Những trường hợp được xét tặng NSND, NSƯT phải thực sự tài năng và có thành tích, đóng góp xuất sắc nổi bật trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật
Khẳng định dấu ấn cá nhân
Theo nghị định mới sửa đổi, mốc thời gian xét tặng danh hiệu cho các nghệ sĩ thay đổi theo hướng có lợi hơn cho nghệ sĩ. Thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp được tính từ thời điểm cá nhân tốt nghiệp một trường nghệ thuật chuyên nghiệp đến thời điểm xét hồ sơ tặng danh hiệu NSND, NSƯT tại Hội đồng cấp cơ sở, được bổ sung thêm quy định thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp của nghệ sĩ được tính từ khi cá nhân đủ 18 tuổi, hoạt động nghệ thuật tại một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp đến thời điểm xét hồ sơ. Sự sửa đổi này nhằm tháo gỡ vướng mắc từ nỗi lo không đủ bằng cấp đối với trường hợp nghệ sĩ hoạt động ở các loại hình nghệ thuật mang tính truyền nghề, như đã từng xảy ra trong việc xét tặng danh hiệu NSND đối với nghệ sĩ Minh Vương, Thanh Tuấn, Giang Châu… trong mùa trước.
“Thay vì quy định thời gian hoạt động nghệ thuật từ 20 năm trở lên, riêng với nghệ sĩ xiếc, múa là 15 năm trở lên mới được xét tặng danh hiệu NSND như trước đây, thì nay số năm có thể được tính cộng dồn. Tức là nghệ sĩ có thể hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc ngắt quãng, miễn là đảm bảo số năm theo quy định”, ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng, Bộ VH-TT-DL nói.
Tuy nhiên, để được xét tặng, mỗi cá nhân phải sở hữu ít nhất 2 giải vàng cá nhân với danh hiệu NSND và 1 giải vàng cá nhân với danh hiệu NSƯT, thay vì được chia và cộng dồn từ các giải tập thể. Như vậy, những trường hợp được xét tặng phải thực sự tài năng và có thành tích, đóng góp xuất sắc nổi bật trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. “Danh hiệu cao quý của Nhà nước trao tặng, do đó chỉ nên dành cho các nghệ sĩ xuất sắc”, NSND Thanh Hoa bày tỏ quan điểm.
Giải tỏa băn khoăn
Một trong những điểm nổi bật được áp dụng để tránh bỏ sót việc tôn vinh nghệ sĩ tài năng là Nghị định 40 đã đưa ra quy định về một số trường hợp đặc biệt dành cho các nghệ sĩ có cống hiến nổi trội, tài năng nghệ thuật xuất sắc nhưng thiếu giải thưởng. Điều này phần nào giải tỏa được nỗi băn khoăn, bức xúc nhiều năm qua trong giới nghề. Đó là có những trường hợp nghệ sĩ lão thành từng có nhiều năm, dành nhiều tâm sức, sáng tạo cống hiến nhiều cho nghề, như đi biểu diễn tại chiến trường, hăng hái phục vụ nhiệm vụ chính trị, tâm huyết dìu dắt các nghệ sĩ trẻ… nhưng vì thiếu giải nhất, huy chương vàng mà không hoặc chưa được phong tặng danh hiệu NSƯT, NSND một cách xứng đáng. Đặc biệt, đối tượng là thầy của các nghệ sĩ lớn - những người có thành tích xuất sắc, đoạt giải thưởng lớn, trước đây bị “bỏ quên” khi tôn vinh thì nay cũng sẽ được ghi nhận và tưởng thưởng xứng đáng.
Cùng với đó, nghị định cũng sửa đổi quy định về số thành viên trong hội đồng phải có mặt khi họp xét tặng danh hiệu, tỷ lệ phiếu đồng ý của các thành viên trong hội đồng… Chỉ cần đạt từ 80% phiếu đồng thuận của thành viên hội đồng có mặt tại cuộc họp lấy ý kiến là có thể được hoàn thiện và chuyển lên hội đồng cấp cao hơn. Nhìn lại quá trình xét tặng danh hiệu trước đây, quy định phải đạt 90% số phiếu của hội đồng đã từng gây nhiều tranh cãi. Đơn cử như vụ việc NSƯT Minh Vương ba lần “trượt” danh hiệu NSND vì thiếu vài phiếu, không đáp ứng quy định phải đạt 90% phiếu thuận của hội đồng.
Ghi nhận nhiều thay đổi trong quy định xét tặng, song NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, cũng cho rằng, danh hiệu NSND, NSƯT chỉ nên dành cho các nghệ sĩ xuất sắc. Cái gì khó, đắt thì mới quý. Bên cạnh các hoạt động chuyên môn của các nghệ sĩ cũng cần xét tới yếu tố tham gia tích cực với cộng đồng. “Các nghệ sĩ cần có ý thức và trách nhiệm đưa ảnh hưởng cá nhân của mình để phục vụ cộng đồng. Cùng với ý thức về việc tự gìn giữ uy tín, thường xuyên trau dồi về kỹ năng để xứng với danh hiệu được trao tặng, sẽ hợp lý hơn nếu có thêm những quy định về giờ biểu diễn phục vụ công chúng, tiết giảng dạy hay trao truyền… của các nghệ sĩ sau khi được phong tặng. Có như vậy, giá trị và ý nghĩa của các danh hiệu sẽ ngày một lan tỏa”, NSƯT Xuân Bắc nói.