Xử lý nghiêm xe máy cũ nát

04/06/2020 15:24

Một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường tại Hà Nội đã được "chỉ mặt" là do khí thải từ xe máy, nhất là xe cũ nát. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có giải pháp hiệu quả để khắc phục tình trạng này. Vì vậy, ngoài đề xuất là đưa quy định kiểm tra định kỳ khí thải đối với xe máy tham gia giao thông, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, thu hồi, xử lý nghiêm xe máy cũ nát.

Những chiếc xe "có một không hai"

"Muốn “mục sở thị” các loại xe máy cũ nát, cứ đến các chợ sẽ thấy cả đống” - lời “mách nước” này quả không sai khi chúng tôi tới chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm). Hàng chục chiếc xe máy cũ nát, hoen gỉ, nhiều linh kiện tự chế dựng ngổn ngang thành hàng dài. Chỉ tay vào chiếc xe máy Dream cũ, chị Nguyễn Thị Lan, xã Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng) bán hàng rau tại chợ cho biết: "Ngày nào nó cũng "cõng" hơn tạ rau, chưa kể hai vợ chồng tôi. Xe không tốn xăng, không lo bị mất cắp".

Tại vỉa hè sát chợ tạm Khu tái định cư Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy), hàng chục chiếc xe máy cũ nát, nhiều xe không còn màu sơn, tên hãng, đến biển số cũng quăn tít... Anh Trịnh Văn Hà, xã Cát Quế (huyện Hoài Đức) bán gia cầm tại đây cho biết: "Tôi đi chở hàng nên mua xe máy cũ giá 3 triệu đồng, nếu mất cũng đỡ tiếc". Khi được hỏi về đăng ký xe, anh Phan Văn Quyền, bán hàng tại chợ nói: "Xe cũ làm gì có đăng ký. Nếu bị lực lượng chức năng kiểm tra, tôi sẽ bỏ xe để đỡ bị nộp phạt".

Xe máy cũ nát có "một không hai" còn xuất hiện nhiều trên các tuyến đường, phố, đặc biệt là các tuyến phố kinh doanh đồ gỗ nội thất, sơn... Trưa 2-6, phóng viên Báo Hànộimới chứng kiến dọc đường Đê La Thành (quận Ba Đình), có rất nhiều xe máy cũ buộc đồ gỗ cao quá đầu đi giao cho khách. Còn ở các tuyến đường vành đai, cửa ngõ Thủ đô như Đại lộ Thăng Long, Phạm Văn Đồng... cũng xuất hiện nhiều xe máy cũ nát lưu thông, nhả khói đen kịt, kèm theo tiếng nổ lớn đinh tai nhức óc.    

Thu hồi, xử lý nghiêm

Xe máy cũ ngang nhiên chở hàng cồng kềnh lưu thông trên đường phố của Hà Nội. Ảnh: Dung Nga

Theo thống kê của Công an thành phố Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có hơn 44.000 xe máy có niên hạn 30 năm; trên 10.500 xe niên hạn hơn 40 năm; gần 480 xe niên hạn trên 50 năm. Trao đổi về vấn đề này, Phó Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam) Đặng Trần Khanh thông tin, hiện đang tồn tại bất cập là chủ phương tiện của những chiếc xe "có một không hai" này không chú trọng bảo dưỡng định kỳ, do chưa có quy định xe máy phải kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; không quy định niên hạn sử dụng nên cơ quan chức năng không có căn cứ xử lý vi phạm ảnh hưởng đến môi trường.

Còn Trung tá Vũ Văn Ngoại, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 2 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội) cho biết, Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg (ngày 22-5-2015) của Thủ tướng Chính phủ quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ nêu rõ, từ ngày 1-1-2018, mô tô, xe gắn máy cũ sử dụng sẽ bị thu hồi. Song, hiện chưa có quy định nào yêu cầu niên hạn sử dụng đối với mô tô, xe gắn máy. Vì vậy, không có căn cứ, cơ sở pháp lý để xử lý, thu hồi phương tiện.

Đưa ra giải pháp về vấn đề này, Trung tá Vũ Văn Ngoại cho hay, lực lượng cảnh sát giao thông vẫn thường xuyên tăng cường kiểm tra, xử lý và thu hồi các xe máy cũ nát, không có giấy tờ xe, đăng ký. Tuy nhiên, với những xe máy cũ nát lưu thông trên đường vẫn có giấy tờ xe đầy đủ thì lực lượng chức năng khó xử lý. Do vậy, ngoài các biện pháp mạnh như xử phạt, thu hồi xe về bãi xe vi phạm khi xe không có giấy tờ, lực lượng cảnh sát giao thông còn tập trung nhắc nhở, tuyên truyền để người tham gia giao thông không sử dụng xe cũ nát để bảo đảm an toàn giao thông cho bản thân và người đi đường; đồng thời tránh gây ô nhiễm môi trường.

Trung tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 12 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội) cho biết, một giải pháp quan trọng nữa là cần quy định cấp giấy chứng nhận khí thải cho mô tô, xe máy để làm căn cứ cho lực lượng chức năng xử lý theo quy định.

Trước những bất cập trong việc xử lý xe máy cũ nát, theo Phó Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ Giao thông - Vận tải) Đặng Trần Khanh, mới đây Cục Đăng kiểm Việt Nam đã đề xuất đưa quy định kiểm tra định kỳ khí thải đối với xe máy tham gia giao thông tại dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Theo đó, các khâu đăng kiểm, kiểm tra định kỳ sẽ sàng lọc, dán tem đạt chuẩn khí thải, góp phần kiểm soát, hạn chế ảnh hưởng và ô nhiễm môi trường.

Nhằm xử lý triệt để xe máy cũ nát còn lưu thông, ngoài sự vào cuộc của lực lượng cảnh sát giao thông, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân khi tham gia giao thông. Làm sao cho họ hiểu, việc sử dụng xe máy cũ nát để chuyên chở hàng hóa vừa mất an toàn cho bản thân và người khác, vừa gây ô nhiễm môi trường.

Kim Vũ- Bảo Nga

Nguồn