Vì sao đàn ông thương vợ nhưng ngại nói?

16/01/2017 09:58

Khi yêu người đàn ông không tiếc lời khen cô gái mà họ đang chinh phục. Nhưng khi về chung một nhà, lời yêu thương ngày càng thưa vắng.

Khi yêu người đàn ông không tiếc lời khen cô gái mà họ đang chinh phục. Nhưng khi về chung một nhà, lời yêu thương ngày càng thưa vắng.

Tại sao nhiều đàn ông Việt lại quên những lời yêu thương để nói bạn đời của mình? Cùng nghe trải lòng của người trong cuộc.

Thương vợ mà không biết để đâu

Có người nói, bi kịch của hôn nhân là khi người đàn ông cứ luôn muốn vợ không thay đổi so với trước khi cưới, người phụ nữ lại muốn chồng mình thay đổi sau khi cưới. Và rốt cuộc cả 2 đều thất vọng. Sau ngày cưới, chị em chóng mặt với hàng tá công việc nội trợ không tên: chăm con, nấu ăn, dọn nhà…. Sự dịu dàng, e ấp, ít nói trước kia nay bị hàng núi việc đè nén khiến chị em trở nên ức chế.

Anh chồng cũng xót xa khi cô nàng yêu kiều trước khi cưới giờ đây đầu bù tóc rối, chẳng còn thời gian chăm chút cho bản thân. Bao lời yêu giờ bỗng hóa ngượng ngùng khi về chung một nhà. Phần vì khi đã yên bề gia thất, quý ông lại càng an tâm xông pha ngoài xã hội nên ít để ý đến hậu phương; có người coi vợ đã là của mình, nên lời yêu thương ngày càng tiết kiệm.
Hãy nghe những lời tâm sự của đấng mày râu:

Anh Nguyễn Hồng Phong - Kỹ thuật viên - cựu Bí Thư Đoàn cơ sở Đài Tiếng Nói Nhân Dân TP.HCM: “Biết vợ cực nhưng mình lại hay… quên”.

Vì sao đàn ông thương vợ nhưng ngại nói?
Anh Nguyễn Hồng Phong.

Ngày xưa vợ mình là “tiểu thư” đất Hà Thành, vì yêu chồng mà quyết xa cha mẹ, vào Sài Gòn lập nghiệp. Ban đầu là cùng chồng xây dựng sự nghiệp, sau là sinh liền tù tì 2 cô con gái, mình biết vợ phải chịu đựng nhiều, cũng cố san sẻ nhưng cứ đến ngày Tết công tác càng bận rộn, mình đi suốt, đối nội đối ngoại lại giao toàn bộ cho vợ. Ngày xưa yêu nhau, thỉnh thoảng gởi lá thư tay; sinh nhật hay kỷ niệm quen nhau chẳng bao giờ mình quên quà cáp hay nhắn tin mùi mẫn.

Nhưng cưới rồi, thật tình là chủ quan, không o bế bà xã nữa, thậm chí thú thật là mình hay quên bẵng đi những ngày đặc biệt đó. Mà nếu có nhớ đến phút cuối cũng bị việc khác làm cho quên. Mỗi lần vậy cứ dặn mình, thôi để đó lần sau bù. Giờ thì thấy bù chắc không nổi nữa nên… bỏ qua luôn. Đàn ông tụi mình rất ngại thổ lộ kiểu “vợ anh là nhất”, nói ra ngượng miệng lắm, lại sợ bà xã nghĩ mình nịnh nọt, nên tốt nhất là âm thầm yêu, âm thầm biết ơn vợ vậy cho nó lành.

Anh Nguyễn Tấn Lộc - Line Manager của OrientSoftware: Quên những giờ sinh hoạt chủ nhiệm với vợ …

Vì sao đàn ông thương vợ nhưng ngại nói?
Anh Nguyễn Tấn Lộc.

Ngày mới cưới, vợ chồng tôi chủ trương mỗi tuần sẽ có một ngày “sinh hoạt chủ nhiệm”, để cả hai cùng nhau đi ăn ngoài, xem phim, mua sắm. Nhưng tiếc là từ lúc có con, cả hai đều bận rộn, lúc nào cũng chỉ nói chuyện bỉm sữa, con ốm đau, tiết kiệm mua sắm này nọ nên cả hai thường cúp tiết, dần dà khai tử giao ước này.

