Cảnh báo lừa đảo lao động đi làm việc tại Australia

26/12/2024 17:00

(Chinhphu.vn) - Australia đã quyết định lựa chọn 6 doanh nghiệp Việt Nam tham gia Chương trình hỗ trợ công dân Việt Nam làm việc trong ngành nông nghiệp. Trung tâm Lao động ngoài nước cảnh báo một số đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Australia.

Cảnh báo lừa đảo lao động đi làm việc tại Australia- Ảnh 1.

Bộ LĐTB&XH công bố triển khai thỏa thuận hợp tác lao động giữa Việt Nam và Australia

Trong Công hàm số 1217-2024 gửi Bộ LĐTB&XH, Đại sứ quán Australia thông báo, ngoài Trung tâm Lao động Ngoài nước (COLAB), phía Australia đã quyết định chọn thêm 6 doanh nghiệp Việt Nam tham gia Chương trình Hỗ trợ Công dân Việt Nam làm việc trong ngành nông nghiệp (Chương trình VLMA).

Đó là Công ty TNHH hợp tác lao động và thương mại ISM (ISMLCCCO), Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và cung ứng nhân lực Hoàng Long (HOANGLONG CMS), Công ty cổ phần phát triển nguồn nhân lực LOD (LOD), Công ty cổ phần cung ứng nhân lực quốc tế SONA (SONA), Công ty cổ phần phát triển quốc tế Việt Thắng (VTC CORP) và Công ty cổ phần Mirai International.

Trong đợt đầu tiên, 30 người sẽ được lựa chọn làm việc trong ngành chế biến thịt theo hợp đồng dài hạn, với thời gian tối đa 4 năm. Cơ cấu tuyển chọn bao gồm 60% nam và 40% nữ, nhằm đáp ứng yêu cầu làm việc tại vị trí công nhân giết mổ theo tiêu chuẩn Halal (tiêu chuẩn ẩm thực hồi giáo).

Người lao động Việt Nam sang làm việc sẽ được trả lương hàng tuần. Mức lương khởi điểm áp dụng cho tất cả lao động ở vị trí cấp 1 là 26,5734 AUD/giờ, tối thiểu 38 giờ/tuần (tương đương 422.000/giờ và hơn 16 triệu đồng/tuần), chưa tính thu nhập làm thêm giờ.

Liên quan đến chương trình đưa lao động đi làm việc tại Australia, Trung tâm Lao động Ngoài nước cho biết, thời gian qua đã xuất hiện một số đối tượng mạo danh Trung tâm và Bộ LĐTB&XH để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người lao động có nguyện vọng tham gia.

Đối tượng lừa đảo sử dụng chiêu thức quảng cáo thông tin giả mạo trên các nền tảng mạng xã hội, liên hệ với người lao động qua tin nhắn và yêu cầu chuyển khoản hoặc truy cập vào đường link đăng ký. Khi người lao động nhấp vào đường link, các đối tượng sẽ chiếm quyền sử dụng tài khoản và chiếm đoạt tiền.

Trung tâm Lao động Ngoài nước đã cảnh báo về tình trạng này và làm việc với cơ quan Công an để điều tra, xử lý.

Trung tâm khuyến cáo người lao động chỉ đăng ký tham gia chương trình khi đủ điều kiện tiêu chuẩn, không thông qua trung gian hoặc môi giới và không nộp các khoản chi phí ngoài quy định.

"Kết quả trúng tuyển do công ty tiếp nhận quyết định, nên không có cá nhân hay tổ chức nào có thể tác động", Trung tâm Lao động Ngoài nước khuyến cáo.

Hiện tại, Trung tâm Lao động Ngoài nước không thực hiện giao dịch, cung cấp thông tin, hay tư vấn trên các nền tảng mạng xã hội. 

TC

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Cảnh báo lừa đảo xuất khẩu lao động Hàn Quốc theo thị thực E7Cảnh báo lừa đảo xuất khẩu lao động Hàn Quốc theo thị thực E7
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Bắt giám đốc lừa đảo xuất khẩu lao động đi Australia, Tây Ban NhaBắt giám đốc lừa đảo xuất khẩu lao động đi Australia, Tây Ban Nha