Xây dựng lại kịch bản khi Covid-19 vẫn còn ẩn số

19/07/2021 15:48

Đại dịch chưa có dấu hiệu kết thúc, đang đe dọa các nền kinh tế sau những đợt bùng phát gần đây. Tuy nhiên, những “di sản” đại dịch để lại khiến hành vi và cách thức hoạt động của các cá nhân, doanh nghiệp khác đi. Như vậy biến số Covid-19 sẽ còn tiếp tục xuất hiện trong các mô hình tăng trưởng kinh tế. Khi đó, phạm vi và nguyên tắc thiết kế chính sách phải hướng đến việc kiểm soát biến số này.

Tỷ lệ dân số đã tiêm đầy đủ (xanh đậm) và tiêm một liều (xanh nhạt) vaccine Covid-19 trên thế giới và một số quốc gia, tính đến ngày 14-7-2021. Nguồn: Official data collated by Our World in Data.

Tỷ lệ dân số đã tiêm đầy đủ (xanh đậm) và tiêm một liều (xanh nhạt) vaccine Covid-19 trên thế giới và một số quốc gia, tính đến ngày 14-7-2021. Nguồn: Official data collated by Our World in Data.

Hồi kết nào cho đại dịch?
Các đợt bùng phát đại dịch trong gần 2 năm qua phần nào giúp các quốc gia đúc kết được kinh nghiệm, từ góc độ y tế để bảo vệ sức khỏe người dân đến các gói giảm đau kinh tế để thích ứng và phục hồi.
Tuy nhiên, ngay cả khi chúng ta neo giữ niềm tin từ các đợt khắc chế trước đây, những biến thể SARS-CoV-2 như Delta ở Ấn Độ lại là mối nguy hại, với khả năng lây nhiễm cao gấp 2-3 lần.
Cuộc chiến với Covid-19 sẽ còn tiếp tục và để ứng phó với những kịch bản mới, đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới, từ hành vi cá nhân, doanh nghiệp đến điều hành chính sách. Nhìn chung, chúng ta vẫn kỳ vọng vào những điều tốt đẹp vaccine mang lại với chiến dịch tiêm chủng toàn cầu, nhưng sẽ có một thế giới khác đi.
Hiện nay, đã có hơn 3 tỷ lượt tiêm chủng trên toàn cầu, dự kiến có khoảng 11 tỷ liều vaccine sản xuất trong năm. Các quốc gia bao gồm cả Việt Nam hướng đến việc tiêm chủng diện rộng cho 70% dân số nhằm tạo hệ miễn dịch cộng đồng. Đây là vũ khí chiến lược và là bước đầu tiên cho cuộc chiến lâu dài với Covid-19.
Nhưng trước khi các mũi tiêm được thực hiện, ưu tiên hàng đầu ở các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp như Việt Nam là phải quyết liệt ngăn chặn sự lây lan, khoanh vùng, truy vết triệt để các ca nhiễm. Đây là giải pháp cấp bách để hạn chế tối đa các ca tử vong, giảm áp lực cho hệ thống y tế. 
Cần sẵn sàng đánh đổi những lợi ích ngắn hạn để hướng đến mục tiêu dài hạn. Bài học từ Ấn Độ là lời cảnh tỉnh, hay gần đây là Indonesia, Malaysia, quốc gia đang hứng chịu làn sóng tử vong do Covid-19 cao gấp 6 lần so với đợt bùng dịch đầu năm.
Phải thừa nhận vũ khí vaccine sẽ giúp hạn chế các đợt bùng phát đại dịch, dù virus Covid-19 vẫn có khả năng tồn tại trong cuộc sống nhưng có thể trong mức kiểm soát. Điều quan trọng, hiệu quả của vaccine giúp giảm sự lây lan, giảm thiểu các ca buộc phải nhập viện, tránh gây áp lực quá lớn cho hệ thống y tế như giai đoạn đầu ở Mỹ, Anh.
Đáng mừng, các nghiên cứu về thuốc điều trị Covid-19 đã tiến đến những bước thử nghiệm lâm sàng cuối cùng, điển hình như thuốc kháng virus Molnupinavir của Mỹ vừa công bố. 

