Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng: "Vừa chạy vừa xếp hàng” nhưng không để chậm nhịp phát triển

16/07/2025 20:04

Tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Lâm Đồng Khóa X, nhiệm kỳ 2021 – 2026, lãnh đạo tỉnh, các đại biểu HĐND và đại diện các sở, ngành đã thẳng thắn trao đổi, đóng góp ý kiến nhằm xây dựng một Lâm Đồng mới phát triển toàn diện, vận hành hiệu quả, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn phát triển mới.

Lâm Đồng bước vào kỳ họp HĐND với nhiều kỳ vọng phát triển

Ngày 16/7, tại Tỉnh ủy Lâm Đồng, HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã tổ chức kỳ họp thứ 2, kỳ họp thường lệ giữa năm. Phát biểu khai mạc kỳ họp, ông Trần Hồng Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng cho biết, 6 tháng đầu năm 2025 có ý nghĩa hết sức quan trọng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Lâm Đồng.

Trong 6 tháng qua, với tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng", Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy 3 tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo HĐND tỉnh, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức triển khai, thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ về sắp xếp, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, sáp nhập tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông thành lập tỉnh Lâm Đồng (mới).

Tại kỳ họp, các đại biểu đã nghe HĐND tỉnh Lâm Đồng trình bày các báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2025; thông báo về công tác tham gia xây dựng chính quyền 6 tháng đầu năm 2025 của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng…

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại kỳ họp, ông Lương Thanh Sơn, đại biểu HĐND tỉnh Lâm Đồng cho rằng: “Để xây dựng và phát triển Lâm Đồng sau sáp nhập, điều quan trọng trước tiên là phải xác định rõ các trụ cột phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới. Trong đó, cần ưu tiên nâng cao tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng và thương mại – dịch vụ, xem đây là nền tảng để tạo thế phát triển bền vững và đưa tỉnh ngày càng giàu mạnh.

Tôi kỳ vọng trong 6 tháng còn lại của năm, lãnh đạo các sở, ngành cần chủ động hoạch định cụ thể từng nội dung, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực mình phụ trách, qua đó bảo đảm tốc độ tăng trưởng của tỉnh đạt kết quả cao và thực chất".

Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng: "Vừa chạy vừa xếp hàng” nhưng không để chậm nhịp phát triển- Ảnh 2.

Kỳ họp HĐND tỉnh Lâm Đồng.

“Tôi đề nghị cần tập trung quan tâm việc sắp xếp, ổn định tổ chức bộ máy, bảo đảm vận hành thông suốt, hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, mong muốn lãnh đạo các cấp chú trọng đến đời sống của đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động sau quá trình sắp xếp, điều chuyển từ tỉnh Bình Thuận và Đắk Nông về Lâm Đồng.

Trong thời gian tới, các ngành cần khẩn trương rà soát lại các quy hoạch, chiến lược phát triển của tỉnh. Bởi trước đây, 3 tỉnh có không gian phát triển riêng biệt, còn hiện nay khi đã sáp nhập thì cần xác định lại không gian mới, ưu tiên nguồn lực cho các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm.

Đặc biệt, cần nghiên cứu kỹ lưỡng về vị trí đặt trung tâm hành chính tỉnh sao cho hợp lý, nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong giai đoạn mới", ông Lương Thanh Sơn, đại biểu HĐND tỉnh Lâm Đồng phát biểu.

Phải xác định trụ cột phát triển tỉnh Lâm Đồng mới

Trước ý kiến của đại biểu, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng – ông Trần Hồng Thái nhấn mạnh: "Việc sáp nhập 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông thành tỉnh Lâm Đồng mới mở ra một không gian phát triển với tiềm năng rất lớn. Ngay từ đầu, chúng tôi đã mời các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế đến Lâm Đồng để cùng tham gia định hướng xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh.

Nếu muốn khoa học – công nghệ thực sự trở thành trụ đỡ cho sự phát triển, thì phải thu hút được các nhà khoa học tham gia ngay từ giai đoạn đầu, từ chiến lược, kế hoạch đến quy hoạch phát triển. Chúng tôi sẽ kiến nghị UBND tỉnh và các cấp có thẩm quyền triển khai nội dung này trong thời gian tới".

Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng: "Vừa chạy vừa xếp hàng” nhưng không để chậm nhịp phát triển- Ảnh 3.

Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng - ông Trần Hồng Thái phát biểu tại kỳ họp.

Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng – ông Y Thanh Hà Niê Kđăm nhấn mạnh: "HĐND tỉnh và các đại biểu cần tập trung thảo luận một cách nghiêm túc, trách nhiệm và đưa ra các quyết định chính xác, trên cơ sở vững chắc về pháp lý và thực tiễn.

Đặc biệt, cần chú trọng đến các nội dung liên quan đến tài chính – ngân sách và chế độ, chính sách phục vụ việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy sau sáp nhập. Mục tiêu là bảo đảm hoạt động của chính quyền các cấp không bị gián đoạn, đồng thời không làm ảnh hưởng đến việc phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh".

Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng: "Vừa chạy vừa xếp hàng” nhưng không để chậm nhịp phát triển- Ảnh 5.

Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng – ông Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp.

Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng – ông Y Thanh Hà Niê Kđăm nhấn mạnh: "Tôi đề nghị UBND tỉnh tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy trình, thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, thuận tiện và nhanh chóng, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh thay đổi cơ cấu tổ chức sau sáp nhập. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng người dân phải đi lại nhiều lần, gặp phiền hà do vướng mắc thủ tục.

Bên cạnh đó, cần đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhằm nâng cao năng lực, phẩm chất, xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn cao và tác phong làm việc chuyên nghiệp, tận tụy phục vụ Nhân dân.

Với quyết tâm chính trị cao và hành động quyết liệt, tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức để xây dựng tỉnh Lâm Đồng mới phát triển mạnh mẽ, toàn diện, tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có".

Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng – ông Trần Hồng Thái cho biết, những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2025 là rất đáng khích lệ và trân trọng. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP đạt 5,97%) chưa đạt kịch bản đề ra, tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của tỉnh; hoạt động sản xuất, kinh doanh, công nghiệp - xây dựng vẫn còn nhiều khó khăn. Giải ngân vốn đầu tư công còn thấp so với kế hoạch (dự kiến đạt 22,7% kế hoạch), đòi hỏi phải có giải pháp đột phá trong 6 tháng cuối năm; Công tác chuẩn bị đầu tư chất lượng thấp, còn chủ quan, thiếu quy hoạch; chưa giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; Năng lực của chủ đầu tư, nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn còn hạn chế. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tình hình an ninh, trật tự trên một số địa bàn vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp.