Vì sao ký túc xá hơn 35 tỷ đồng... chỉ có 7 sinh viên chính quy ở?

13/03/2024 13:00

Sau nhiều năm hoạt động, đến nay khu ký túc xá được đầu tư hơn 35 tỷ đồng chỉ có 7 sinh viên chính quy ở, chủ đầu tư phải kiến nghị mở rộng đối tượng được thuê.

Kiến nghị mở rộng đối tượng được thuê

Ông Nguyễn Thanh Trúc - Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên vừa thông tin về tình hình hoạt động của khu ký túc xá Khoa Y - Trường Đại học Tây Nguyên.

Trước đó, vào ngày 13/11/2009, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành quyết định số 3220/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình ký túc xá Khoa Y - Trường Đại học Tây Nguyên, với tổng vốn đầu tư hơn 35 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Công trình này được xây dựng trên diện tích hơn 3.800m2 tại phường Tân Thành (Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) do Trường Đại học Tây Nguyên làm chủ đầu tư.

Mục tiêu của dự án nhằm đáp ứng nhu cầu ở, sinh hoạt và học tập cho 960 sinh viên của Trường Đại học Tây Nguyên.

Giáo dục - Vì sao ký túc xá hơn 35 tỷ đồng... chỉ có 7 sinh viên chính quy ở?

Một dãy nhà tại khu ký túc xá Khoa Y - Trường Đại học Tây Nguyên.

Năm 2013, khu ký túc xá Khoa Y - Trường Đại học Tây Nguyên chính thức được đưa vào hoạt động, gồm hai tòa nhà 5 tầng với 120 phòng. Khu ký túc xá nằm gần Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk (nay đổi tên thành Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) nên sẽ tiện lợi cho việc thực hành, thực tập của sinh viên tại bệnh viện này trên đường Mai Hắc Đế (phường Tân Thành, Tp.Buôn Ma Thuột).

Tuy nhiên, theo tìm hiểu, đến đầu năm 2019, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên được di dời đến trụ sở mới ở đường Mai Thị Lựu (phường Tự An, Tp.Buôn Ma Thuột), cách khu ký túc xá khoảng 5km. Do đường di chuyển đến bệnh viện không được thuận lợi nên sinh viên bắt đầu rời khu ký túc để ra ngoài thuê trọ gần trụ sở mới của bệnh viện.

Trước tình hình trên, ngày 8/3/2021, Trường Đại học Tây Nguyên đã có văn bản số 470 gửi Bộ Xây dựng và Sở Xây dựng tỉnh Đắk Lắk báo cáo dự án hoàn thành công trình ký túc xá Khoa Y – Trường Đại học Tây Nguyên. Tại văn bản này, Trường Đại học Tây Nguyên kiến nghị Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng tỉnh Đắk Lắk cho phép chủ đầu tư mở rộng đối tượng được thuê ở tại ký túc xá (sinh viên trong trường, ngoài trường và cán bộ viên chức trong trường chưa có gia đình, cán bộ viên chức ngành giáo dục trong tỉnh...), tăng cường chất lượng dịch vụ phòng ở (phòng ở 1 người, phòng ở 2 người...) nhưng vẫn đảm bảo giá thuê phòng theo quy định.

Giáo dục - Vì sao ký túc xá hơn 35 tỷ đồng... chỉ có 7 sinh viên chính quy ở? (Hình 2).

Bên trong khu ký túc xá Khoa Y. 

Theo ghi nhận, hiện nay, khu ký túc xá Khoa Y đã gần lấp đầy các phòng ở, chỉ còn vài phòng trống. Thế nhưng, đối tượng đang ở trong khu ký túc xá đa số là người lao động nhiều ngành nghề khác.

Chỉ có 7 sinh viên chính quy ở ký túc xá

Để nắm rõ thông tin về tình hình hoạt động của khu ký túc xá Khoa Y nói trên, PV Người Đưa Tin đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Thanh Trúc - Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên.

Ông Trúc cho hay, quá trình khai thác, kể cả chủ trương đầu tư dự án khu ký túc xá Khoa Y ở giai đoạn ban đầu là phù hợp và rất cần thiết đối với Trường Đại học Tây Nguyên. Thời điểm này, quy mô sinh viên của trường cũng khá đông, với 14-15.000 sinh viên. Hơn nữa, nhu cầu người ở, đặc biệt là sinh viên ở nội trú rất lớn. Hơn nữa, thời điểm đó, hệ thống nhà trọ bên ngoài chưa phát triển như sau này.

Tuy nhiên, theo ông Trúc, từ khi Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên di dời sang trụ sở mới thì quy mô đào tạo sinh viên của nhà trường giảm dần, hiện nay trường chỉ có từ 8-9.000 sinh viên (trong đó có khoảng 1.800 sinh viên ngành y, điều dưỡng, xét nghiệm...). Cũng từ đó, số lượng sinh viên ở trong ký túc xá giảm nhanh.