Tôi biết vợ chăm chỉ, gánh vác gia đình nhiều, thậm chí chấp nhận nghỉ việc một thời gian vì con còn quá nhỏ. Nhưng thành vợ thành chồng rồi, chúng tôi chẳng còn lãng mạn như lúc yêu, có lúc lời qua tiếng lại giận nhau cả tuần liền. Cuộc sống quá nhiều thứ để lo toan, căng thẳng nên nói lời yêu thương ngọt ngào với nhau đâm ra cũng kỳ kỳ.

Tết đến tôi lại càng bận rộn hơn, có khi 11 giờ đêm mới về đến nhà, thấy bà xã vẫn tranh thủ con ngủ lo ủi - xếp quần áo, nấu đồ ăn bữa mai, tính toán quà cáp, chuẩn bị Tết nhất cũng thương lắm nhưng lúc đó mình cũng mệt, buồn ngủ rồi, chẳng biết làm gì để đỡ đần.

Ts. Trần Đình Lý - trưởng phòng Đào Tạo, ĐH Nông Lâm TP.HCM: Đàn ông ngọt ngào với vợ quá cũng thấy… mất mặt.

Vì sao đàn ông thương vợ nhưng ngại nói?
Ts. Trần Đình Lý.

Ngày xưa vợ tôi là Á hậu điện ảnh Văn Thánh 1995, lúc đó mình đã rất ấn tượng khi nàng vừa đẹp người lại đẹp nết. Dù có cơ hội nổi tiếng và yêu nghệ thuật, nhưng lấy nhau rồi nàng cũng chỉ tham gia một vài vai phụ trong phim, không dám nhận vai chính vì mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến công việc cơ quan, lên lớp, gia đình.

Ở nhà, bà xã là hoa hậu đúng nghĩa, vừa lo cho 3 cha con… đẹp trai như nhau, vừa lo học hành, chuyên môn, cộng đồng. Tính tôi lại hướng ngoại, tham gia nhiều việc xã hội, giáo dục và tư vấn cộng đồng… Tết nào cũng lo tổng kết, họp mặt tất niên rồi tân niên.

Biết là nên san sẻ việc nhà với vợ nhưng mình quan niệm đã là đàn ông thì trước hết phải kiếm tiền. Vợ thấy mình lo làm ăn nên cũng không hay phàn nàn, đòi hỏi chồng phụ giúp việc gì. Nghĩ cô ấy thấu hiểu nên dần dà mình cũng chủ quan không chăm sóc tinh thần cho bà xã. Nhưng giờ mà tự dưng nhắn tin nói lời yêu thương với bà xã, có khi lại… mất mặt đàn ông.

Nói yêu vợ, sao lại ngại?

Người xưa bảo, phụ nữ yêu bằng tai! Không phải vì họ khờ khạo dễ dụ mà ẩn sâu bên trong chị em cũng là những tâm hồn nhạy cảm. Họ sẵn sàng gồng gánh cả gia đình, kiên nhẫn vun đắp cho mái ấm bằng sự hy sinh và bản năng của người mẹ, người vợ.

Rất nhiều phụ nữ không cần chồng mình đáp lại sự hi sinh tần tảo bằng những món quà đắt tiền, nhưng sẽ buồn biết mấy nếu chồng cứ hờ hững, lặng im xem sự cống hiến của các chị là hiển nhiên. Có khó gì đâu một lời nói, nhưng đó là cách cảm ơn đơn giản mà đầy ý nghĩa dành cho các chị. Một tin nhắn, một cuộc gọi dặn dò ăn cơm, ngủ sớm thôi là đủ. Hãy để các chị nghe được những lời nói ngọt ngào từ trái tim người đàn ông của mình, bởi họ sẽ chẳng đoán ra nếu các anh không nói.

Công dung ngôn hạnh, là những phẩm chất cao quý - giá trị không thể thay thế của người phụ nữ Việt. Không ít chị em phải gồng mình khi chiếc áo quá lớn, dẫu rằng họ vẫn xem đó là hiển nhiên để xây dựng và gìn giữ gia đình. Nhưng tấm áo ấy sẽ thật vừa vặn và ấm áp nếu họ được người đàn ông của mình thấu hiểu, trân trọng yêu thương. Chia sẻ với vợ mình điều mà các anh thật sự nhìn thấy và cảm thấy, đó là quà tặng tuyệt vời nhất cho người phụ nữ bên mình. Họ sẽ biết các anh biết ơn và yêu quý họ thế nào. Bởi người phụ nữ vàng xứng đáng được trân quý và yêu thương.

 

Theo Giang Hoàng Nhơn

(ZingNews)