Xử lý mọi vướng mắc kỹ thuật để đẩy mạnh thương mại nông sản

23/10/2024 12:30

(Chinhphu.vn) - Ngày 22/10, Bộ NN&PTNT đã có cuộc làm việc với Tham tán Nông nghiệp và cán bộ của các Đại sứ quán nhiều nước để phối hợp với các Đại sứ quán trong vấn đề tiếp cận, mở cửa thị trường nông sản quốc tế.

Xử lý mọi vướng mắc kỹ thuật để đẩy mạnh thương mại nông sản- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu tại cuộc gặp gỡ, trao đổi với các Tham tán Nông nghiệp hôm nay (22/10) - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Cuộc làm việc có Tham tán Nông nghiệp các nước: Hoa Kỳ, Australia, Brazil, Singapore, Pháp, Hàn Quốc, Ý, Tây Ban Nha, Argentina, Đan Mạch, Hà Lan.

Nội dung cuộc gặp xoay quanh việc thúc đẩy nông sản giữa Việt Nam và các quốc gia, quan tâm, phối hợp với các Đại sứ quán trong vấn đề tiếp cận, mở cửa thị trường nông sản hai bên. Trong đó, Tham tán các nước cho rằng việc áp dụng thông tư có thể làm chậm việc đăng ký doanh nghiệp được phép xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt sang Việt Nam, làm chậm việc thông quan hàng hóa vào Việt Nam. Từ đó, gây ảnh hưởng đến mở cửa thị trường với sản phẩm mới, hay một số sản phẩm đã được xuất khẩu sang Việt Nam nay bị gián đoạn…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết "Việc tổ chức xây dựng Thông tư số 04/2024/TT-BNNPTNT đã được thực hiện đúng, đầy đủ về trình tự thủ tục theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, truyền thông chính sách và triển khai thực hiện".

Về triển khai Thông tư 04, ông Chu Nguyên Thạch, Trưởng phòng Kiểm dịch động vật, Cục Thú y, cho biết, các quốc gia ngoài EU có thời gian xử lý hồ sơ trong 30 ngày làm việc, trong khi các quốc gia EU tuân theo Hiệp định EVFTA, với thời gian xử lý hồ sơ trong 45 ngày làm việc. Tuy nhiên, có một số khó khăn trong việc đối chiếu giữa tên sản phẩm chung và cụ thể trên giấy chứng nhận kiểm dịch, gây khó khăn cho các cơ quan kiểm dịch tại cửa khẩu.

Cục Thú y đã có văn bản gửi Đại sứ quán và cơ quan có thẩm quyền của các nước đề nghị cập nhật Danh mục các sản phẩm động vật với tên gọi cụ thể nhằm bảo đảm thống nhất giữa các loại doanh sách, giấy chứng nhận…theo quy định tại Thông tư số 01 và Thông tư số 04.

Đến nay, có 12/26 quốc gia đã gửi lại Danh mục với hàng nghìn sản phẩm động vật với tên gọi cụ thể. Danh sách rất dài và rất nhiều, do đó Cục Thú y đang tập trung rà soát, đối chiếu để cập nhật và công bố Danh mục này trên trang web của Cục Thú y.

Về kết quả xét nghiệm chỉ tiêu Salmonella và E.coli đối với sản phẩm động vật nhập khẩu, Cục Thú y đã thực hiện lấy mẫu xét nghiệm từ năm 2020 đến tháng 4/2024 với hơn 32.000 mẫu, trong đó 1.750 mẫu dương tính với tỷ lệ 0,56%. Kể từ khi Thông tư số 04 có hiệu lực, việc xét nghiệm đã phát hiện nhiều lô hàng dương tính với Salmonella, giúp ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh và đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, đồng thời ghi nhận số lô hàng giảm rõ rệt dương tính với Salmonella ở những tháng gần đây.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết thêm, trong các năm 2023 và 2024, số vụ ngộ độc không nhiều nhưng số người bị ngộ độc tăng rất nhiều, đặc biệt gần đây nhiều vụ ngộ độc được xác định do Salmonella xảy ra với quy mô lớn. "Tuy nhiên, chúng ta đã có sự vào cuộc hoạt động đảm bảo lợi ích hai bên", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh

Trong thời gian qua, Đại sứ quán của các quốc gia Hoa Kỳ, Australia, Brazil, Singapore, Pháp, Hàn Quốc, Ý, Tây Ban Nha, Argentina, Đan Mạch, Hà Lan và các doanh nghiệp nhập khẩu động vật và sản phẩm động vật đã nêu ra một số vấn đề về quy trình đăng ký các cơ sở sản xuất, kinh doanh thịt và sản phẩm thịt để xuất khẩu vào Việt Nam.

Theo Cục trưởng Cục Thú y, ông Nguyễn Văn Long, về lĩnh vực thú y, vấn đề dịch bệnh là một yếu tố không thể tách rời trong quá trình đánh giá và xử lý hồ sơ. Từ tháng 5, đã có nhiều hồ sơ được nộp, trong đó 285 hồ sơ chiếm 83%, và số còn lại đang yêu cầu bổ sung thông tin liên quan đến dịch bệnh, đặc biệt là cúm gia cầm. Đối với thị trường Hoa Kỳ, 15/15 hồ sơ đã được phê duyệt.

Cục Thú y sẽ có văn bản chính thức để tạo cơ sở trao đổi với các cơ quan quản lý của các nước, cập nhật trang web liên quan đến Thông tư 04, quy trình lấy mẫu xét nghiệm, và hỏi đáp.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ, mong muốn ngành nông nghiệp Việt Nam là bạn và là đối tác tin cậy của các quốc gia trên thế giới. Khi tồn tại các vấn đề khi thực hiện Thông tư 04, với tinh thần cầu thị, Bộ NN&PTNT sẽ chỉ đạo Cục Thú y sẽ phối hợp với các tham tán, cơ quan thú y của các quốc gia sẽ giải quyết các kiến nghị đến tận cùng để hiểu nhau hơn và hợp tác chặt chẽ hơn.

Việt Nam là quốc gia xuất khẩu nông sản đến trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam cũng phải tuân thủ các quy định chặt chẽ của các quốc gia này. Để hợp tác thương mại hai chiều tốt hơn, Bộ NN&PTNT và Cục Thú y mong sự phối hợp giữa các Tham tán để các cơ quan thú y của các quốc gia sẽ giữ mối quan chặt chẽ với Cục Thú y Việt Nam, tạo được hành lang thông thoáng cho nông sản các quốc gia vào Việt Nam và Việt Nam xuất khẩu ra thế giới.

Đỗ Hương

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Đẩy mạnh ứng dụng thành tựu công nghệ sinh học trong nông nghiệpĐẩy mạnh ứng dụng thành tựu công nghệ sinh học trong nông nghiệp
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Nỗ lực khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bãoNỗ lực khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão