Xem xét quy định người nước ngoài ở Việt Nam được gia nhập công đoàn

24/10/2024 20:30

(Chinhphu.vn) - Việc quy định quyền gia nhập và hoạt động công đoàn của lao động là người nước ngoài làm việc trên lãnh thổ Việt Nam sẽ góp phần thể chế hóa đường lối của Đảng về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới; hội nhập kinh tế quốc tế...

Xem xét quy định người nước ngoài ở Việt Nam được gia nhập công đoàn- Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi)

Sáng 24/10, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).

Theo đó, về cơ bản, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý, đã bảo đảm việc thể chế hóa kịp thời Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 về "Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới" và một số chủ trương, nghị quyết của Đảng về tổ chức công đoàn và giai cấp công nhân; phù hợp với Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành.

Đồng thời, bảo đảm Công đoàn Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và người lao động, thu hút đông đảo người lao động và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tham gia Công đoàn Việt Nam. Kế thừa những nội dung đã khẳng định được tính hợp lý, ổn định, hiệu quả trong quá trình thi hành Luật Công đoàn hiện hành và sửa đổi một số nội dung để đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ở nước ta.

Đối với việc gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động là người nước ngoài, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc quy định quyền gia nhập và hoạt động công đoàn của lao động là người nước ngoài làm việc trên lãnh thổ Việt Nam sẽ góp phần thể chế hóa đường lối của Đảng về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới; hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; đáp ứng các yêu cầu thực thi cam kết quốc tế về lao động, công đoàn của Việt Nam; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành, đặc biệt là Bộ luật Lao động.

Tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội và ý kiến của cấp có thẩm quyền, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định "người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên thì có quyền gia nhập công đoàn, hoạt động tại công đoàn cơ sở"; bổ sung cụm từ "và thôi tham gia", thể hiện tại tên điều (thành "Quyền thành lập, gia nhập, hoạt động và thôi tham gia công đoàn") và khoản 4 Điều 5.

Ngoài ra, khoản 5 Điều 4 của dự thảo Luật đã quy định cán bộ công đoàn là công dân Việt Nam, do đó, người lao động là người nước ngoài không thể trở thành cán bộ công đoàn.

Xem xét quy định người nước ngoài ở Việt Nam được gia nhập công đoàn- Ảnh 2.

Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi)

Về tài sản công đoàn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Nguồn hình thành tài sản công tại tổ chức chính trị - xã hội bao gồm: Tài sản bằng hiện vật do Nhà nước giao, tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm từ ngân sách nhà nước, từ nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh các tài sản được hình thành từ nguồn tài sản được Nhà nước giao bằng hiện vật, tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm từ ngân sách Nhà nước, tài sản của công đoàn còn được hình thành từ nguồn vốn của Công đoàn, tài chính công đoàn, nguồn đóng góp của đoàn viên công đoàn, nguồn hỗ trợ của người sử dụng lao động và các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật.

Thực tế hiện nay, không phân biệt được sở hữu Nhà nước, sở hữu Công đoàn và do lịch sử để lại cũng khó có thể tách bạch tài sản của Nhà nước, việc liệt kê tài sản của Công đoàn là rất khó.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo chỉnh lý theo hướng liệt kê cụ thể tài sản của công đoàn và thể hiện tại khoản 1 Điều 32 của dự thảo Luật.

Về quản lý, sử dụng tài chính công đoàn, trên cơ sở ý kiến của cấp có thẩm quyền và tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý Điều 31 theo hướng: Bổ sung quy định về nguyên tắc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn; Rà soát nhiệm vụ chi kinh phí công đoàn bảo đảm bao quát và đầy đủ hơn; Không quy định trong Luật việc phân phối kinh phí công đoàn khi có nhiều tổ chức đại diện của người lao động để bảo đảm linh hoạt, hài hòa.

Bổ sung quy định "Sau khi thống nhất với Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu, phân cấp thu, phân phối và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của công đoàn"; Giao Chính phủ quy định chi tiết việc quản lý, sử dụng kinh phí công đoàn của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thúy Anh cho hay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến đại biểu, ý kiến các cơ quan, một số quy định của dự thảo Luật đã được chỉnh sửa, cụ thể như: Bổ sung các quy định để công đoàn độc lập hơn với người sử dụng lao động; quy định cụ thể hành vi bị nghiêm cấm về phân biệt đối xử với cán bộ công đoàn vì lý do thành lập, gia nhập hoặc hoạt động công đoàn; bổ sung quy định định kỳ 2 năm, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam báo cáo Quốc hội về tình hình thu, chi và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn…

Cũng trong sáng nay, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).

Hải Giang

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Cần thiết sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Công đoànCần thiết sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Công đoàn