Đã khoanh vùng được cháy rừng ở Vườn quốc gia Tràm Chim

12/06/2024 20:30

(Chinhphu.vn) - Khoảng 12h trưa ngày 11/6, Vườn quốc gia Tràm Chim ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp xuất hiện đám cháy rừng lớn, thiêu rụi nhiều diện tích cây ăn trái và rừng tràm.

Theo thông tin ban đầu, đám cháy phát ra từ khu bảo tồn các sinh cảnh đất ngập nước là nơi các loài chim quý cư trú, kiếm ăn (tại phân khu A1 trong Vườn quốc gia Tràm Chim), cách tỉnh lộ 843 khoảng 300m.

Khi khu rừng A1 xảy ra cháy, tạo vùng khói cao cả trăm mét bay mù mịt tràn ra đường kèm bụi than che khuất tầm nhìn trên tỉnh lộ 843 kéo dài khoảng 1km. Do là tuyến giao thông huyết mạch nối các huyện Tam Nông, Tân Hồng, Hồng Ngự và TP Hồng Ngự hướng về biên giới giáp với nước bạn Campuchia đã làm ách tắc giao thông cục bộ.

Khi các phương tiện giao thông đi qua đoạn đường này đã bị khói bụi che khuất tầm nhìn, nên nhiều ôtô, mô tô phải dừng lại hoặc cho xe chạy chậm khi đi qua tuyến đường này.

Ông Nguyễn Hữu Thiện, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Bộ NN&PTNT cho biết, ngay sau khi nghe thông tin về vụ cháy, lãnh đạo Cục Kiểm lâm đã lập tức trao đổi với Giám đốc Vườn Quốc gia Tràm Chim để nắm tình hình.

"Qua báo cáo, đám cháy xảy ra vào trưa nay (11/6) ở khu vực vùng ven của Vườn Quốc gia Tràm Chim, khu vực này có nhiều cây choại (là một loại cây dây leo đặc trưng của rừng tràm), chúng bám vào gốc các cây tràm giống như những bó đuốc, khu vực này vừa trải qua mùa khô, gặp đốm lửa, lại có gió thổi mạnh nên rất dễ phát sinh cháy", ông Thiện nói.

Lực lượng chữa cháy rừng đã dùng nước để phong tỏa đám cháy, cố gắng khu biệt hỏa hoạn, ngăn lửa cháy lan nhằm bảo vệ diện tích rừng tràm còn lại ở Vườn quốc gia. Chính quyền cũng đưa ra phương án xấu nhất là sẽ di dời người dân, nhất là trẻ nhỏ ra khỏi khu vực cháy.

Cũng theo thông tin từ Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm, lực lượng kiểm lâm, quân đội, lực lượng bảo vệ rừng của địa phương và Vườn Quốc gia Tràm Chim đã khoanh vùng được đám cháy và từng bước khống chế. Ông Thiện cho biết thêm, khu vực Nam Bộ đã kết thúc mùa khô, bắt đầu có mưa nhưng do nắng hạn kéo dài, lá, cây bụi bị khô nên rất dễ phát sinh cháy.

Về khả năng ảnh hưởng đến vùng sinh sống của loài sếu đầu đỏ, loài động vật hoang dã quý hiếm ở Vườn Quốc gia Tràm Chim, ông Thiện cho biết, khu vực có sếu đầu đỏ sinh sống là ở khu vực có đồng cỏ năn kim trong khi khu vực cháy là ở vùng ven.

Ông Thiện cũng đưa ra khuyến cáo, dù đã hết mùa khô nhưng người dân cần hết sức cảnh giác khi vào rừng, không được để phát sinh nguồn lửa.

Vườn quốc gia Tràm Chim nằm ở hạ lưu sông Mekong và trung tâm của Đồng Tháp Mười (thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) với hơn 7.300ha, chia thành 5 phân khu chức năng từ A1 đến A5 và phân khu C (dịch vụ hành chính).

Vườn được công nhận là khu Ramsar thứ 2.000 của thế giới. Vườn nằm trong vùng trũng ngập sâu của Đồng Tháp Mười, có khoảng 130 loài thực vật với 6 kiểu quần xã đặc trưng gồm sen, lúa ma, cỏ năn, cỏ ống, mồm mốc và rừng tràm.

Vườn có 130 loài cá, 174 loài thực vật phiêu sinh, 110 loài động vật phiêu sinh, 23 loài động vật đáy, lưỡng cư, bò sát có 44 loài.

Đây là một trong các vùng chim có tầm quan trọng quốc tế của Việt Nam và là nơi kiếm ăn và sinh sống của 232 loài chim, trong đó có 32 loài quý hiếm; 16 loài nằm trong sách đỏ của Liên minh Quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN), trong đó có sếu đầu đỏ - biểu tượng của Vườn Quốc gia Tràm Chim.

Đỗ Hương