Từ vụ thanh tra 'vòi tiền' ở Vĩnh Phúc: Cần luân chuyển cán bộ giàu nhanh chóng

24/06/2019 12:32

Trò chuyện với phóng viên Tiền Phong, TS Nguyễn Sĩ Dũng nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đưa ra những giải pháp thiết thực về công tác cán bộ sau vụ việc đoàn Thanh tra của Bộ Xây dựng vòi vĩnh, nhận hối lộ ở Vĩnh Phúc vừa qua.

“Bỏ con cá rô, bắt con săn sắt”

Bộ Xây dựng vừa thành lập đoàn thanh tra mới thay đoàn thanh tra cũ đang bị điều tra vì vòi vĩnh, nhận hối lộ. Ông đánh giá sao về việc bộ này thành lập đoàn thanh tra mới thay thế để tiếp tục thanh tra tại Vĩnh Phúc?

Tôi cho rằng, việc tiếp tục thanh tra là cần thiết. Tuy nhiên, công việc thanh tra nên do Thanh tra Chính phủ đảm nhiệm thay cho Thanh tra của Bộ Xây dựng.

Có hai lý do cơ bản cho một sự thay đổi như vậy. Một là, Bộ Xây dựng sẽ không bị dị nghị là vội vã trả thù. Hai là, tránh được tình trạng xung đột lợi ích khi tiếp tục công việc thanh tra.

 

Từ vụ thanh tra 'vòi tiền' ở Vĩnh Phúc: Cần luân chuyển cán bộ giàu nhanh chóng - ảnh 1
TS Nguyễn Sĩ Dũng

Ông nhìn nhận, đánh giá như thế nào về hiệu quả của thanh tra chuyên ngành thời gian qua?

Tôi không có nhìn nhận, đánh giá gì về hiệu quả của thanh tra chuyên ngành, vì tôi không phải là chuyên gia trong lĩnh vực này, càng không phải là người có chức phận gì ở đây. Tuy nhiên, theo tôi, thanh tra chuyên ngành là cần thiết. Bởi vì trong những lĩnh vực chuyên môn sâu, thì phải có trình độ chuyên ngành mới có đủ sự hiểu biết cần thiết cho công việc thanh tra.

Cái đáng nói là lòng tin xã hội có vẻ chưa phải là thứ mà hoạt động thanh tra nói chung có thể tự hào.

Liệu có bất cập gì không, khi Bộ Xây dựng lập đoàn thanh tra hùng hậu về tới tận thôn xã như vụ việc vừa qua, trong khi đó có không ít công trình, dự án sai phạm quy mô lớn lại không được phát hiện, xử lý?

Việc xác lập cho đúng ưu tiên có vẻ là vấn đề không chỉ của riêng Bộ Xây dựng, mà còn của không ít bộ, ngành và các địa phương. Tuy nhiên, khi người ta “bỏ con cá rô, bắt con săn sắt” thì không chỉ hiệu quả công việc thấp, mà muôn vàn dị nghị có thể phát sinh.

Lựa chọn những người liêm khiết

Sau khi sự việc được phanh phui, Bộ trưởng Bộ Xây dựng có nói, đây là sự việc đáng tiếc và là vi phạm cá nhân. Thế nhưng theo ông, ở đây có trách nhiệm của tập thể, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu hay không?

Vi phạm là của cá nhân, nhưng cá nhân đó lại đại diện cho Thanh tra của Bộ Xây dựng, mà Thanh tra của Bộ Xây dựng lại là một cơ quan của Bộ Xây dựng. Nếu nói Bộ Xây dựng không phải chịu trách nhiệm ở đây, thì cũng giống như nói: “Một người sẽ không phải chịu trách nhiệm vì chỉ cánh tay của anh ta lấy cắp, chứ anh ta không lấy cắp”.

Một cán bộ vừa được bổ nhiệm Phó phòng Phòng chống tham nhũng chỉ mới được hai tháng, nhưng lại đi tham nhũng, nhận hối lộ như vậy, phải chăng công tác đề bạt, bổ nhiệm, giám sát cán bộ ở đây có vấn đề?

Quả đúng là như vậy!

Vậy theo ông, cần có những giải pháp gì để giám sát, ngăn chặn tham nhũng ngay trong chính lực lượng chống tham nhũng, thanh tra?

Theo tôi, trước hết là phải chọn được những người thật sự liêm khiết để đảm nhận công việc này. Ngoài ra, quy trình thanh tra cần phải được điều chỉnh rất chặt chẽ, không thể để cho các đoàn thanh tra xuống dưới địa phương, rồi muốn gặp ai thì gặp, tiếp ai thì tiếp, gặp ở đâu thì gặp, tiếp ở đâu thì tiếp. Báo cáo kết luận thanh tra cũng cần được công bố công khai để báo chí và người dân có thể giám sát.

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng và Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu ngành thanh tra, kiểm toán rà soát lại công tác cán bộ, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng sau vụ việc vừa qua. Theo ông, việc này cần được triển khai như thế nào cho thực sự hiệu quả, tránh hình thức?

Theo tôi, trước hết là phải làm thật. Sau nữa, những người bị khiếu nại, tố cáo nhiều, những người giàu có lên nhanh chóng cần được luân chuyển ngay mà chưa cần phải điều tra, xác minh gì cả.

Cảm ơn ông.

Luân Dũng (Tiền Phong)