Theo thông tin từ Trường Đại học Tây Nguyên, hiện nay có 7 sinh viên chính quy và một số sinh viên hệ vừa làm vừa học đang ở tại ký túc xá Khoa Y. Còn lại, có hơn 100 người lao động bên ngoài đang thuê ở tại ký túc xá này.

“Nhà trường đã thông báo cho những trường hợp này trả lại phòng trong ký túc xá Khoa Y vào cuối tháng 3/2024. Từ đó, nhà trường có thời gian bảo dưỡng, kiểm tra lại hệ thống điện nước, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh... nhằm thu hút học sinh sinh viên đến ở trong năm học tới” – ông Trúc nói.

Giáo dục - Vì sao ký túc xá hơn 35 tỷ đồng... chỉ có 7 sinh viên chính quy ở? (Hình 3).

Nhà trường cho biết, hiện nay có 7 sinh viên chính quy và một số sinh viên hệ vừa làm vừa học đang ở tại ký túc xá Khoa Y.

Theo ông Bùi Ngọc Tân – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên (Trường Đại học Tây Nguyên), một trong những nguyên nhân khiến số lượng sinh viên ở tại ký túc xá Khoa Y vơi dần là do một phần rất đông sinh viên của Trường Đại học Tây Nguyên ở tại nhà nên không thuê phòng ở ký túc xá. Bên cạnh đó, hiện nay, hệ thống nhà trọ xung quanh trường rất phát triển, đáp ứng nhu cầu ở nhà trọ chất lượng cao của nhiều trường hợp.

Khi được hỏi về việc sử dụng nguồn thu từ khu ký túc xá Khoa Y, ông Bùi Ngọc Tân chia sẻ: “Nhà trường có quy định thu 1 phòng 700.000 đồng/tháng. Sau khi thu về, Trung tâm Hỗ trợ sinh viên nộp cho nhà trường để phân bổ vào các hoạt động như sửa chữa ký túc xá, trang bị hệ thống phòng cháy chữa cháy, lắp camera, sửa chữa hệ thống cấp thoát nước, hỗ trợ cho cộng đồng tại địa phương lát lại vỉa hè,...”.

Hiệu trưởng Nguyễn Thanh Trúc thông tin thêm, Trường Đại học Tây Nguyên là đơn vị sự nghiệp có thu, trực thuộc Bộ Giáo dục & Đào tạo, tuân thủ theo Luật Kế toán, Luật Ngân sách và các quyết định của Bộ Giáo dục & Đào tạo về đơn vị tự chủ một phần chi thường xuyên mức độ 3. Do đó, các khoản thu, chi của nhà trường, kể cả nguồn thu từ dịch vụ, nguồn thu ký túc xá, nhà trường đều có đầy đủ sổ sách, kế toán và thực hiện quản lý theo quy định của nhà nước.

Giáo dục - Vì sao ký túc xá hơn 35 tỷ đồng... chỉ có 7 sinh viên chính quy ở? (Hình 4).

Lãnh đạo Trường Đại học Tây Nguyên thông tin về tình hình hoạt động của khu ký túc xá Khoa Y.

Trước những khó khăn của người ở nội trú ký túc xá hiện nay, ông Trúc cho hay, nhà trường đã họp và bàn đưa ra một số giải pháp. Theo đó, khi học sinh sinh viên đến ở thì phải đáp ứng được nhu cầu ăn, ở, đi lại, vui chơi, giải trí.

Để khắc phục vấn đề này, nhà trường sẽ cùng với các đơn vị trang bị, đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin, chỗ ăn uống, khu thể thao vui chơi giải trí,... để người học được ở nơi chất lượng hơn.

Đồng thời, về phía Trung tâm Hỗ trợ sinh của trường cũng phải quan tâm hơn nữa, đặc biệt là các đời sống tinh thần của sinh viên. Cụ thể, phải tổ chức được các câu lạc bộ, các hoạt động đoàn, hội gắn kết với sinh viên ở cả nội trú và ngoại trú để thu hút được sinh viên có sân chơi chung. Mặt khác, nhà trường sẽ cùng với chính quyền địa phương làm tốt công tác môi trường, công tác phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự.

“Từ những giải pháp đó, nhà trường sẽ xây dựng kế hoạch trong thời gian sớm nhất để thu hút đối tượng học sinh sinh viên trên địa bàn. Từ đó, nâng được hiệu suất và hiệu quả sử dụng của ký túc xá” – ông Trúc chia sẻ.

Ngày 15/11/2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 74/2022/QH15 đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó, Quốc hội xác định, cả nước có 51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn Nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí giai đoạn 2016-2021. Tại tỉnh Đắk Lắk có 2 dự án gồm: Hồ chứa nước Yên Ngựa và khu ký túc xá Trường Đại học Tây Nguyên.

Tại Nghị quyết nói trên, Quốc hội yêu cầu phân loại để xây dựng kế hoạch, lộ trình, làm rõ trách nhiệm, xử lý các sai phạm, tiêu cực, các tồn tại, hạn chế, thất thoát, lãng phí đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến 51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí.

Khánh Ngọc