Với chủ đề "Di sản văn hóa, hội nhập và phát triển", Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024 (Tuần lễ Festival) đã hội tụ tinh hoa của hơn 30 đơn vị nghệ thuật đến từ những vùng miền của Việt Nam và 7 quốc gia trên thế giới.
Với lòng say mê, tâm huyết phục vụ công chúng, cộng với tài năng diễn xuất của mình, các nghệ sĩ, diễn viên đã đem đến cho khán giả hàng chục suất biểu diễn nghệ thuật, cùng các hoạt động hưởng ứng, tạo nên bầu không khí lễ hội sôi động.
Tại Tuần lễ Festival, một số chương trình biểu diễn nghệ thuật bị gián đoạn vì những cơn mưa dông tháng 6. Nhưng đặc sản "mưa Huế" lại mang lại nhiều cảm xúc cho người xem, như trong đêm nhạc Trịnh Công Sơn tối 9/6. Trước giờ diễn, cơn mưa nặng hạt trút xuống và kéo dài không dứt, khiến Ban Tổ chức đành đưa ra lời xin lỗi, nấn ná để đợi tạnh mưa.
Đến gần 21h30, dù vẫn còn mưa, nhưng không để khán giả phải chờ đợi thêm nữa, Ban Tổ chức quyết định cho đêm nhạc bắt đầu. Bên dưới sân khấu, rất đông khán giả vẫn mặc áo mưa, che ô ngồi chờ đợi. Và cuối cùng những nghệ sĩ đã xuất hiện, cùng với những ca khúc bất hủ đã đem đến một đêm nhạc với thật nhiều cảm xúc khó quên.
Tiếp nối thành công của các kỳ Festival Huế trước đây, Tuần lễ Festival tiếp tục lan tỏa tính cộng đồng với nhiều chương trình mở, lễ hội đường phố, các sân khấu cộng đồng để các đoàn nghệ thuật quốc tế biểu diễn phục vụ người dân và du khách.
Theo thống kê của Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, trong Tuần lễ Festival, tổng số du khách đến tỉnh ước đạt 101.000 lượt, doanh thu từ dịch vụ du lịch ước đạt 159 tỷ đồng. Khách lưu trú ước đạt 49.000 lượt, trong đó có gần 9.310 khách quốc tế, công suất phòng khách sạn bình quân đạt 70%.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho hay, dù trong thời điểm đầu tháng 6, có một số địa phương tổ chức các kỳ thi vượt cấp, nhưng vẫn có đông lượng khách từ Hà Nội, TPHCM và những địa phương lân cận miền Trung đến du lịch và tham gia trải nghiệm Tuần lễ Festival.
Cũng vào đầu tuần cao điểm này, có thêm Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng xen kẽ, góp phần tạo hiệu ứng liên kết du lịch của 2 địa phương Thừa Thiên Huế-Đà Nẵng, thu hút đông du khách đến miền Trung khám phá, trải nghiệm chuỗi sản phẩm du lịch lễ hội đa dạng từ Huế vào Đà Nẵng và ngược lại.
Phát biểu tại lễ bế mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Ban Tổ chức Festival Huế cho hay: "Chính sự hội tụ của các nền văn hóa tại Tuần lễ Festival với những nét riêng biệt của mỗi quốc gia đặt trong mối quan hệ giao lưu, đoàn kết, hội nhập và phát triển, đã đem lại cho Cố đô Huế sức sống mới, khẳng định vị thế là thành phố festival đặc trưng của Việt Nam, là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước và khu vực".
Chương trình nghệ thuật đêm nay với chủ đề "Về Huế Festival" là sự kiện khép lại Tuần lễ Festival, nhưng lại bắt đầu cho chuỗi các sự kiện nghệ thuật trong lễ hội mùa Thu và mùa Đông, theo định hướng bốn mùa sẽ tiếp tục khai thác các chuỗi lễ hội trải dài trong năm. Đây cũng là lời cảm ơn dành cho những người bạn gần xa đã đến với mảnh đất cố đô để cùng nhau hòa mình trong những khoảnh khắc trọn vẹn không khí Tuần lễ Festival.
Trong đêm bế mạc Tuần lễ Festival, tại sân khấu điện Kiến Trung, gần 6.000 khán giả được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc, được dàn dựng công phu, với 10 tiết mục nghệ thuật, kết hợp với bắn pháo hoa nghệ thuật. Các tiết mục đan xen, cộng hưởng giữa truyền thống và hiện đại cùng với ứng dụng công nghệ 3D mapping hiện đại hứa hẹn tạo nên bữa tiệc nghệ thuật hấp dẫn, lưu luyến cho người xem trong đêm nói lời chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong các kỳ Festival Huế tiếp theo.
Chương trình quy tụ gần 400 nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên chuyên và không chuyên đến từ các đoàn nghệ thuật trong nước, như: Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế, Đoàn Nghệ thuật truyền thống Quảng Trị, Đoàn Nghệ thuật Kon Tum, Vũ đoàn Unity Huế, Vũ đoàn Alexander Tú, Liên đoàn xiếc Việt Nam và các đoàn nghệ thuật quốc tế: Đoàn Nghệ thuật dân gian SaeNyuk Hàn Quốc, Vụ kịch Chiết Giang, Trung Quốc.
Nhật Anh