Đây là lần đầu tiên cả 3 khu vực trên báo cáo số ca COVID-19 giảm trong suốt nhiều tuần lễ kể từ khi làn sóng biến chủng XBB lan rộng. Số ca tử vong của 3 khu vực cũng giảm lần lượt 19%, 35% và 78%, theo báo cáo dịch tễ Báo Người Lao Động nhận được từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sáng 9-6.
Bản đồ thể hiện sự thay đổi về tỉ lệ số ca mắc mới của WHO với màu cam, đỏ thể hiện sự tăng và tăng mạnh; màu xanh lá, xanh dương thể hiện sự giảm và giảm mạnh - Ảnh: WHO
Tây Thái Bình Dương báo cáo mức giảm hạn chế 5% và số ca vẫn còn khá cao (924.460 ca) là do độ "trễ" của làn sóng dịch ở một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc, Lào, Campuchia... Tuy nhiên, mức tăng không quá cao.
Nổi bật trong bản đồ thể hiện sự thay đổi về tỉ lệ ca mắc mới ở khu vực này là Việt Nam và Nhật Bản. Hai quốc gia này được WHO thể hiện màu xanh lá và xanh dương đậm. Điều này cho thấy làn sóng COVID-19 đang hạ nhiệt mạnh mẽ.
Tại khu vực dịch tễ Đông Nam Á, một số nước như Thái Lan, Myanmar, Sri Lanka... vẫn còn màu đỏ; nhưng màu xanh đã bao trùm Indonesia, Ấn Độ, Bangladesh...
Sự giảm nhiệt đồng đều xuất hiện ở Đông Địa Trung Hải.
Khu vực dịch tễ châu Âu báo cáo 420.961 ca, giảm 49%; trong khi châu Mỹ 293.984 ca, giảm 55%. Ba khu vực còn lại (Đông Nam Á, Đông Địa Trung Hải, châu Phi) báo cáo số ca hạn chế.
Tổng hợp trên toàn cầu, số ca COVID-19 mới của 28 ngày qua là hơn 1,72 triệu ca, giảm sâu 36% so với chu kỳ trước; số tử vong là 10.463 ca, giảm 47%.
WHO tiếp tục giám sát chặt chẽ 2 "biến chủng cần quan tâm" (VOI) là XBB.1.5 (30% số trình tự gien SARS-CoV-2 được báo cáo toàn cầu), XBB.1.16 (16,81%); cũng như 7 "biến chủng đang được theo dõi" (VUM) là BA.2.75, CH.1.1, BQ.1, XBB.1.9.1, XBB.1.9.2, XBB.2.3 và nhóm các XBB khác.
Trong đó có XBB.1.16, XBB.1.9.1, XBB.1.9.2, XBB.2.3 và nhóm các XBB khác đang gia tăng về tỉ lệ, tuy nhiên vẫn chưa có bất kỳ VOI hay VUM nào được "nâng cấp" thành VOC (biến chủng gây lo ngại) như chủng gốc, Alpha, Delta hay Omicron "gốc".