Tư duy pháp luật cần chuyển từ ‘quản lý’ sang ‘kiến tạo’

28/07/2025 20:02

(Chinhphu.vn) - Để phát huy hiệu quả vai trò của pháp luật trong thúc đẩy phát triển, cần chuyển mạnh tư duy từ “quản lý” sang “kiến tạo phát triển”, việc xây dựng pháp luật cần “đi một bước”, bảo đảm tính dự báo cao, sát với thực tiễn, không chỉ phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước mà còn tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo.

Tư duy pháp luật cần chuyển từ ‘quản lý’ sang ‘kiến tạo’- Ảnh 1.

Đưa giải pháp hoàn thiện pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật. Ảnh: BTP

Theo Báo cáo từ Bộ Tư pháp, quá trình rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết số 206/2025/QH15 của Quốc hội đã bước đầu chỉ ra nhiều bất cập. Cụ thể, có 97 nội dung tại 61 văn bản (bao gồm 8 luật, 19 nghị định, 34 thông tư) chứa quy định mâu thuẫn, chồng chéo; 71 nội dung tại 28 văn bản có quy định không rõ ràng, có cách hiểu khác nhau, không hợp lý, không khả thi, gây khó khăn trong áp dụng pháp luật.

Ngoài ra, có 88 nội dung tại 29 văn bản có quy định tạo gánh nặng chi phí tuân thủ; chưa có quy định hoặc có quy định của văn bản quy phạm pháp luật nhưng hạn chế việc đổi mới sáng tạo, phát triển động lực tăng trưởng mới, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hội nhập quốc tế.

Mới đây, tại Hội thảo "Trao đổi, lấy ý kiến đối với kết quả rà soát, đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật", ông Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính (Bộ Tư pháp) cho biết, Bộ Tư pháp cũng đã tiếp nhận hơn 1.750 phản ánh, kiến nghị từ các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp về những vướng mắc phát sinh từ quy định pháp luật.

Về mặt tích cực, đã kịp thời tham mưu ban hành Kế hoạch chỉ đạo, xác định rõ yêu cầu, nhiệm vụ, trách nhiệm của cơ quan và thời gian hoàn thành; có văn bản đề nghị, hướng dẫn; thực hiện thu thập phản ánh, kiến nghị từ nhiều kênh. Việc rà soát được đánh giá là khẩn trương, khách quan, khoa học. Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành còn chưa đồng đều; một số đơn vị chưa xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc nghiên cứu, cho ý kiến và đề xuất phương án sửa đổi các quy định liên quan.

Để phát huy hiệu quả vai trò của pháp luật trong thúc đẩy phát triển, cần chuyển mạnh tư duy từ "quản lý" sang "kiến tạo phát triển", Thứ trưởng Bộ Tài chính Hồ Sỹ Hùng nêu rõ quan điểm, việc xây dựng pháp luật cần "đi một bước", bảo đảm tính dự báo cao, sát với thực tiễn, không chỉ phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước mà còn tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo và huy động mọi nguồn lực phát triển. Theo ông, cần dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm".

Bộ Tài chính cũng đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật năm 2025 (trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 tháng 10/2025) đối với 08 dự án Luật: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý nợ công; Dự án Luật Đầu tư (thay thế); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dự trữ quốc gia; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê; Dự án Luật Quy hoạch (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số đổi, bổ sung một số điều của Luật Giá); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán, Luật kiểm toán độc lập, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản…

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho biết, địa phương đã phát hiện 23 nội dung bất cập tại 21 văn bản, liên quan đến các lĩnh vực như: tư pháp, đất đai, xây dựng, xử lý vi phạm hành chính, cải cách hành chính...

Gỡ ‘điểm nghẽn’ do quy định của pháp luật, tạo thuận lợi cho doanh nghiệpTháo gỡ 'điểm nghẽn' pháp luật, khơi thông nguồn lực phát triển đất nước

Một số nội dung mang tính hệ thống cũng được nêu ra, như ý kiến từ Chánh Thanh tra TPHCM Trần Văn Bảy cho biết cần rà soát lại việc phân định thẩm quyền và trách nhiệm cá nhân, tập thể, tránh tình trạng quy định chung chung, gây khó khăn trong thực thi. Ông cũng cho rằng nhiều thủ tục hành chính đang quá thiên về quy trình mà chưa thực sự hướng đến kết quả, khiến cán bộ, người dân và doanh nghiệp đều bị "làm khó".

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp, hoàn thiện báo cáo rà soát để trình Ban Chỉ đạo Trung ương và đề xuất các nhóm giải pháp tháo gỡ cụ thể.

Đồng thời đề nghị các Bộ, ngành sử dụng kết quả rà soát như một cơ sở dữ liệu đầu vào trong xây dựng pháp luật, bảo đảm tính thống nhất, hiệu quả và phù hợp thực tiễn, đúng với tinh thần Nghị quyết số 206/2025/QH15 của Quốc hội về cơ chế đặc biệt xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật.

Bích Phương