điều kiện sinh hoạt của anh em rất khó khăn. Nhiều chốt chưa có điện thắp sáng, mùa mưa bị cô lập.
Bên cạnh đó, chế độ lương của kiểm lâm rất thấp. Những năm qua đơn vị đã nhiều lần tuyển dụng nhân viên nhưng không có người ứng tuyển, đến nay vấn thiếu 4 biên chế theo quy định.
Mong sao thời gian tới, lãnh đạo các ngành, các cấp có hướng điều chỉnh phù hợp, thu hút nhân lực về công tác tại các lực lượng bảo vệ rừng. Có như vậy, các anh em đang thực hiện nhiệm vụ mới an tâm công tác, không bỏ việc, nghỉ việc giữa chừng".