Huy động mọi nguồn lực
Tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, cơn bão số 3 đã gây ra thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là 5.700 ha cây ăn quả bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Sau khi nước lũ rút, chính quyền địa phương cùng người dân đã khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả.
Theo lời chị Chu Thị Thoa, một người dân tại thôn Chể (xã Phượng Sơn), dù đã được Phòng Nông nghiệp, huyện Lục Ngạn hướng dẫn khắc phục thiệt hại, nhưng quy mô tổn thất quá lớn, rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng trong việc cung cấp cây giống để có thể gieo trồng hiệu quả.
Cùng với đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Lục Ngạn đã huy động các lực lượng chức năng, phối hợp với chính quyền địa phương và cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 575 (Quân khu 1) để hỗ trợ các doanh nghiệp nhanh chóng dọn dẹp nhà xưởng, khôi phục sản xuất.
Theo Thiếu tá Phạm Văn Hồng, Chính trị viên Tiểu đoàn 5, Lữ đoàn 575, các lực lượng đã làm việc khẩn trương với tinh thần trách nhiệm cao, nhằm đảm bảo tiến độ khắc phục hậu quả thiên tai.
Tại huyện Lục Nam, hàng trăm cán bộ của Công ty Điện lực cũng được huy động để nhanh chóng khôi phục điện sinh hoạt và sản xuất cho người dân. Giám đốc Điện lực Lục Nam Nguyễn Văn Hoan thông tin, các nhân viên đã làm việc không ngừng nghỉ, cả ngày lẫn đêm, để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, giúp cuộc sống người dân sớm trở lại bình thường.
Bên cạnh việc khắc phục thiệt hại trước mắt, huyện Hiệp Hòa cũng đang triển khai kế hoạch tái thiết dài hạn để người dân có thể ổn định sản xuất cây trồng, vật nuôi và môi trường bền vững.
Theo thống kê, gần 200 ha diện tích nuôi trồng thủy sản và hơn 30.000 vật nuôi tại Hiệp Hòa đã bị chết do bão lũ. Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa Nguyễn Xuân Thảo đã thành lập Tổ công tác để chỉ đạo khắc phục hậu quả.
Ông Thảo cho hay, huyện đã hướng dẫn người dân lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, tiêm phòng đầy đủ vaccine và giám sát chặt chẽ dịch bệnh. Huyện cũng huy động các nguồn lực từ ngân sách địa phương và quỹ phòng chống thiên tai để hỗ trợ người dân tái đàn và ổn định sản xuất.
Vấn đề ô nhiễm môi trường cũng đang được chú trọng. Nhiều khu vực chuồng trại chăn nuôi và giếng nước bị ngập sâu có nguy cơ gây ô nhiễm nghiêm trọng. Sau khi nước rút, ngành y tế đã phối hợp với chính quyền địa phương để xử lý môi trường và hướng dẫn người dân cách sử dụng Cloramin B để làm sạch nước sinh hoạt.
Ông Hoàng Văn Thìn, Trưởng phòng Y tế huyện Hiệp Hòa chia sẻ: "Chúng tôi đã phân công từng tổ công tác đến các xã, thị trấn để hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường và cấp phát thuốc, hóa chất miễn phí. Hơn 1 tấn Cloramin B đã được phân phối cho 14 xã để xử lý nguồn nước và rác thải sau lũ".
Ngoài ra, các trạm y tế xã, thị trấn cũng đã được trang bị đầy đủ vật tư y tế để đảm bảo công tác khám, chữa bệnh và cấp cứu cho người dân 24/24 giờ. Trung tâm y tế huyện cũng đang tập trung xử lý xác động vật chết do bão lũ theo quy định, tránh nguy cơ phát sinh dịch bệnh.
Đại diện Phòng Y tế cũng cho rằng, một trong những nhiệm vụ cấp bách là đảm bảo nguồn nước sạch cho người dân vùng ngập lũ để tránh nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Tiếp tục nỗ lực để người dân có nguồn nước sạch sử dụng, đảm bảo an toàn sức khỏe và ổn định cuộc sống sau thiên tai.
Khôi phục sản xuất nông nghiệp
Sau cơn bão số 3, tỉnh Bắc Giang đang gấp rút triển khai nhiều biện pháp nhằm khắc phục hậu quả, đảm bảo sản xuất nông nghiệp và ổn định đời sống người dân. Ông Đặng Văn Tạng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Giang cho biết, các biện pháp chăm sóc và thu hoạch lúa sau bão đang được chỉ đạo thực hiện khẩn trương.
Ông Tạng cũng khuyến cáo, trong giai đoạn lúa đang trổ bông chín, nhà nông cần tập trung tháo cạn ruộng lúa. Những nơi lúa bị đổ cần buộc túm, tạo thế chân kiềng để tránh lúa bị đổ rạp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hoạch.
Với diện tích lúa đang trong giai đoạn cuối đẻ nhánh, ngừng bón phân đạm, tăng cường bón kali và các vi lượng để cây phát triển tốt. Đối với những ruộng bị ngập nước, cần điều chỉnh mực nước, thoát nước kịp thời và rửa lá để cây lúa không bị nhiễm rong rêu và bùn đất. Đồng thời, cần tập trung xử lý các đối tượng dịch hại như bệnh lùn sọc đen, bệnh đốm sọc vi khuẩn, sâu cuốn lá, sâu đục thân và tập đoàn rầy gây hại cho lúa.
Cũng theo ông Đinh Đức Cảnh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Giang, hiện tại các nhu yếu phẩm cho người dân trong tỉnh đã được đảm bảo sau cơn bão. Tuy nhiên, trọng tâm lúc này là khắc phục hậu quả để người dân có thể sớm ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất. Ông nhấn mạnh rằng, phương thức hỗ trợ cần được điều chỉnh và tập trung vào việc cung cấp kinh phí hoặc các vật dụng gia đình thiết thực, nhằm giúp người dân ổn định sản xuất và sinh hoạt một cách bền vững trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương đề nghị, ngành nông nghiệp cần theo dõi sát tình hình mưa lũ, kịp thời tham mưu xử lý các sự cố sạt trượt đê điều, nhất là ở những bãi sông khi nước rút, dễ dẫn đến nguy cơ sạt lở. Ngành nông nghiệp cũng cần thống kê thiệt hại và đánh giá lại hệ thống đê điều, hồ, trạm bơm để xác định các khu vực cần sửa chữa. Ngành giao thông vận tải cũng được yêu cầu khẩn trương tham mưu và chỉ đạo khắc phục các sự cố sạt lở, nứt đường, đảm bảo an toàn giao thông cho người dân trong quá trình di chuyển.
Công tác tái thiết sau cơn bão số 3 vẫn còn nhiều thách thức phía trước, nhưng với sự đoàn kết, quyết tâm của chính quyền và nhân dân, tỉnh Bắc Giang đang từng bước hồi sinh, hướng tới một cuộc sống ổn định và bền vững hơn sau trận lũ lịch sử.
Cơn bão số 3 tại tỉnh Bắc Giang đã khiến 2 người tử vong, 14 nghìn hộ gia đình với khoảng 42 nghìn người phải di dời khẩn cấp, hàng chục nghìn ha hoa màu bị ngập đổ, nhiều công trình hạ tầng cơ sở bị hư hỏng…ước tính thiệt hại lên đến 5.400 tỷ đồng.
Văn Hiền - Vân Anh