Về phía Trung ương, cùng tham dự buổi làm việc với
Chủ tịch nước Lương Cường làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hoá
05/12/2024 17:00
Sáng 5/12, Chủ tịch nước Lương Cường cùng đoàn công tác của Trung ương đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa
Chủ tịch nước dẫn đầu đoàn công tác của trung ương làm việc với tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: BTGTU Thanh Hóa).
Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa báo cáo với Chủ tịch nước và đoàn công tác về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025 và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hàng năm (giai đoạn 2021 - 2024) ước đạt 9,92%. Trong đó, năm 2024 ước đạt 11,72%. Quy mô GRDP (giá hiện hành) năm 2024 ước đạt 318.752 tỷ đồng, gấp 1,7 lần năm 2020, đứng thứ 8 cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2024 ước đạt 3.360 USD, gấp 1,52 lần năm 2020.
Quy mô GRDP (giá hiện hành) năm 2024 ước đạt 318.752 tỷ đồng, gấp 1,7 lần năm 2020, đứng thứ 8 cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2024 ước đạt 3.360 USD, gấp 1,52 lần năm 2020.
Về sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển khá toàn diện. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm (giai đoạn 2021 - 2024) ước đạt 4,05%. Ước đến hết năm 2024, có 15 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM), 377/465 xã đạt chuẩn NTM; 2 huyện và 116 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 27 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 548 sản phẩm OCOP được công nhận.
Thu ngân sách nhà nước tỉnh Thanh Hóa luôn vượt dự toán đề ra. Tổng thu ngân sách giai đoạn 2021- 2024 ước đạt 189.588 tỷ đồng, năm 2024 ước đạt 54.341 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.
Phấn đấu đến năm 2025, Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân chung của cả nước.
Tại buổi làm việc, tỉnh Thanh Hoá đề nghị Chủ tịch nước có ý kiến với Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ nguồn vốn ngân sách Trung ương cho 2 tỉnh Thanh Hóa và Hòa Bình thực hiện đầu tư dự án tuyến đường giao thông nối đường Hồ Chí Minh (tại huyện Ngọc Lặc) với Quốc lộ 6 (tại huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) có chiều dài 109km, tổng kinh phí khoảng 16.500 tỷ đồng.
Đề nghị Chủ tịch nước có ý kiến với Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ giao bổ sung biên chế ngành giáo dục cho tỉnh Thanh Hóa trong năm 2025 và 2026 đảm bảo theo Quyết định số 72-QĐ/TW, ngày 18/7/2022 của Ban Chấp hành Trung ương. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí để tỉnh Thanh Hóa giao hợp đồng lao động giáo viên, nhân viên hành chính theo quy định tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP, ngày 30/12/2022 của Chính phủ.
Đề nghị Chủ tịch nước có ý kiến với Chính phủ xem xét, sửa đổi Nghị định số 76/2019/NĐ-CP theo hướng bổ sung chính sách thu hút đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động công tác ở khu vực miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, với mức phụ cấp 50% mức lương hiện hưởng.
Đề nghị Chủ tịch nước có ý kiến với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh nâng định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước cho lĩnh vực quốc phòng - an ninh trong thời kỳ ổn định ngân sách tiếp theo, nhằm đảm bảo nguồn lực cho các địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ quốc phòng - an ninh trên địa bàn.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương những thành tựu to lớn, đáng tự hào của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã đạt được trong những năm qua.
Chủ tịch nước đồng tình với những đánh giá thẳng thắn về các hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh; đồng thời, cũng thống nhất với những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã xác định trong Báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Đối với nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch nước, đề nghị tỉnh Thanh Hoá cần tiếp tục quán triệt sâu sắc mục tiêu, định hướng phấn đấu đến năm 2030 đưa Thanh Hóa trở thành "Tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo; nông nghiệp giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu và văn hoá, thể thao; một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc", đến năm 2045 là "tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước".