Buồn chuyện gia đình, nam thanh niên ăn lá ngón tự tử
Sáng 13/11, thông tin từ UBND xã Tri Lễ (huyện Quế Phong, tỉnh
13/11/2024 12:30
Buồn chuyện gia đình, nam thanh niên ăn lá ngón tự tử
Sáng 13/11, thông tin từ UBND xã Tri Lễ (huyện Quế Phong, tỉnh
Bác sĩ Lê Anh Đức cứu nam thanh niên bằng bài thuốc lá ngón tự sáng tạo. Ảnh Anh Bách.
Thông tin ban đầu, do buồn bực trong sinh hoạt gia đình, chiều 12/11, anh V.B.D. (SN 2001), trú tại bản Huồi Mới, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong đã vào rừng hái lá ngón ăn.
Gia đình kịp thời phát hiện và đưa đến Trạm Y tế xã Tri Lễ. Nhận được thông tin, Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN), bác sĩ Lê Anh Đức, nhân viên quân y Đồn Biên phòng Tri Lễ đã mang bài thuốc tự sáng chế phối hợp với các nhân viên Trạm Y tế xã cấp cứu cho nam thanh niên.
Sau hơn 1 tiếng đồng hồ, nam thanh niên đã qua cơn nguy kịch. Hiện, bệnh nhân vẫn đang được theo dõi tại Trạm Y tế xã Tri Lễ.
Đây là trường hợp thứ 27 ăn lá ngón được cứu sống từ bài thuốc do Thiếu tá QNCN, bác sĩ Lê Anh Đức sáng chế.
Bài thuốc quý "đặc trị" lá ngón
Xã biên giới Tri Lễ có diện tích tự nhiên rộng lớn, với dân số chủ yếu là đồng bào các dân tộc: Thái, Mông và Khơ Mú sinh sống.
Vì vậy, bác sĩ quân y Lê Anh Đức được chính quyền địa phương đề nghị Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Nghệ An điều động tăng cường về đây thực hiện nhiệm vụ.
Bác sĩ Lê Anh Đức cho biết, do trình độ dân trí còn nhiều hạn chế nên mỗi khi gặp chuyện buồn trong cuộc sống hay mâu thuẫn gia đình, nhiều người dân tìm đến lá ngón để tự "giải thoát", dẫn đến nhiều cái chết thương tâm.
Những cảnh ngộ đó thôi thúc anh Đức cùng đồng đội nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu tài liệu, áp dụng tổng hợp các phương pháp dân gian cứu người.
Bác sĩ Đức thông tin, trong quá trình nghiên cứu và thử nghiệm, các anh phát hiện ra trong nước thân cây chuối và nước rau má tươi có chất ức chế chất độc của lá ngón, khi đổ hỗn hợp nước này vào dạ dày nạn nhân phải nhanh chóng kích thích giúp họ nôn ra hết.
Nạn nhân bị ngộ độc lá ngón đầu tiên được anh Đức cứu sống thành công bằng bài thuốc này là anh Lô Văn X. (SN 1997, bản Yên Sơn, xã Tri Lễ). Thời điểm nạn nhân được người thân đưa đến Trạm quân dân y kết hợp trong tình trạng da tím tái, suy hô hấp.
Đứng trước sự lựa chọn sinh tử đó, bác sĩ Đức quyết định sử dụng bài thuốc dân gian để loại bỏ nhanh nhất có thể độc tố trong dạ dày nạn nhân.
Sau 2 giờ cấp cứu tích cực, thể trạng bệnh nhân dần ổn định, không còn nguy kịch đến tính mạng.
"Tiếng lành đồn xa", bài thuốc của bác sĩ Đức được áp dụng phổ biến tại các trạm quân dân y trên toàn tuyến biên giới tỉnh Nghệ An và cứu sống thêm rất nhiều trường hợp ngộ độc lá ngón.
Cứu người là việc quan trọng nhưng điều anh Đức luôn trăn trở là ngăn chặn bi kịch ngay từ gốc rễ, phải làm thay đổi nhận thức của bà con vùng cao để họ "nói không với lá ngón".
Vì vậy, hằng năm, anh cùng đồng đội kết hợp với địa phương tổ chức tuyên truyền về tác hại của cây lá ngón cho bà con dân tộc thiểu số, tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra.
Với nhiều đóng góp trong suốt quá trình công tác, Thiếu tá, bác sĩ Lê Anh Đức đã được các cấp, các ngành tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen, danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Mới đây, Thiếu tá Lê Anh Đức là một trong 68 cá nhân tiêu biểu được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 623-NQ/ QUTW ngày 29/10/2012 của Quân ủy Trung ương.