Cùng với khối ngành Kinh tế, nhóm trường đào tạo các ngành Khoa học xã hội nhân văn, truyền thông, báo chí cũng được lượng lớn đông đảo thí sinh quan tâm. Ngoài những điểm mới về phương thức tuyển sinh, việc lựa chọn nhóm ngành đào tạo phù hợp cũng là những lưu ý mà các em cần phải tìm hiểu sớm.
Trao đổi với Người Đưa Tin về xu hướng tuyển sinh của nhà trường, PGS.TS Đặng Hoài Thu – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hoá Hà Nội cho biết nhìn chung nhà trường tuyển sinh ổn định qua các năm.
“Tuy nhiên, so với mặt bằng chung các ngành như Du lịch, Truyền thông, Báo chí được thí sinh quan tâm nên có tỉ lệ chọi cao. Ngược lại một số ngành như Thông tin thư viện lại ít được sự chú ý”, bà Đặng Hoài Thu thông tin.
Bà Thu cũng cho rằng việc lựa chọn ngành hiện nay vẫn theo quan niệm của xã hội, thay vì điều này học sinh nên căn cứ vào năng lực bản thân tránh chạy theo xu hướng dẫn tới chọn những ngành có cạnh tranh.
Thông tin thêm về khối ngành Báo chí, Truyền thông của Trường Đại học Văn hoá Hà Nội, bà Thu cho biết: “Về cơ bản những kỹ năng nghề nghiệp, liên quan đến truyền thông, báo chí vẫn đảm bảo nội dung kiến thức của khối ngành. Điểm khác biệt với thế mạnh đặc trưng của mình, các em học sinh sẽ được trang bị những kiến thức nền tảng liên quan đến văn hoá”.
PGS.TS Đặng Hoài Thu cho rằng khi ra trường, ở bất cứ ngành nghề gì đều yêu cầu cần có sự hiểu biết về văn hoá, nếu không rất khó lòng tiệm cận được với bạn đọc, khách hàng. Đây là điểm lợi thế của nhà trường.
Cũng nằm trong khối đào tạo ngành xã hội, dự kiến năm nay Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn sẽ giữ ổn định 5 phương thức tuyển sinh cho 28 ngành học. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy khoảng 2.200 chỉ tiêu, nhiều hơn năm ngoái 200.
5 phương thức xét tuyển đại học dự kiến của nhà trường gồm: xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định đặc thù của Đại học Quốc gia Hà Nội, xét tuyển chứng chỉ quốc tế, xét tuyển kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Tp.HCM, xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT 2024.
PGS.TS Đặng Thị Thu Hương - Phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội thông tin năm 2024 dự kiến nhà trường sẽ tuyển sinh đào tạo ngành học mới là điện ảnh và nghệ thuật đại chúng.
“Nhóm ngành mới nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, những ngành học mới sẽ mang tính ứng dụng nhằm đón đầu xu hướng nghề nghiệp trong tương lai”, bà Hương nói.
Năm 2023, điểm chuẩn vào trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội dao động 20 - 28,78 điểm. Năm ngành trên 28 điểm gồm Quan hệ công chúng, Báo chí, Đông phương học, Hàn Quốc học và Tâm lý. Trong đó cao nhất là ngành Quan hệ công chúng với 28,78 điểm ở khối C00 (Văn, Sử, Địa).
Năm nay, Học viện Phụ nữ Việt Nam thông báo tuyển sinh dự kiến tuyển sinh 1.590 chỉ tiêu dành cho 10 ngành đại học chính quy bao gồm: ngành Quản trị kinh doanh; Luật; Luật kinh tế; Công nghệ thông tin; Công tác xã hội; Giới và phát triển; Quản trị Dịch vụ Du lịch và lữ hành; Truyền thông đa phương tiện; Kinh tế; Tâm lý học.
Nhà trường sử dụng 5 phương thức như xét tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và Quy chế tuyển sinh Học viện; Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024; Xét tuyển dựa trên kết quả học tập cấp THPT (học bạ); Xét tuyển kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế; Xét tuyển kết hợp kết quả học tập cấp THPT (học bạ) với Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.