
Miền Trung đang vào mùa nắng nóng, nguy cơ cháy rừng cao - Ảnh: VGP/Lưu Hương
'4 tại chỗ' và '5 sẵn sàng'
TP. Huế hiện có hơn 100.000 ha rừng trồng, trong đó hơn 77.000 ha có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng vào mùa nắng nóng, đặc biệt là khu vực trọng điểm rừng trồng thông (hơn 4.700 ha) và rừng trồng cây bản địa (hơn 6.600 ha).
Huế đã xác định được 5 vùng trọng điểm cháy rừng, gồm: Bắc Hải Vân; quận Thuận Hóa - thị xã Hương Thủy; quận Phú Xuân, thị xã Hương Trà và tuyến Quốc lộ 49 thuộc địa phận thị xã Hương Trà; A Lưới và tuyến Quốc lộ 49 thuộc địa phận huyện A Lưới; thị xã Phong Điền – huyện Quảng Điền.
Chi cục Kiểm lâm TP. Huế cho hay, vào mùa hè, tình trạng khô hạn kéo dài khiến nhiều hồ chứa nước, khe suối bị cạn kiệt, làm cho thảm thực bì trên mặt đất khô, dễ bắt lửa và dẫn đến cháy rừng. Đặc biệt, phần lớn diện tích rừng trồng nằm ở các khu vực địa hình núi cao, độ dốc lớn, gây khó khăn trong việc di chuyển và tiếp cận đám cháy, khiến công tác PCCCR càng trở nên phức tạp.
Thời gian qua, Huế đã chủ động triển khai đồng bộ và quyết liệt nhiều giải pháp phòng chống cháy rừng, trong đó phương châm "4 tại chỗ" (lực lượng, phương tiện, hậu cần, chỉ huy) và "5 sẵn sàng" (lực lượng, phương tiện, hậu cần, chỉ huy và thông tin) phát huy hiệu quả rõ rệt.
Ông Lê Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP. Huế cho biết, các phương châm "4 tại chỗ" và "5 sẵn sàng" là nguyên tắc cơ bản giúp huy động và tổ chức lực lượng, phương tiện hiệu quả ngay tại chỗ, kịp thời xử lý các tình huống cháy rừng, đặc biệt ở các địa bàn có nguy cơ cao.
"TP. Huế có diện tích rừng trồng có nguy cơ cháy tương đối lớn, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thời tiết khô nóng, gió Lào vào mùa hè làm tăng nguy cơ cháy rừng. Trong khi đó, địa hình đồi dốc, chia cắt phức tạp, nên việc áp dụng phương châm này cho phép các lực lượng và người dân triển khai nhanh chóng đến vị trí cháy, đồng thời thông qua lực lượng tại chỗ có thể hỗ trợ lực lượng ứng cứu tiếp cận đám cháy một cách hiệu quả", ông Tuấn đánh giá.

Sẵn sàng phương tiện ứng phó, giảm thiệt hại cháy rừng - Ảnh: VGP/Lưu Hương
Phòng ngừa là chính, chữa cháy phải kịp thời
Để bảo vệ an toàn diện tích rừng và hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, các địa phương đang thực hiện phương châm "phòng là chính, chữa cháy kịp thời".
Tỉnh Quảng Bình có tổng diện tích đất lâm nghiệp 650.154 ha, trong đó, rừng đặc dụng 144.311 ha, rừng phòng hộ 151.742 ha, rừng sản xuất 317.828 ha và diện tích ngoài quy hoạch 3 loại rừng nói trên 36.273 ha. Tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 68,54%.
Với phương châm "phòng cháy hơn chữa cháy", ngay từ đầu mùa khô, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững chỉ đạo các đơn vị, địa phương, chủ rừng triển khai các giải pháp, như: Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn chủ rừng vệ sinh rừng, xử lý thực bì nhằm giảm vật liệu cháy trước mùa khô; củng cố các tổ, đội xung kích PCCCR tại cơ sở; xây dựng phương án bảo vệ rừng theo phương châm "4 tại chỗ".
Hiện Ban Chỉ đạo của tỉnh đã chỉ đạo lực lượng kiểm lâm và các đơn vị chủ rừng thường xuyên tổ chức trực PCCCR, theo dõi điểm cháy qua ảnh vệ tinh và tiếp nhận thông tin báo cháy. Vào những ngày nắng nóng gay gắt, các lực lượng trực 24/24 giờ tại các chòi canh và thực địa ở các khu vực trọng điểm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm yêu cầu các đơn vị, chính quyền cơ sở, các chủ rừng tập trung bảo vệ rừng, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, dụng cụ và hậu cần để sẵn sàng ứng phó khi có cháy rừng xảy ra trong mùa nắng nóng.
Tại Quảng Ngãi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền yêu cầu chính quyền các xã, phường, thị trấn, các chủ rừng và lực lượng chức năng cơ sở thực hiện nghiêm về PCCCR. Cần tăng cường kiểm tra, giám sát công tác PCCCR, trong đó lấy phòng ngừa là chính, chữa cháy phải kịp thời; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng lửa trong và gần rừng, nhất là các hoạt động đốt nương làm rẫy, xử lý thực bì bằng lửa, đặc biệt trong thời điểm nắng nóng, khô hạn kéo dài.
Các địa phương cũng chủ động rà soát, bổ sung phương án, kế hoạch PCCCR, xác định rõ vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao; bố trí lực lượng, phương tiện theo phương châm "4 tại chỗ" và "3 sẵn sàng" (phòng ngừa chủ động, ứng cứu kịp thời, khắc phục hậu quả). Khi phát hiện cháy, cần khẩn trương huy động lực lượng tại chỗ để xử lý, không để cháy lan rộng, cháy lớn hoặc kéo dài nhiều ngày.
Sở Nông nghiệp và Môi trường theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, đặc biệt tại các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao; kịp thời cung cấp thông tin cho các địa phương để chủ động thực hiện các phương án PCCCR; lực lượng kiểm lâm tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý kịp thời các nguy cơ cháy rừng; tổ chức kiểm tra an toàn PCCCR tại các khu vực thường xuyên xảy ra cháy.
Sẵn sàng hỗ trợ địa phương lực lượng, trang thiết bị, thông tin điểm cháy và công tác chỉ huy khi có cháy lớn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong dự báo, cảnh báo và phát hiện sớm cháy rừng.
Lưu Hương