WHO khẩn cấp điều 6 lọ thuốc hiếm từ Thuỵ Sĩ về Việt Nam cứu 3 bệnh nhân ngộ độc

25/05/2023 00:30

Tối 24/5, Cục Quản lí dược (Bộ Y tế) cho biết 6 lọ thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent được gửi từ kho của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Thụy Sĩ đã về đến TPHCM để kịp thời điều trị bệnh nhân ngộ độc botulinum.

Trước đó Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã có buổi làm việc trực tiếp với văn phòng WHO tại Hà Nội và đề nghị phía WHO hết sức hỗ trợ thuốc điều trị ngộ độc botulinum cho Việt Nam.

WHO đã quyết định viện trợ khẩn cấp thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent cho các bệnh nhân bị ngộ độc botulinum đang được điều trị tại các bệnh viện ở TPHCM.

Cuối cùng bằng sự nỗ lực của Cục Quản lí dược, các cơ quan chức năng của Việt Nam và sự hỗ trợ rất kịp thời của WHO, 6 lọ thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent được gửi từ kho của WHO tại Thụy Sĩ đã về đến TPHCM trong ngày 24/5.

Liên quan đến thuốc hiếm, trước đó trả lời báo chí, ông Lê Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lí Dược cho biết hiện nay, việc mua sắm thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm vẫn do các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện theo quy định về mua sắm, đấu thầu thuốc. Về cơ bản, nguồn cung tổng thể với các thuốc hiếm không thiếu, chỉ thiếu ở một số cơ sở y tế do còn tồn tại các khó khăn trong công tác dự trù, xác định nhu cầu do phụ thuộc vào tình hình bệnh tật phát sinh của từng năm và trong công tác thực hiện mua sắm (thời gian thực hiện mua sắm kéo dài dẫn đến thiếu tính kịp thời trong mua sắm). Ông Dũng cho biết thêm, có những loại thuốc hiếm nhiều năm không sử dụng đến, không dự trù mua sắm dẫn đến khi có phát sinh bệnh tật mới mua sắm thì không kịp. Ngoài ra, thực tế ghi nhận một số thuốc hiếm được cơ sở y tế mua về không sử dụng hết do không có đủ bệnh nhân, phải hủy bỏ khi thuốc hết hạn.

Xây dựng danh mục thuốc hiếm để đảm bảo nguồn cung

Các giải pháp trong thời gian tới để đảm bảo thuốc hiếm, ông Dũng cho biết Bộ Y tế đang triển khai xây dựng Danh mục thuốc thiếu, có nguy cơ thiếu hằng năm để có kế hoạch chủ động đảm bảo nguồn cung với các thuốc này. Đồng thời, Bộ Y tế đã chủ động báo cáo, đề xuất và đã được Chính phủ đồng ý tại Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 04/03/2023 là giao Bộ Y tế nghiên cứu, xây dựng cơ chế bảo đảm thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Hiện tại, Bộ Y tế đang triển khai thực hiện nội dung trên, trong đó dự kiến đề xuất một số cơ chế. Cụ thể, có cơ chế đặc thù về tài chính như: bố trí, phân bổ nguồn ngân sách nhà nước để các cơ sở khám chữa bệnh chủ động dự trù các mặt hàng thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung; có giải pháp, cơ chế để các cơ sở khám chữa bệnh có thể mua sắm, dự trữ một số thuốc chống độc, ngộ độc, chấp nhận hủy bỏ khi không có bệnh nhân dẫn đến thuốc hết hạn; có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp dược trong nước triển khai sản xuất mặt hàng thuốc hiếm để chủ động nguồn cung trong nước. Theo Bộ Y tế, đây là thuốc không dễ chủ động về nguồn cung và giá của thuốc này cũng rất cao. Ngoài ra thuốc hiện chưa nằm trong danh mục các thuốc được bảo hiểm chi trả.