Vượt gian khó để tập trung xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội
GS.TS. Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã chia sẻ, ngày tiếp quản Thủ đô (10/10/1954), không chỉ đánh dấu sự kiện Hà Nội được giải phóng mà còn đánh dấu sự kết thúc thắng lợi của 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đầy gian khổ, hy sinh nhưng cũng rất oanh liệt và vẻ vang của quân và dân Thủ đô Hà Nội và cả nước. Đó là mốc son chói lọi trong lịch sử xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước.
Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), là biểu tượng của lòng quả cảm, ý chí tự do và khát vọng giành lại nền độc lập, giải phóng dân tộc của mỗi người dân Việt Nam; trở thành biểu tượng của sức mạnh, tinh thần bất khuất và lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam.
Sau ngày giải phóng Thủ đô, Đảng bộ, chính quyền Hà Nội đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân khẩn trương khôi phục những cơ sở sản xuất bị chiến tranh tàn phá, từng bước ổn định tình hình kinh tế, xã hội; tổ chức lại sản xuất, đảm bảo đời sống nhân dân, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật ban đầu của chủ nghĩa xã hội. Nhờ vậy, từ năm 1954 đến năm 1964, trên địa bàn Thành phố, hàng loạt nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp được xây dựng.
Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng bộ, chính quyền TP. Hà Nội đã mạnh dạn đổi mới tư duy, phong cách làm việc, vừa tập trung lãnh đạo giải quyết những nhiệm vụ cấp bách, trước mắt; vừa tìm tòi cơ chế, chính sách mới và từng bước đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, khắc phục tình trạng khủng hoảng kinh tế, xã hội.
Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, chính quyền, các cấp, các ngành, các địa phương và toàn thể Nhân dân Thủ đô từng bước hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế mới, tập trung xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng -an ninh, mở rộng hợp tác quốc tế, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Điều chỉnh địa giới hành chính để Thủ đô phát triển
Trong quá trình xây dựng và phát triển, để phát triển Hà Nội toàn diện, xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, Thủ đô Hà Nội đã nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính.
Ngày 29-12-1978, Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa VI, đã phê chuẩn đề án của Chính phủ về việc mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội trên cơ sở sáp nhập một số huyện, thị xã, xã và thị trấn của tỉnh Hà Sơn Bình và tỉnh Vĩnh Phú vào thành phố Hà Nội. Hà Nội sau mở rộng năm 1978, có diện tích 2.123 km2 , gồm 4 khu nội thành và 12 huyện thị xã ngoại thành, dân số là 2.500.000 người.
Sau đó, Hà Nội tiếp tục mở rộng địa giới hành chính về phía Tây và phía Bắc. Đến trước ngày 12-8- 1991, Hà Nội có diện tích là 2.139km2 , với tổng số 3.057.000 người. Nhận thấy vấn đề mở rộng Thủ đô trở nên bức thiết, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa X, (tháng 1-2008) chủ trương mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội.
Thực hiện chủ trương của Đảng, ngày 29-5-2008, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII, thông qua Nghị quyết số 15 về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội.Theo đó: Hợp nhất toàn bộ tỉnh Hà Tây vào thành phố Hà Nội; chuyển toàn bộ huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc về thành phố Hà Nội; chuyển toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số hiện tại của 4 xã: Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung, thuộc huyện Lương Sơn tỉnh Hòa Bình vào thành phố Hà Nội.
Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, thành phố Hà Nội rộng 3.344,7 km2 gấp 3,6 lần diện tích cũ; với 29 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 10 quận nội thành, 18 huyện và 1 thị xã ngoại thành; dân số là 6.232.940 người.
Hà Nội triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội
Để phát triển Thủ đô Hà Nội lên tầm cao mới, ngày 5-5-2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu đến năm 2030: Thủ đô Hà Nội là Thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
GS.TS. Lê Văn Lợi nhận định, trong quá trình tiến hành công cuộc đổi mới, quán triệt Nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng và Đảng bộ Thành phố, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt với phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần; quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.
Chủ trương đó của Đảng bộ Thành phố đã tạo tiền đề Thủ đô phát triển toàn diện và bền vững. Trong phát triển kinh tế, xã hội, Thành phố tập trung đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên cơ sở phát triển các khu công nghiệp và cụm công nghiệp, chú trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ, thương mại - du lịch, xây dựng, tài chính; giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp.
Hà Nội cũng phát triển kinh tế đối ngoại, tích cực chuyển đổi và phát triển kinh tế số, xã hội số; tăng cường công tác quy hoạch và xây dựng đô thị.
Nhờ vậy, sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đặc biệt là sau 16 mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đạt nhiều kết quả nổi bật, to lớn và toàn diện trên tất cả các mặt.
Sau sáp nhập, Hà Nội luôn duy trì tăng trưởng cao (gần 6,7%/năm), bình quân gấp 1,12 lần so với mức tăng chung của cả nước. Quy mô nền kinh tế Hà Nội (GRDP) năm 2023 đạt gần 1,3 triệu tỷ đồng, tương đương 54,2 tỷ USD; đóng góp 23,4% tổng thu ngân sách Trung ương.
Đặc biệt, sau 20 năm kể từ khi được vinh danh là "Thành phố hòa bình" của UNESCO, Hà Nội gia nhập mạng lưới "Các thành phố sáng tạo" của UNESCO vào năm 2020, góp phần quảng bá hình ảnh và hướng tới trở thành thành phố sáng tạo của khu vực Đông Nam Á.
Đến nay, Hà Nội đã có quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thành phố và đang phát huy vai trò là thành viên của các tổ chức liên đô thị quốc tế như: Tổ chức thành phố thông minh bền vững thế giới (WeGO), mạng lưới "Chính quyền địa phương về quản lý dân cư" (CityNet), Nhóm các thành phố dẫn đầu về chống biến đổi khí hậu (C40), Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF), Hiệp hội quốc tế các thị trưởng thành phố nói tiếng Pháp (AIMF), Hiệp hội các thành phố lớn thế giới (Metropolis)...; qua đó, từng bước nâng cao uy tín, vị thế của Thủ đô trong khu vực và trên thế giới.
Cũng theo GS.TS. Lê Văn Lợi, Đảng bộ TP. Hà Nội không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng. Hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở thường xuyên được củng cố, kiện toàn. Tổ chức Đảng đã phát huy được vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở. Đội ngũ cán bộ, công chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có năng lực, tâm huyết, trách nhiệm, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ.
Sự vững mạnh của Đảng bộ và hệ thống chính trị là yếu tố quyết định, tạo tiền đề để Thành phố hoàn thành sứ mệnh là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.
Từ điểm tựa của "Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến", trên nền tảng của Ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thành phố đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, mở rộng hợp tác quốc tế để xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm của Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, từng bước hiện thực hóa khát vọng xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển toàn diện và bền vững.
Gia Huy