Cảnh giác bẫy lừa đảo bằng hình thức xuất khẩu lao động

14/12/2024 08:30

Ngày 13/12, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã đưa ra cảnh báo để người dân tránh sập bẫy lừa đảo bằng hình thức xuất khẩu lao động.

Theo Công an tỉnh Hà Tĩnh, lợi dụng nhu cầu tìm kiếm việc làm của người dân, nhất là nhu cầu đi xuất khẩu lao động tại nước ngoài với mong muốn có mức lương cao, các đối tượng đã đưa ra những lời mời chào đầy hấp dẫn và ngon ngọt để lừa đảo chiếm đoạt tiền của người lao động.

Trong khi đó, người lao động thiếu kiến thức, thiếu thông tin liên quan đến các quy định về xuất khẩu lao động, nhưng lại muốn đi nhanh với chi phí thấp cho nên đã tìm đến các đường dây đưa người đi lao động bất hợp pháp và tự biến mình trở thành nạn nhân của hành vi lừa đảo.

Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an huyện Kỳ Anh đã phá chuyên án, tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Thanh Thúy (SN 1987, trú tại số 269/81, ấp Phụng Đức, xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cảnh giác bẫy lừa đảo bằng hình thức xuất khẩu lao động- Ảnh 1.

Nguyễn Thị Thanh Thúy tại cơ quan công an.

Quá trình vào cuộc xác minh, cơ quan công an xác định, do cần tiền tiêu xài cá nhân nên Thúy đã đưa ra thông tin giả mạo rằng bản thân đang ở Dubai và làm quản lý một siêu thị kinh doanh trái cây. Siêu thị nơi Thúy làm việc hiện đang cần tuyển công nhân làm ở nhiều vị trí như lái máy vận chuyển, đứng quầy bán, sắp xếp, phân loại trái cây,…

Thúy "nổ" rằng có khả năng làm hồ sơ thủ tục để đưa người sang Dubai làm việc với mức lương trung bình từ 3500 đến 4000 USD/tháng.

Với những thông tin "ảo" đầy hấp dẫn được Thúy đưa ra, nhiều người đã tin tưởng và chuyển tiền đặt cọc cho Thúy để xin làm thủ tục. Bằng thủ đoạn trên, Thúy đã chiếm đoạt của 25 người với tổng số tiền lên đến gần 900 triệu đồng.

Trước đó, vào ngày 10/10/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Anh cũng đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Trần Hữu Đạt (SN 1991, trú tại phường Ba Đình, Thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cảnh giác bẫy lừa đảo bằng hình thức xuất khẩu lao động- Ảnh 2.

Đạt tại cơ quan công an.

Theo tài liệu điều tra, Trần Hữu Đạt mặc dù không có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng do Cục Quản lý lao động ngoài nước cấp nhưng vẫn nhận tiền, sau đó sử dụng các mối quan hệ cá nhân để làm thủ tục xin cấp Visa cho những công dân có nhu cầu đi xuất khẩu lao động tại Hungary.

Thời gian từ tháng 10 đến tháng 11/2023, N.Đ.H (trú tại xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), B.T.Q (trú tại thị trấn Đức Thọ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) và N.Đ.H (trú tại xã Lâm Hợp, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) lần lượt liên hệ trao đổi nhờ Trần Hữu Đạt giúp làm hồ sơ đi xuất khẩu lao động Hungary.

Biết mình không có khả năng liên hệ để làm thủ tục xin cấp Visa nhưng do đang cần tiền để trả nợ và tiêu xài cá nhân nên Đạt vẫn đưa ra các thông tin gian dối để nhằm chiếm đoạt tiền của các bị hại.

Do tin tưởng nên các bị hại đã nhiều lần chuyển tiền cho Trần Hữu Đạt để làm hồ sơ theo yêu cầu của Đạt. Bằng các thủ đoạn trên, Đạt đã chiếm đoạt hơn 1,1 tỷ đồng của các bị hại.

Sau khi nhận số tiền trên, Đạt không sử dụng vào mục đích làm hồ sơ xuất khẩu lao động như đã cam kết mà chiếm đoạt sử dụng vào mục đích cá nhân.

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Bắt nữ Phó phòng ở TP.HCM lừa đảo hơn 23 tỷ đồngBắt nữ Phó phòng ở TP.HCM lừa đảo hơn 23 tỷ đồng

T.M