Thích nghi chiến lược mới, chính sách mới
Vũ khí vaccine sẽ phần nào giúp các quốc gia hạn chế các đợt bùng phát. Tuy nhiên, vẫn còn những nỗi lo về các biến thể mới với mức độ nguy hiểm gia tăng, đe dọa tính mạng, sinh kế và kinh tế toàn cầu.
Việc xây dựng các kịch bản cũng như mở rộng phạm vi tiếp cận ở góc độ chính sách lúc này là cấp thiết, chuẩn bị từ giải pháp đến nguồn lực cho phương án toàn cầu sống chung với Covid-19. Các nền kinh tế hậu Covid-19 sẽ có những thứ không bao giờ quay lại quỹ đạo cũ. 
Khi biến số Covid-19 được kiểm soát việc phục hồi, phát triển kinh tế sẽ khả quan hơn, hàm tăng trưởng kinh tế cũng giảm được sự bất định trước các cú sốc ngoại sinh.

 

Đơn cử, hình thức làm việc từ xa (WFH) ngày càng phổ biến. Kết quả khảo sát trong những tháng 3-2021 cho thấy xu hướng WFH càng tăng lên, khoảng 70% số người đang WFH, 31% người khảo sát mong muốn sẽ duy trì WFH lâu dài, ngay cả khi đại dịch qua đi (Statista, 2021).
Cuộc khảo sát gần đây của Eurofound tại EU cũng cho thấy xu hướng tương tự. Thay đổi này giúp chúng ta trở nên tốt hơn rất nhiều, biết cách thích nghi và ứng phó với từng hoàn cảnh, cho chúng ta cơ hội để suy nghĩ và sống khác đi. Đó là Covid-19 khiến cá nhân, doanh nghiệp có động cơ để học hỏi, tự trau dồi kinh nghiệm.
Sự nguy hiểm từ các biến thể mới đòi hỏi những chiến lược kịp thời, gắn với tầm nhìn dài hạn nhằm hạn chế bùng phát đại dịch và thích nghi với cuộc sống có tồn tại Covid-19. Đầu tiên, tiếp tục khoanh vùng và tầm soát, truy vết và cách ly các ca dương tính, thực hiện phong tỏa hoặc giãn cách xã hội tại các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao.
Áp dụng cách ly các trường hợp F1 và F0 chưa có triệu chứng tại nhà, ưu tiên nhập viện đối với các ca có triệu chứng nặng và bệnh nền. Ứng dụng công nghệ để xây dựng hệ thống giám sát điểm nhằm thu thập thông tin và giảm áp lực cho hệ thống y tế trực tiếp.
Áp dụng linh hoạt và thực thi nghiêm ngặt các chỉ thị phòng chống dịch bệnh, tuân thủ triệt để nguyên tắc 5K ở cộng đồng, hướng đến mục tiêu "5K + vaccine" sau này.
Tiếp đến, việc thành lập các tiểu ban, viện, trung tâm nghiên cứu chuyên biệt về Covid-19 sẽ phục vụ cho  tương lai sống chung với Covid-19. Chính sách cần rõ ràng, tránh gây hoang mang dư luận. Vai trò của truyền thông trong bối cảnh hiện nay hãy truyền tải đúng và đủ. Sự hỗn loạn trong dân chúng hoàn toàn có thể xảy ra, đến từ hành động bất cân xứng thông tin và tâm lý bầy đàn hơn là bản chất của vấn đề.
Các gói hỗ trợ khẩn cấp cho người lao động, người nghèo, vô gia cư cần tiếp tục triển khai nhanh chóng theo phương châm “cứu người như cứu hỏa”, đúng thời điểm và đúng đối tượng.
Thế giới đang phải đối mặt với những hệ lụy do đại dịch gây ra như nguy cơ khủng hoảng nợ công, đứt gãy chuỗi cung ứng, phá vỡ toàn cầu hóa, chủ nghĩa bảo hộ và bất bình đẳng gia tăng. Sự xuất hiện của Covid-19 là chất xúc tác khiến các bất ổn toàn cầu trước đây trở nên nghiêm trọng, khó lường hơn, như cách mà các biến thể Covid-19 gây ra cho hệ miễn dịch con người.
Hiện các chính sách kinh tế đều hướng đến hỗ trợ thanh khoản cho thị trường, tiêu dùng nội địa, gia tăng đầu tư công, duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh, hoạt động thương mại, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, thu hút đầu tư nước ngoài... 
Biến số Covid-19 sẽ còn xuất hiện song hành, nên đây là thời khắc để thúc đẩy quá trình ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số toàn diện.